Thứ 4, 24/04/2024 23:13:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:35, 03/04/2016 GMT+7

Chuyện về Lê Sát

Chủ nhật, 03/04/2016 | 13:35:00 3,498 lượt xem

BP - Vua Lê Thái Tông (Nguyên Long) là con thứ của Lê Lợi. Khi lên làm vua, Lê Thái Tông mới 11 tuổi nên việc gì cũng do quan Phụ chính Lê Sát quyết định. Lê Sát là người làng Bỉ Ngũ, thuộc Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông có trí dũng hơn người, theo Lê Lợi khởi binh, trải bao gian hiểm, lập nhiều chiến công. Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi phong thưởng cho các công thần, ông được ban hiệu Suy trung Tán trị Hiệp trung mưu quốc công thần Nhập nội kiểm hiệu Tư khấu bình chương quân quốc trọng sự. Năm 1429, tên ông đứng thứ nhì, phong Huyện thượng hầu.

Khi vua Lê Thái Tông lớn, đã có hiểu biết phán đoán, Lê Sát vẫn còn tham quyền cố vị, nhiều lúc muốn lấn át cả vua cho nên vua càng chán ghét ông, muốn loại trừ ông để tự mình thâu tóm quyền hành. Sự ghét bỏ của vua Thái Tông đối với Lê Sát càng ngày càng rõ, rất tiếc là Lê Sát nhận biết điều này quá chậm. Ông mải mê, say sưa với quyền lực mà quên cả việc đề phòng hậu họa. Cuối cùng, đại họa thảm khốc đã giáng xuống đầu ông vào mùa hè năm 1437. Lê Sát bị nhà vua ép phải tự vẫn chết tại nhà. Vợ con và điền sản của ông bị tịch thu. Những người cùng phe hoặc từng nói đỡ tội cho ông cũng bị phạt. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép lại một việc liên quan đến Lê Sát như sau:

Chuyện thứ nhất, một hôm giám sinh (học sinh trường Quốc Tử Giám) Nguyễn Đức Minh thấy có lá thư nặc danh dán ở trên tường một ngôi chùa, trong thư nói Đại Tư đồ Lê Sát và Đô đốc Phạm Vấn cùng lập mưu để giết Phán Quan Sĩ (tức Lưu Nhân Chú). Thấy vậy, anh ta bô bô gọi mọi người tới xem, sau đó thì tự hại mình. Có người đến tố cáo chuyện đó với Lê Sát, ông cho rằng chính viên giám sinh ấy viết ra, liền sai bắt để tra khảo nhưng anh ta quyết không nhận. Khi Lê Sát tính đem viên giám sinh ra chém thì hình quan cho rằng tội trạng chưa rõ, vì thế Lê Sát giảm tội chết cho anh ta nhưng bắt phải đi đày và tịch thu hết gia sản.

Chuyện thứ hai, người của Uy Viễn Quân là Nguyễn Bẩm cùng với viên Trung quân Thiết Đột là Trình Thọ Lộc thường hay bày kế để rủ rê bọn nô tỳ, đem họ dâng cho các quan. Quan Tư mã là Lê Liệt (tức Đinh Liệt) bắt được, liền đem chuyện tâu lên. Lê Sát lập tức bắt cả hai ra tra tấn ngay giữa sân điện rồi đem chém. Ông lại sai điều đám thợ sơn ở Tất tác tượng đến làm việc ở chùa Báo Thiên. Do phải làm việc cực nhọc nên người thợ sơn là Cao Sư Đãng nói vụng rằng: “Thiên tử thì thất đức, đến nỗi hạn hán. Đại thần thì ăn của đút, cắt cử người chẳng có chút công lao. Thiện tâm đã không có, xây chùa to mà làm gì? Lời ấy bị người khác tố cáo, trong khi các quan trong triều đều xin miễn tội chết cho Cao Sư Đãng, chỉ một mình Lê Sát muốn giết Đãng và cuối cùng Đãng bị chém đầu.

Chuyện thứ ba, bấy giờ, quan giữ chức Đồng tri Bắc Đạo là Bùi Ư Đài tâu xin chọn các bậc kỳ lão vào chầu để khuyên răn nhà vua và xin đặt chức Sư phó để chỉ bảo cho các quan. Lê Sát thấy lời tâu ấy thì giận lắm, xin giao Bùi Ư Đài cho ngục quan xét hỏi, ghép Ư Đài vào tội ly gián vua tôi. Nhà vua không nghe. Lê Sát tâu đi tâu lại đến ba bốn lần mà nhà vua vẫn không chịu. Về sau, vì các quan Thiên Hựu, Cầm Hổ và cả quan Hữu Bật là Lê Văn Linh đều đồng ý với Lê Sát nên nhà vua bất đắc dĩ phải đày Bùi Ư Đài đi xa nhưng lòng vua đã bắt đầu ghét bỏ Lê Sát.

Đến năm 1453, dưới triều vua Lê Nhân Tông (1443-1459), nhà vua mới cho ông là bị tội oan, bèn cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng để thờ tự. Năm 1484, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), Lê Sát được truy tặng là Thái Bảo, Cảnh Quốc Công. Dẫu biết rằng việc vua Lê Nhân Tông gỡ bỏ cho Lê Sát mối oan và cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng khi Lê Sát đã ngậm cười nơi chín suối được 16 năm, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất để an ủi vong linh ông.

Lời bàn:

Vẫn biết rằng dười thời phong kiến, vua bảo chết thì thần dân không thể không chết nhưng quyết định này của vua Lê Thái Tông khiến Lê Sát và con cháu ông không phục. Bởi nếu ai đó nói rằng Lê Sát chuyên quyền, giết hại người tài thì hơi khiên cưỡng, bởi lúc đó Lê Sát chỉ là quan tể tướng, dù ông đứng trên muôn người nhưng vẫn dưới một người chính là nhà vua. Do đó, dù Lê Sát có trình tấu với vua việc phải giết người này hay tha tội chết cho người kia thì đó cũng chỉ là những lời trình tấu của cấp dưới với cấp trên, quyết định cuối cùng vẫn là ở nhà vua và nhà vua phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Do vậy, vua Lê Thái Tông là người phải chịu trách nhiệm chính trong cái chết của Lưu Nhân Chú và Cao Sư Đãng, chứ không phải là Tể tướng Lê Sát.

Thế mới hay rằng dưới thời phong kiến, vua là người đứng đầu quốc gia xã tắc, đồng thời cũng là người chỉ biết có quyền chứ không hề có trách nhiệm và không bao giờ chịu trách nhiệm về bất cứ việc gì. Tiếc rằng cho đến ngày nay, tàn dư của chế độ phong kiến vẫn chưa hết. Bởi thế, ở đâu đó vẫn còn có người học theo thói xưa, họ cũng chỉ biết đến quyền và lợi ích của bản thân, còn nghĩa vụ và trách nhiệm thì đùn đẩy cho người khác hoặc cho cấp dưới. Thậm chí có kẻ nếu quyền lợi không được như ý mình thì sẵn sàng phá bĩnh, rồi nói xấu người này, người kia để gây mất đoàn kết nội bộ... 

ND

  • Từ khóa
109777

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu