Thứ 6, 19/04/2024 00:59:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:16, 03/06/2017 GMT+7

Chuyện không tưởng...

Thứ 7, 03/06/2017 | 08:16:00 115 lượt xem
BP - Những ngày qua, dư luận lại “nổi sóng” trước đề xuất “mỗi học sinh tiểu học đóng 100.000 đồng để giải cứu giáo viên” của tiến sĩ Lê Trương Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Việc đề xuất của Tiến sĩ Tùng không những ảnh hưởng đến uy tín của thầy cô giáo mà còn tăng thêm gánh nặng cho cha mẹ học sinh...

Cả nước hiện có gần 1,3 triệu giáo viên các cấp. Trong đó, khoảng 400.000 người là giáo viên ở bậc tiểu học. Đây là những người có mức thu nhập thấp nhất trong hệ thống giáo viên ở nước ta hiện nay. Vì vậy, tiến sĩ Tùng đã đề xuất giải pháp nâng cao mức sống cho giáo viên tiểu học bằng biện pháp không tưởng nói trên. Có người cho đây là giải pháp hay, mang yếu tố tích cực vì người dân sẽ chung sức với Nhà nước để lo cho đội ngũ giáo viên... Nhưng phần đông dư luận không đồng tình, bởi việc nâng cao thu nhập cho giáo viên là cần thiết, nhưng bắt mỗi học sinh phải đóng 100.000 đồng để lập quỹ giải cứu giáo viên là không thể chấp nhận. Việc buộc phụ huynh đóng góp để “nuôi” giáo viên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành sư phạm. Nhiều giáo viên tiểu học tại thị xã Đồng Xoài cho rằng, đây là một ý kiến nông cạn, thiếu suy nghĩ và đã “hạ thấp tư cách nhà giáo”. Bởi theo họ, đã chọn nghề giáo viên thì trước hết phải yêu nghề và chấp nhận những khó khăn về cuộc sống vật chất. Nếu chọn cuộc sống sang giàu thì không ai chọn nghề sư phạm, đặc biệt là làm thầy, làm cô ở bậc tiểu học. Bù lại, thầy cô giáo nhận được sự tôn trọng của xã hội, sự yêu mến của nhân dân. Những giáo viên tiểu học ở thị xã Đồng Xoài mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng ai cũng mong được trả lương đúng công sức lao động. Hoạt động của người giáo viên là đặc thù, là truyền đạt tri thức và những chuẩn mực đạo đức xã hội cho học sinh chứ không phải đối tượng cần cứu trợ. Việc tìm các phương án để nâng cao mức sống cho giáo viên là cần thiết. Nhưng bối cảnh đất nước đang có những khó khăn chung, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong cả nước đang phải chung tay gắng sức để khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống mới thì cách đặt vấn đề của ông Tùng là không ổn.

Còn người dân cho rằng, ý tưởng của ông Tùng đã tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh. Bởi, trong điều kiện hơn 70% dân số của nước ta sống ở vùng nông thôn, miền núi, vùng cao đang còn nhiều khó khăn về kinh tế thì việc đóng góp 100.000 đồng “nuôi” thầy cô là điều bất khả thi. Hiện ở nước ta, vẫn còn nhiều vùng, nhiều nơi phụ huynh phải chạy ăn từng bữa, có người còn cho con nghỉ học vì nghèo khó. Cũng không ít gương các thầy cô dùng đồng lương của mình để lo chỗ học, chỗ ở hay mua sách, vở cho học sinh nghèo có cơ hội đến trường... Trong khi đó, nhiều nơi trong cả nước, nông sản của người dân làm ra không tiêu thụ được, nợ nần chồng chất. Những thông tin về người dân Hớn Quản dùng củ đậu cho bò ăn, đồng bào ở Tây Nguyên mang bí ngô ra chất đống ven đường, người trồng ớt ở Quảng Nam, Quảng Ngãi khóc ròng vì không bán được... thì đề xuất của ông Tùng là chuyện không tưởng.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu