Thứ 5, 25/04/2024 09:04:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:15, 13/07/2018 GMT+7

Tản văn

Chuyện làng tôi

Thứ 6, 13/07/2018 | 14:15:00 122 lượt xem

BP - Bao năm xa quê rồi, vậy mà mỗi khi nghĩ về làng Đông, tôi vẫn nhớ như in những con đường làng với sống gạch ken dày. Nhớ cây đa đầu làng với những chiếc rễ to tướng cuộn trên mặt đất như đàn trăn và mái đình rêu phong là nơi lũ trẻ con thường tổ chức các trò trốn tìm trong những đêm trăng sáng. Nghe bà kể ngày xưa, trai gái làng tôi khi kết đôi phải nộp cho làng một số gạch, gọi là nộp cheo - một tục lệ mang ý nghĩa cộng đồng cao đẹp và làm ấm lòng người. Đường làng tôi rộng rãi, vững chãi với những sống gạch cổ ken dày đã chứng tỏ độ tuổi và uy tín của làng. Người làng Đông dù có đi đâu, làm gì cũng luôn ghi nhớ trong lòng không được làm phai mờ uy thế của làng.

Giờ thì những con đường ken gạch cổ không còn nữa. Trong làng, nhà cửa đã san sát. Những hàng rào cao ngất ngưởng và những chiếc cổng đóng im ỉm không khác gì ngoài phố. Những cây mít, cây hồng bị bó chặt trong những bức tường rào lởm chởm mảnh chai. Bên trong những bức tường rào ấy là sân bê tông toen hoẻn, nhưng không thấy phơi rơm hay khoai sắn như thuở nào. Đất trồng lúa, trồng khoai của làng đã được quy hoạch làm khu công nghiệp. Lĩnh tiền đền bù xong, người ta thi nhau đập nhà cũ xây nhà mới khang trang, mua xe máy, mở quán phở, quán gội đầu, karaoke. Thì còn biết làm gì nữa. Người ta chờ đợi khi các khu công nghiệp bắt đầu hoạt động, tất cả thanh niên trong làng sẽ được đón vào làm công nhân như lời hứa của chủ dự án lúc giải tỏa đền bù.

Như mọi nhà trong làng, lĩnh một cục tiền, dì tôi sắm cho thằng lớn chiếc honda Trung Quốc với ý định cho nó chạy xe ôm. Nhưng bởi nhà nào cũng có xe nên chẳng ai cần. Buồn vì không có việc làm, nó la cà uống rượu rồi bị té xe, gãy chân phải nằm một chỗ. Đứa con gái thứ hai được chia mấy chỉ vàng, đánh chiếc dây chuyền đeo tòng teng ở cổ và đi phụ bưng bê cho quán cơm gần nhà với mức lương 1 triệu đồng/tháng bao cơm trưa. Thằng út hy vọng làm giàu bằng cá độ. Chẳng bao lâu thì hết số tiền được chia. Giờ nó làm phụ hồ tại các dự án trong khu công nghiệp.

Hỏi dì sao không xin cho mấy đứa làm công nhân? Dì buồn bã nói vì đám thanh niên trong làng chỉ học hết cấp hai nên không thể sử dụng công nghệ cao được. Ngày giải tỏa, nghe người ta hứa hẹn, dì hào hứng bứng mồ mả ông bà và vận động nhiều người nhanh chóng dời về nơi tái định cư để giao mặt bằng cho chủ dự án. Hồi ấy, dì mơ tưởng đến một ngày những đứa con mặc bảo hộ lao động như dì thường thấy trên tivi, hớn hở mang lương tháng về đưa cho dì, chấm dứt cảnh chân lấm tay bùn mà suốt đời vẫn khổ. Nhưng giờ tiền đã hết, con thì đứa mang tật, đứa khỏe mạnh thì không còn ruộng để làm, biết lấy gì sống đây?

Tôi ngơ ngẩn hỏi làng Đông mình giờ nhà cửa san sát, khang trang, đường làng rộng rãi, nhạc xập xình suốt đêm ngày mà sao dì nản thế? Dì bảo nhà cao cửa rộng chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài. Phải vào trong buồng, thọc tay vào chum gạo, hũ mắm, lùa tay vào túi tiền mới biết dân làng mình giờ còn khốn khó hơn, rủi ro hơn trước nhiều. Rồi dì kể mới tuần trước, thằng Ngọc con nhà ông Ngà uống rượu say chạy xe máy tạt ngang đầu ôtô trên quốc lộ 1. Người ta phải dùng chiếc bay là dụng cụ làm nề để xúc phần xương thịt giập nát của nó dính ở bánh xe và mặt đường đi chôn cất.

Tôi thẫn thờ đi ngang qua khu công nghiệp. Những tiếng động ồn ào, những ống khói phụt đen ngòm làng quê. Không biết những cái cuống rốn đã hóa thành đất của chị em tôi, của mấy đứa con dì tôi giờ ở nơi nào? Làng Đông giờ đã thành phố, phố ở trong làng. Ao ước thoát khỏi cuộc đời chân lấm tay bùn của dì tôi giờ đã thành sự thật. Nhưng sao buồn quá.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
93671

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu