Thứ 6, 29/03/2024 19:49:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:28, 26/08/2015 GMT+7

Chuyện về một câu đối

Thứ 4, 26/08/2015 | 14:28:00 5,378 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam thực lục”, Ngô Thì Nhậm còn có tên gọi khác là Ngô Thời Nhiệm, tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Ông là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê - Tây Sơn và là người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Quê ông ở làng Tả Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội).

Cũng theo sách này, Đặng Trần Thường là công thần khai quốc nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, người huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Đặng Trần Thường đậu sinh đồ về cuối đời nhà Lê. Sau khi nhà Lê mất, ông xin ra làm quan với nhà Tây Sơn nhưng không được tiếp nhận nên vào Gia Định, theo giúp Nguyễn Ánh lập nhiều công trạng làm đến chức Tán lý, sau lĩnh chức Binh bộ Bắc thành, rồi được triệu về kinh làm Binh bộ Thượng thư.

 Chuyện xưa kể lại rằng, Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường vốn có quen biết với nhau. Lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Khi trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Ngô Thì Nhậm lên lớp thét bảo Thường rằng: Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác.

Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi sau đó vào Nam theo phò Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường. Vì có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm như sau: Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai. Vế đối hiểm hóc ở chỗ có 5 chữ ai và có một chữ trần là tên đệm của Đặng Trần Thường.

Vừa nghe xong, Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp ngay rằng: Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế. Vế đối lại cũng có 5 chữ thế, nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng. Và vế đối cũng có chữ thời là tên đệm của Ngô Thời Nhiệm.

Xét về mọi khía cạnh, hai câu đối nhau chan chát, cực kỳ chỉnh không sai trật một ly. Quả là lời lẽ và từ ngữ của bậc quốc sĩ với hào khí ngất trời. Nhưng cũng có thuyết nói rằng, nguyên câu đối lại của Ngô Thì Nhậm là: Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, dù thời thế, thế nào cũng thế, hoặc là: Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế.

Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói “Thế đành theo thế” hay “thế thời theo thế” hoặc là “thế thì phải thế”. Nhưng Ngô Thì Nhậm không nói lại. Vì vậy Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông. Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích không bị đánh bằng thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:

 Ai tai Đặng Trần Thường;  Chân như yến xử đường; Vị Ương cung cố sự; Diệc nhĩ thị thu trường. Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó. Và quả nhiên là sau này bài thơ ứng nghiệm, Đặng Trần Thường đã bị vua Gia Long xử tử.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay thì Ngô Thì Nhậm xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc chốn Bắc Hà. Dòng họ Ngô Thì ở làng tả Thanh Oai vốn nổi tiếng về việc bảy đời nối nhau đỗ đạt cao, trong đó không hiếm những trường hợp “huynh đệ đồng triều, phụ tử thế khoa”, nghĩa là anh em ruột thịt cùng làm quan trong một triều đình, cha con cùng nối nhau thi đỗ trong một khoa thi. Và trong 57 năm cuộc đời, Ngô Thì Nhậm đã có 18 năm làm quan chức dưới triều Lê - Trịnh và 15 năm đi theo phong trào Tây Sơn. Đặc biệt là trong 5 năm gắn bó với anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung, ông đã có nhiều đóng góp lớn lao vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chống quân Thanh xâm lược và có nhiều công lao xuất sắc trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước dưới triều đại Quang Trung.

Có thể khẳng định rằng, trong suốt cuộc đời mình, Ngô Thì Nhậm đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một người trí thức lỗi lạc. Vì ông đã có nhiều cống hiến rất lớn cho dân tộc trên mọi lĩnh vực: Chính trị, quân sự, ngoại giao, triết học và văn học. Ông để lại một di sản văn chương đồ sộ gồm trên 600 bài thơ và 15 tác phẩm. Trong  cuốn sách “Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh đã xếp Ngô Thì Nhậm vào hàng ngũ những thiên tài mãi mãi là những ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam, làm vẻ vang cho giống nòi. Và ngày nay, hậu thế đã và đang noi gương ông trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.   

N.D

  • Từ khóa
109702

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu