Thứ 5, 25/04/2024 21:20:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:20, 11/02/2019 GMT+7

Chuyện về người cựu chiến binh

Thứ 2, 11/02/2019 | 15:20:00 1,786 lượt xem
BP - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua 44 năm nhưng mỗi khi nhắc đến thì trong ký ức của người lính già Vũ Đức Chín (ảnh, SN1933) vẫn như sống lại những năm tháng hào hùng trên trận tuyến đánh quân thù. Cuộc đời binh nghiệp của ông Chín trải qua nhiều đơn vị với những công việc khác nhau nhưng ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Xuân này, ông Chín bước sang tuổi 87 nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh và thường xuyên làm từ thiện xã hội.

Tiếp bước truyền thống cha anh

Ven quốc lộ 14, đoạn qua ấp 4, xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài có một căn nhà cấp 4 nhỏ nhắn, giản dị nép mình bên những căn nhà cao tầng. Đây là nơi ở của người cựu chiến binh, thương binh ¼ Vũ Đức Chín. Chúng tôi đến thăm ông trong một buổi chiều đầu năm, trời hanh hao nắng và phải chờ khá lâu vì ông Chín đang đi làm từ thiện trong xã.

Căn nhà cấp 4 của ông treo trang trọng nhiều bằng khen và huân, huy chương các loại. Thấy chúng tôi tò mò trước bức chân dung của một người mang quân hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Chín chia sẻ: “Đây là anh ruột tôi, Trung tướng Vũ Cao, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng. Tôi còn có một anh trai là sĩ quan đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tôi vào bộ đội cũng là tiếp nối bước chân các anh mình. Tôi luôn tự hào về con đường mình đã chọn và tự hào về truyền thống gia đình”.

Ông Chín sinh ra trong thời kỳ Pháp thuộc tại xã Xuân Đài (Xuân Trường, Nam Định). Năm 1945, anh trai của ông là Vũ Cao (1927) tham gia giành chính quyền ở Nam Định rồi gia nhập quân đội. Ông Chín còn nhỏ ở với gia đình tại quê nhà. Mỗi lần ông Cao được nghỉ phép về thăm nhà, cậu bé Chín được nghe kể về chuyện chiến trường, chuyện bộ đội Cụ Hồ đánh đuổi giặc Pháp nên rất đỗi tự hào về người anh của mình và quyết tâm trở thành người lính như anh. Năm 1958, ông nên duyên vợ chồng với cô thôn nữ trong làng. Khi có người đỡ đần cho gia đình, ông Chín tiếp tục viết đơn tình nguyện vào bộ đội.

Sau nhiều lần gửi đơn, ông Chín được tuyển vào lực lượng công an vũ trang năm 1959 khi đã 26 tuổi. Vào bộ đội, đơn vị ông được tăng cường lên Tây Bắc để bảo vệ biên giới và tiêu diệt thổ phỉ quấy nhiễu dân.

Ký ức thời hoa lửa

Những năm tháng trong lực lượng công an vũ trang, ông Chín cùng đồng đội tiêu diệt nhiều toán thổ phỉ, bảo vệ bình yên cho các bản làng đồng bào dân tộc ở Tây Bắc. Sau đó, ông được điều về Hà Nội làm nhiệm vụ bảo vệ Phủ Chủ tịch. Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh, hàng vạn thanh niên mong được vào Nam đánh giặc. Ước nguyện được cầm súng ra trận đánh giặc lại thôi thúc ông viết đơn vào Nam. Cuối năm 1963, ông chuyển sang lính bộ binh và được điều về Tiểu đoàn cơ động 320B.

Năm 1964, đơn vị ông sang Xiang khouang (Xiêm Khoảng) Lào để trấn áp các cuộc phản loạn của phỉ Vàng Pao. Rồi từ Xiêm Khoảng, đơn vị ông tiến về Savannakhet, miền Trung Lào có đường biên giới với tỉnh Quảng Trị để bảo vệ các căn cứ hậu cần của ta trên đất bạn. Ông Chín nhớ lại: “Lúc này, tôi là đại úy quân đội. Từ cuối năm 1964-1967, chỉ riêng tỉnh Savannakhet, đơn vị tôi đã đánh 7 trận lớn nhỏ với phỉ Vàng Pao và quân ngụy Lào để bảo vệ an toàn các căn cứ hậu cần, kho lương thực của ta. Giữa năm 1967, khi đang chỉ huy đánh trả quân thù thì tôi có cảm giác mát lạnh ở phía sau gáy rồi không biết gì nữa. Khi tỉnh lại thấy nằm trong bệnh xá dã chiến và biết mình bị thương do mảnh đạn cắt qua gáy”.

Sau điều trị, ông Chín được điều động sang chỉ huy đại đội thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn với phiên hiệu C29, đội 25B, BT14 Đoàn 559. Ông Chín nhớ lại: “Đơn vị mới của tôi toàn là những cô gái đến từ Thanh Hóa và Nam Định chân yếu tay mềm nhưng khi san đường, lấp hố bom để thông xe thì lại tràn đầy khí thế. Tôi nhớ những lần bom Mỹ đánh tọa độ, rải thảm nhưng chỉ cần một khẩu lệnh thì các thanh niên xung phong đã có mặt tại trận địa mặc mưa bom bão đạn. Họ lao ra dập lửa cứu xe hàng, cõng thương binh, kích hoạt nổ phá các loại bom nổ chậm và san lấp mặt đường cho đoàn xe nhanh chóng vượt qua tọa độ chết”. Những năm tháng trên tuyến Trường Sơn là thời kỳ ác liệt và đẹp nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Bởi ở vùng Trường Sơn thuộc khu vực tam giác Quảng Bình - Quảng Trị - Lào là vùng khủng bố trắng của địch nên không lúc nào ngớt tiếng bom rền, đạn nổ. Ở đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như sợi chỉ giữa bão lửa chiến tranh. Thế nhưng, đơn vị ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị ông vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Mọi người ôm nhau khóc, mừng cho đất nước sạch bóng quân thù, khóc cho đồng đội đã ngã xuống và những người còn nằm đâu đó trong rừng sâu núi thẳm. Khóc cho sự sống đã trở về trên vùng đất lửa và khóc cho sự chia tay của một thế hệ làm nên huyền thoại Trường Sơn bất tử. “Thắp vội nén nhang tri ân những đồng đội đã ngã xuống, đơn vị tôi trở về các địa phương để tiếp tục cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu. Mọi người từng sát cánh kề vai, vào sinh ra tử nay bịn rịn lưu luyến mãi không thôi...” - ông Chín trầm ngâm.

Hoa giữa đời thường

“Sau ngày giải phóng, cấp trên yêu cầu tôi đi nhận nhiệm vụ mới tại tỉnh Bạc Liêu. Chúng tôi giúp dân ổn định cuộc sống, thành lập các nông trường quốc doanh, rà phá bom mìn và cải tạo lại những cánh đồng nhiễm chua mặn để trồng lúa. Đến năm 1979, tôi phục viên trở về quê hương” - ông Chín chia sẻ.

Ở quê đất chật, người đông, cuộc sống vô cùng khó khăn. Anh trai ông là tướng Vũ Cao lúc này đang giữ chức Tham mưu trưởng, Phó tư lệnh Quân đoàn 4 động viên ông vào Sông Bé theo diện kinh tế mới. Năm 1985, ông Chín một mình khăn gói vào Đồng Xoài để xem xét tình hình. Lúc này, Nhà nước chi trả tiền phục viên cho ông được 800 ngàn đồng. Với số tiền này, ông Chín đã sang nhượng lại 4 ha rẫy trồng lúa (tại ấp 4, xã Tân Thành hiện nay) rồi đưa vợ con vào làm kinh tế. Nhờ uy tín, ông Chín được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Thành từ năm 1986-2001. 7 người con của ông được ăn học đến nơi đến chốn, hiện đã yên bề gia thất và thành đạt. Nay ông Chín có 17 cháu nội, ngoại và 7 chắt, chút. Lúc rảnh rỗi, ông luôn kể về Trường Sơn những năm đánh Mỹ và truyền thống quê hương cho các cháu, chắt nghe. Năm 2011, vợ ông về với tổ tiên. Ông quyết định bán hết vườn rẫy chia cho các con thêm vốn làm ăn. Phần còn lại ông gửi ngân hàng lấy lãi làm từ thiện. “Chất lượng cuộc sống bây giờ cao gấp hàng trăm lần thời mới giải phóng. Người dân đã biết ăn ngon, mặc đẹp nhưng xã hội vẫn còn nhiều người khó khăn. Vì vậy, tôi chi tiêu dè xẻn trong khoản lương thương binh, số tiền lãi ngân hàng tôi đi làm từ thiện, giúp đỡ những hộ nghèo trong vùng, mong họ có cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống” - ông Chín nói về việc làm từ thiện của mình.

Xuân mới đang về, ông Chín rất vui mừng trước sự đổi mới của quê hương. Không nghỉ dưỡng già, ông lại bận rộn với những dự định làm từ thiện để giúp thêm những hộ nghèo có điều kiện vui tết, đón xuân.

Tấn Phong

  • Từ khóa
25683

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu