Thứ 6, 19/04/2024 22:14:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:03, 09/10/2015 GMT+7

Chuyện một vị phó tướng

Thứ 6, 09/10/2015 | 08:03:00 839 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam thực lục”, Phó tướng Nguyễn Đình Đắc sinh năm Ất Hợi (1755), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16, đời vua Lê Hiển Tông, người làng Thượng Xá (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Người đời nói về ông thường dùng danh xưng Phó tướng Đắc, hoặc Đắc Lộc Hầu. Theo đó, Đắc là tên riêng, gọi theo chức là Phó tướng Đắc, gọi theo tước là Đắc Lộc Hầu. Cũng theo tộc phả Nguyễn Đình, chức cao nhất của ông Nguyễn Đình Đắc là Thái bảo Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, cho nên dù ông ở bậc tước Hầu mà được xếp vào hàng tước Công.

 Phó tướng Nguyễn Đình Đắc là cháu đời thứ 12 của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, cháu đời thứ 11 của Thái bảo Thượng trụ quốc Nguyễn Kế Sài (con trai thứ 5 của Nguyễn Xí). Thân phụ của ông vốn xuất thân là một võ quan nhưng cuối đời nghèo khó. Không biết việc học hành thế nào, trong tộc phả không ghi, chỉ biết thuở nhỏ Nguyễn Đình Đắc là người thông minh, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ham luyện võ nghệ. Ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Đình Đắc được đắm mình trong chuyện kể của cha mẹ, gia tộc, dân chúng trong vùng, về sự tích chiến công lẫy lừng của tổ tiên, của các danh nhân trong nội tộc, từ đó góp phần giúp ông nuôi chí lớn, noi gương tiên tổ. Ở quê đến tuổi trưởng thành, do không chịu sự chèn ép của bọn cường hào ác bá, ông rời nhà tìm chốn tiến thân.

Từ xưa, cư dân làng Thượng Xá truyền rằng: ông mồ côi cha, ở với mẹ. Một hôm nhà ông bị cháy, ông ứng khẩu làm bài vè rồi được đám trẻ rồng rắn hát nghêu ngao khắp làng: Tùng tùng cắc cắc/ Mẹ Đắc cháy nhà/ Cháy ba sàng muối/ Cháy lõi thành than/ Cháy tan cối đá. Có một năm làng Thượng Xá tiến hành lễ yến lão vào dịp tết Nguyên đán cho các bậc cao niên, khi đó Đắc làm mõ làng, nhưng vì mải chơi nên đã quên mời một lão làng, lão này hách dịch sai tuần đinh nọc Đắc ra đánh. Đêm hôm sau, làng mời phường trò đến mua vui trong dịp khai hội đầu xuân, viên chức dịch ngồi điểm trống chầu, vì ngủ gật làm rơi dùi trống. Thấy thế, Nguyễn Đình Đắc nhặt dùi trống lên gõ vào đầu viên chức dịch mấy cái, rồi nhân cuộc vui nhốn nháo ông chạy trốn trong đêm tối. Từ đó dân làng không biết tin tức về ông nữa.

Hơn 20 năm sau, có một người làng Thượng Xá đi cắt cỏ về kể lại rằng: Quan quân từ trong Nam rầm rộ kéo ra Bắc đi chật đường, thấy có một ông tướng oai phong lẫm liệt ngồi chễm chệ trên bành voi. Nhìn nét mặt giống hệt anh Đắc làng mình ngày trước. Mọi người nửa tin nửa ngờ. Mãi đến ngày chiến thắng trở về vinh quy bái tổ, dân làng mới tin lời người đi cắt cỏ kia nói là thật.

Trên đường ra Bắc, khi đến tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Đình Đắc gặp được ông Tạ Danh Thùy là Trấn thủ Thanh Hóa. Qua tiếp xúc, ông Tạ Danh Thùy phát hiện ra Nguyễn Đình Đắc là hậu duệ dòng dõi Nguyễn Xí - cựu công thần nhà Lê và là một thanh niên có tư chất thông minh, khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên nhận vào làm thuộc hạ. Những ngày sống và làm việc tại dinh thất của ông Tạ Danh Thùy đã mở ra cánh cửa cho Nguyễn Đình Đắc đi vào thế sự quốc gia.

Trấn thủ Thanh Hóa thường giao cho ông đem quân đi tuần tra cửa biển Thần Phù. Có dịp ông lên kinh đô tìm hiểu mới biết vua Lê nhu nhược, chúa Trịnh lạm quyền. Các quan trong phủ chúa Trịnh chia rẽ bè phái. Người theo Trịnh Cán, người phò Trịnh Tông, không ai chịu ai. Chán ngán trước tình thế, lại vốn là dòng dõi Cương quốc công Nguyễn Xí, ngay từ hồi đó, Nguyễn Đình Đắc đã có ý chí thèm khát khôi phục nhà Lê mà từ thuở xa xưa tổ tiên ông tôn thờ. Từ đó xuất hiện trong ông tư tưởng đi tìm minh chủ để thực hiện nguyện vọng phò Lê, diệt Trịnh.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên thì Nguyễn Đình Đắc sinh ra và lớn lên trong một dòng họ có truyền thống thượng võ và giàu lòng trung quân ái quốc, đời nối đời làm quan trong triều. Nhờ có tố chất thông minh, khí chất hơn người và đam mê võ nghệ, binh thư, binh pháp từ thuở nhỏ, lại nuôi chí lớn “phò Lê” theo truyền thống cha ông, nên Nguyễn Đình Đắc sớm tham gia quân đội và được triều Lê - Trịnh trọng dùng. Nhưng về sau, triều đình nhà Lê bị chúa Trịnh lộng quyền, ông cho rằng khi nhà Lê không còn thì dòng dõi chúa Nguyễn Hoàng có thể kế nghiệp vua Lê. Sau đó, Nguyễn Đình Đắc đã quyết định đầu quân cho chúa Nguyễn Phúc Ánh.

Tướng quân Nguyễn Đình Đắc là nhân vật kiệt xuất, văn võ toàn tài. Ông đã dành trọn cuộc đời để phò vua, giúp nước. Dù ở bất cứ cương vị hay hoàn cảnh nào, ông đều nêu cao khí tiết trung quân, ái quốc, không sợ gian khổ hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc, vì nhân dân. Và không những là vị tướng có tài thao lược xuất chúng mà còn là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, hay giúp đỡ dân nghèo. Mặc dù là đại thần trong triều nhưng sau khi ông mất, vợ con ông vẫn phải sống trong cảnh nghèo khó. Cuộc đời cũng như sự nghiệp và phong cách, lối sống của ông cho đến bây giờ và mãi mãi về sau vẫn là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.   

N.D

  • Từ khóa
109717

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu