Thứ 5, 28/03/2024 16:01:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:52, 03/06/2016 GMT+7

Chuyện về “Ả Trần”

Thứ 6, 03/06/2016 | 13:52:00 3,697 lượt xem

BP - Trong khi vua tôi nhà Trần đang đồng tâm hiệp lực cùng toàn dân chống quân Nguyên Mông thì một hoàng tử của vua Trần Thái Tông sang tận Trung Quốc làm quan cho Hốt Tất Liệt. Và trong niềm kiêu hãnh về hào khí Đông A thể hiện ở chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Nguyên Mông, vương triều Trần vẫn không quên được mối nhục đến từ một thành viên trong hoàng tộc, con trai của vua Trần Thái Tông. Đó là Trần Ích Tắc, một người cực kỳ thông minh, văn tài bậc nhất, tinh thông lục nghệ, thậm chí cả những nghề chơi vặt vãnh như đánh cờ, đá cầu... cũng đều xuất sắc.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trần Ích Tắc là con của vua Trần Thái Tông, em của vua Thánh Tông, chú của vua Nhân Tông nhà Trần nước Đại Việt, tước hiệu là Chiêu Quốc vương.  Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1285), ngày 15-3, Ích Tắc đem cả gia đình đi hàng giặc, được đưa về Trung Quốc và được Hốt Tất Liệt, vua nhà Nguyên, phong làm An Nam quốc vương và chờ ngày đưa trở về nước. Sau khi quân Nguyên Mông đại bại, Trần Ích Tắc ở lại Ngạc Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), giữ chức quan Hồ Quảng bình chương chính sự, gia phong tới Ngân Thanh vinh lộc đại phu rồi Kim tử quang lộc đại phu, nghi đồng tam tư và mất ở Trung Quốc năm 1329, đời Nguyên Văn Tông, thọ 76 tuổi.

Nhà Trần xuất thân từ nơi thôn dã, lập nên cơ đồ nhờ binh nghiệp và tài chính trị nhưng ít học. Đến thế hệ thứ hai sau khi nắm quyền, nhờ việc giáo dục bài bản cho xứng với địa vị hoàng gia, lập tức đã có ngay một loạt nhân vật học vấn uyên bác, sành về văn thơ như Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn... nhưng “nghề chính” của họ vẫn là võ chứ không phải văn. Các vị vương gia thế hệ này hầu hết đều là tướng giỏi hoặc là nhà quân sự xuất sắc, bên cạnh Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn còn có Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư... Nhưng riêng Trần Ích Tắc lại thuần là con người của văn chương, chữ nghĩa.

Cũng theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Chiêu Quốc vương nổi tiếng là người tài hoa, hào hoa phong nhã bậc nhất kinh kỳ, một người sành sỏi và tinh tế trong cả văn chương và các ngón chơi, kết giao với những bậc văn nhân học rộng tài cao nhất thời ấy. Phía bên phải phủ đệ của mình, ông mở học đường để chiêu tập văn sĩ khắp nơi về ăn học miễn phí. Trong số người từng qua lại phủ Chiêu Quốc có cả những người nổi tiếng như Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu.

Ích Tắc lại là người có tham vọng lớn. Tự cho tài nghệ của mình chẳng kém ai, trong lòng ông ngầm bất phục khi hoàng huynh Trần Hoảng được vua cha trao ngôi báu (chính là Trần Thánh Tông). Là phận em nhưng Ích Tắc vẫn nghĩ ngai vàng phải thuộc về mình. Việc ông ta đầu hàng giặc Nguyên sau này vẫn được đánh giá là do hèn nhát nhưng chắc hẳn một phần cũng vì tham vọng. Chiêu Quốc vương tính toán rằng, nhờ thế lực của quân Nguyên, ông sẽ chiếm được ngai vàng. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, thực ra ngay từ trước đó, ông từng gửi thư cho nhà Nguyên qua tay thương nhân phương Bắc xúi giục quân Nguyên vào, ông ta sẽ làm tay trong giúp đỡ.

Khi quân Nguyên sang xâm lược, vua Trần mở hội nghị Bình Than để hỏi ý kiến các vương hầu, trong khi phần lớn tôn thất xin đánh, kể cả cậu thiếu niên “miệng còn hơi sữa” Trần Quốc Toản, thì Ích Tắc cầm đầu một nhóm nhỏ muốn hàng. Năm 1285, cả nước đang gồng lên chống lại 50 vạn quân Mông Nguyên thế mạnh như chẻ tre, nghiền nát bao nhiêu cánh quân Việt và khiến kinh thành Thăng Long thất thủ. Hai vua rời kinh đô, cùng toàn dân chống giặc, dù tình thế nguy nan nhưng tinh thần Sát Thát vẫn dâng ngút trời. Trong khi đó, Trần Ích Tắc mang cả gia quyến, cùng một số người khác trong hoàng tộc, dâng thư hàng giặc. Lập tức, chàng hoàng tử tài hoa của vua Trần trở thành con bài quý trong tay nhà Nguyên.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì chỉ vì muốn ngồi lên ngai vàng mà Trần Ích Tắc đã tính sai nước cờ rằng, thế nước nguy nan đến thế, quân Nguyên mạnh đến vậy, vó ngựa của chúng đã làm cỏ khắp gầm trời, ngay cả nhà Tống ở “thiên triều” cũng bị chúng nuốt chửng thì sá gì nước Đại Việt nhỏ bé. Hơn nữa, vì mù quáng nên ông ta còn nghĩ rằng Đại Việt chắc chắn sẽ thua trận, khi ấy vua tôi nhà Trần đều thành tù binh cả thì lấy ai trị tội làm phản của ông ta. Và khi đó, ông ta sẽ là người duy nhất có thể ngồi lên ngôi báu. Ông lại càng tin hơn vào điều đó vì khi vừa hàng giặc, ông đã được hoàng đế nhà Nguyên cho làm An Nam quốc vương.

Là một công dân, nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc phải luôn được đặt lên hàng đầu, huống hồ Trần Ích Tắc lại là dòng dõi vua chúa nên mọi hành vi của ông ta đều có sức ảnh hưởng đến muôn dân vô cùng lớn. Chính vì thế, khi quân Nguyên Mông thua, vì quá hổ thẹn, Trần Ích Tắc đã không dám trở về quê hương. Phần đời còn lại, ông ta phải sống và chết ở xứ người. Đây quả là vết nhơ khó rửa của một người được coi là “văn võ song toàn”. Và cái tên “Ả Trần” cũng chính là bản “án chung thân” đối với những người chỉ vì lợi ích riêng mà đang tâm bán rẻ Tổ quốc. 

N.D

  • Từ khóa
109799

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu