Thứ 7, 20/04/2024 13:47:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:34, 02/05/2018 GMT+7

Chuyện “hôn nhân, điền thổ…”

Thứ 4, 02/05/2018 | 16:34:00 2,647 lượt xem
BPO - Từ xưa đến nay, trong cuộc sống gia đình cho thấy, tình cảm vợ chồng một khi đã sứt mẻ thì việc làm lành trở lại là đều khó xảy và nếu có thì hạnh phúc khó mà đạt được như trước. Điều này ai cũng biết, thế nhưng vừa qua tại một huyện thuộc miền Tây Nam bộ đã xảy ra chuyện Tòa sơ thẩm thì đồng ý cho ly hôn nhưng đến phiên phúc thẩm thì tòa án nhân dân tỉnh lại không đồng ý.

Theo hồ sơ vụ việc, ông H trình bày rằng ông và bà T kết hôn từ năm 1994 qua mai mối và có đăng ký kết hôn. Vợ chồng sống chung hạnh phúc đến tháng 10 -2016 thì phát sinh mâu thuẫn do bất đồng trong việc sử dụng tiền bạc và bà T nghi ngờ ông H có dấu hiệu ngoại tình. Vì vậy ông nộp đơn ra Tòa án nhân dân huyện xin ly hôn với bà T. Riêng bà T thì không đồng ý ly hôn với ông H, vì lý do bà vẫn còn thương chồng, thương con và bà T muốn tìm cách hàn gắn tình cảm để ông H quay về sống chung với vợ con.

Cuối tháng 9-2017, Tòa án nhân dân huyện đã mở phiên tòa xử sơ thẩm, chấp nhận đơn yêu cầu ly hôn của ông H. Vì theo hội đồng xét xử thì mục đích hôn nhân giữa hai người không đạt được, đời sống chung không thể kéo dài. Mặt khác, dù bà T không đồng ý ly hôn với ông H nhưng bà lại không đưa ra giải pháp thích hợp cụ thể nào để hàn gắn tình cảm vợ chồng. Hơn nữa, bà T cũng cho rằng ông H có dấu hiệu ngoại tình.

Sau đó, bà T kháng cáo bản án sơ thẩm và kèm theo đơn kháng cáo là đơn yêu cầu xem xét không cho ông H ly hôn của cha mẹ và các chị ruột ông H. Khi xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra nhận định: Xét thấy trong cuộc sống vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, va chạm là không thể tránh khỏi. Bất đồng chính giữa ông H và bà T bắt nguồn từ việc bà T nghi ngờ ông H ngoại tình nhưng không có chứng cứ chứng minh, bản thân ông H cũng không thừa nhận có mối quan hệ khác bên ngoài. Mâu thuẫn đó chưa đến mức trầm trọng làm cho cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt như cấp sơ thẩm đã nhận định.

Hơn nữa, sau khi xét xử sơ thẩm thì cha mẹ và các chị ruột của ông H đều có đơn yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét. Trong đơn, họ nêu rõ bà T là một người con dâu tốt, luôn đối xử chu đáo với gia đình, chăm lo làm ăn, nuôi dạy con cái, mong tòa tạo điều kiện cho hai vợ chồng đoàn tụ và để gia đình có thêm thời gian động viên, khuyên nhủ hai vợ chồng. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần thiết tạo cơ hội cho ông bà có thời gian suy nghĩ, tìm biện pháp giải quyết mâu thuẫn, hàn gắn hạnh phúc gia đình. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà T, sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông H.

Người xưa có câu thành ngữ rằng: “Hôn nhân điền thổ, vạn cổ chi thù”. Ý nghĩa của câu thành ngữ này là chuyện hôn nhân và tranh chấp ruộng đất là hai vấn đề luôn đưa đến thù hận kéo dài khó bề hàn gắn, vì thế đây được xem là mâu thuẫn của muôn đời. Và từ xưa đến nay, đây là hai việc thường xảy ra ở các vùng nông thôn. Chỉ vì chuyện hôn nhân mà đã có không biết bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh ly tán, cha xa con, vợ xa chồng. Và cũng chỉ vì tranh chấp đất đai dẫn đến tình cảnh cha con, anh em bị sứt mẻ. Thậm chí còn xảy ra ẩu đả, kiện tụng nhau đến “đứt khố”, cạn kiệt tình thân và thậm chí xảy ra án mạng... Vì vậy, khi một trong hai người đã không còn tha thiết với việc chung sống với nhau, thì không nên gò ép. Hơn nữa, xét dưới góc độ pháp luật thì một sự việc không nên để xảy ra chuyện “dưới bảo rằng được, nhưng trên lại bảo là không”.

LG

  • Từ khóa
108860

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu