Thứ 3, 16/04/2024 23:58:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 07:29, 10/05/2018 GMT+7

Chuyện hồng nhan...

Thứ 5, 10/05/2018 | 07:29:00 2,356 lượt xem

BP - Trong bất kỳ chế độ phong kiến nào cũng vậy, bên cạnh các bậc quân vương luôn phủ bóng hồng của các mỹ nhân, với vua chúa Nguyễn cũng không ngoại lệ. Bằng nhan sắc lộng lẫy, những hương sắc này được sủng hạnh hết mực. Thế nhưng, vận đổi sao dời, nhiều hồng nhan phải bỏ mạng một cách thảm khốc với những nguyên cớ khác nhau. Và có lẽ vì thế trong xã hội phong kiến ngày xưa đã xuất hiện thuyết “Hồng nhan bạc mệnh”.

Thế nào là “Hồng nhan bạc mệnh”? “Nhan” là nhan sắc, dung nhan. “Mệnh” hay “phận” có nghĩa là số mệnh, số phận.  “Hồng nhan bạc mệnh”, người ta muốn nói lên một mâu thuẫn không thể dung hòa được giữa nhan sắc và số phận của người con gái. “Hồng” (đỏ) có nghĩa là tốt, đẹp; “bạc” (trắng), có nghĩa là xấu. “Hồng nhan” là người con gái có sắc đẹp; “bạc mệnh”, hay “bạc phận” nghĩa là có số mệnh, số phận xấu. Tổng hợp lại, “Hồng nhan bạc mệnh” có nghĩa là người con gái đẹp thường có số phận hẩm hiu. Và người xưa thường lấy nội dung của những giai thoại sau đây để minh chứng cho điều này.

Minh họa: S.H

Dương Thị Ngọt là bà phi thứ 9 của vua Thành Thái. Bà sinh trưởng từ mảnh đất Quảng Trị. Khi tiến cung bà được vua yêu mến nhưng lại phải chết thảm cũng từ mệnh lệnh của vua. Thành Thái là vị vua có tư tưởng tiến bộ nên để tóc ngắn. Theo ông Dương Quang Diêu, người cháu họ thuộc đời thứ 3 của bà Dương Thị Ngọt cho biết: Một lần, sau khi cắt tóc, nhà vua dạo một lượt đến từng người vợ hỏi xem tóc mới của vua có đẹp không. Bà phi nào cũng hết lời ca tụng tóc mới của vua, riêng bà Dương Thị Ngọt đã không khen lại còn buông một câu nhận xét rằng: “Trông giống như kẻ cướp ấy”.

Nghe xong câu nói ấy, nhà vua đã nổi trận lôi đình, rồi sai quân lính cho nấu bà Ngọt trong vạc dầu. Cũng có nguồn cho rằng Dương Thị Ngọt được yêu quý nên những bà phi khác đã tìm cách hãm hại để vua hiểu nhầm bà có ý khi quân phạm thượng. Tựu trung, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà Dương Thị Ngọt là làm mất lòng vua. Tuy nhiên, đám tang của bà vẫn được tổ chức trang trọng với tư cách vợ vua.

Hiền vương Nguyễn Phúc Tần vốn là người chuyên tâm chính sự, không màng nữ sắc, vui chơi tiệc tùng và cực kỳ tin yêu người tài. Thế nhưng, tương truyền, vào tháng 4-1652, nổi lên giữa đám ca nhi ở phủ chúa có một nàng Đào Thừa thập phần đẹp xinh. Đào Thừa là người con gái của miền Nghệ An, phong thái đúng chất trâm anh đài các, lại có tài ca hát xuất chúng. Sự xuất hiện của nàng lập tức khiến mọi nét thanh tú của đám phi tần kia trở nên tầm thường, cũng như công sức để lấy lòng chúa đều tiêu tan. Với nhan sắc, tài năng cùng với “ma lực của sóng mắt khuynh thành”, nàng ca nhi này đã làm “tan chảy” trái tim cứng rắn của Hiền Vương.

Cũng từ đây, Hiền vương dường như trở thành một con người khác hẳn, lao vào dục vọng, bỏ bê việc chính sự. Khi được can gián, Hiền vương chẳng những không tiếp thu mà còn tức giận, kể công từng trải gian lao để bảo vệ cơ đồ, giờ “giống nòi đã vững vàng, trăm họ đã an lạc”, chúa được quyền hưởng thú vui cho riêng mình. Nhưng đến khi đọc sách quốc ngữ, có đoạn kể về việc vua nước Việt là Câu Tiễn đánh nhau với nước Ngô, thua trận. Nhờ Phạm Lãi hiến mưu, Câu Tiễn hiến mỹ nhân Tây Thi cho Ngô vương Phù Sai. Ngô vương chìm đắm trong nữ sắc, xao nhãng quốc sự, Câu Tiễn nhân đó đưa quân chinh phạt, nước Ngô rơi vào thất bại. Sau đó, Phạm Lãi cùng Tây Thi du ngoạn vùng Ngũ Hồ, rồi mới qua đời. Hiền vương cảm thấy có sự trùng hợp với hoàn cảnh của mình nên nghi ngờ Đào Thừa là nội gián của chúa Trịnh cài vào.

Ngay sáng hôm sau, Phúc Tần lệnh cho Đào Thừa mang một bộ triều phục mới tới tư thất của quan Nguyễn Cửu Kiều... cũng từ đó không thấy vết tích của nàng. Sử sách ghi lại trong tay áo của bộ triều phục mà Đào Thừa mang có tẩm thuốc độc kèm mật thư giao cho Cửu Kiều “kết liễu đời nàng để tránh cho non nước xứ đàng Trong cái họa Tây Thi”.

Lời bàn:

Trong 2 mỹ nhân kể trên, có người chết do tâm cơ, người lại chết do “hồng nhan họa thủy”. Song, cái chung của cả hai người là đều đẹp, bước vào cuộc đời vương quyền rồi bỏ mạng... Vì thế, người đời mới có câu nói cửa miệng rằng “Hồng nhan bạc phận”. Nghĩa bóng của câu này là thân phận người đàn bà đẹp thường gặp nghịch cảnh, gian truân. Tuy nhiên, trong cuộc sống thì hồng nhan bạc mệnh là một thực tế không chỉ xảy ra ở quá khứ mà cả trong thế giới hiện đại nữa. Đó là một thực tế thường xảy ra, chứ không phải một quy luật. Bởi vì, quy luật là mối liên hệ bản chất, tất yếu, mà hồng nhan thì không tất yếu dẫn đến bạc phận. Và thực tế cuộc sống đã chứng minh có rất nhiều người đẹp nhưng không bạc phận, mà là “bạc tỷ”.

Nói tóm lại, “Hồng nhan bạc mệnh” là một hiện tượng xã hội tuy có thực trong lịch sử nhưng không phải là một quy luật, vì nó chỉ là một mối liên hệ bên ngoài, không có tính tất yếu. Do đó, phụ nữ dù có hay không có “hồng nhan” đều không cần phải lo lắng gì cả. Yếu tố quyết định đối với số phận của con người là nhân cách của mỗi cá nhân chứ không phải hình thức bên ngoài. Hơn nữa, vẻ đẹp bên ngoài là cái dễ tàn phai theo năm tháng, chỉ có cái đẹp của tâm hồn, của nhân cách mới bền vững với thời gian.

N.D

  • Từ khóa
110039

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu