Thứ 6, 29/03/2024 08:29:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:15, 22/07/2016 GMT+7

Chuyện về Nguyễn Chế Nghĩa

Thứ 6, 22/07/2016 | 15:15:00 2,469 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Chế Nghĩa là danh tướng thời Trần và là người thông thạo thập bát ban võ nghệ. Ông làm quan trải qua 4 đời vua, có nhiều công lao với triều đình và nhân dân. Sau khi ông mất, dân làng Kiêu Kỵ quê ông đã lập đền thờ.

Tiếc rằng cho đến ngày nay, những tư liệu lịch sử về ông còn lại quá ít ỏi nên hậu thế không rõ năm mất, mà chỉ biết ông quê ở xã Cối Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Ông sinh ra trong gia đình có danh vọng, từ nhỏ ông đã có sức khỏe lạ thường, giỏi cưỡi ngựa và sử dụng giáo dài; thiên văn, binh pháp đều tinh thông, lại thích ngâm vịnh và làm thơ.

Theo truyền thuyết, vào thời nhà Trần trị vì, ở trang trại Bái, thuộc huyện An Định, phủ Thiệu Thiên, Thanh Hóa có ông Đinh Thiện. Do cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên ông đã rời bỏ quê hương đến định cư ở ấp Mỹ Long, xã Cối Xuyên, huyện Trường Tôn, trấn Hải Dương (nay là xã Nghĩa Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) làm ăn sinh sống. Tại đây, ông Đinh Thiện đổi thành họ Nguyễn và kết duyên với bà Hoàng Thị Nguyên. Ông bà sinh được người con trai đặt tên là Nguyễn Chế Nghĩa vào năm Thiệu Long thứ 7 (1265).

Khi còn trẻ, Nguyễn Chế Nghĩa đã thể hiện rõ là người thiên tư anh tuấn, có chí lớn vừa giỏi văn vừa giỏi võ. Ngay từ buổi niên thiếu Nguyễn Chế Nghĩa đã có nghĩa khí: Đã là một đấng trượng phu; Phải đem chí lớn, đền bù non sông. Lưu đời hai chữ nghĩa - trung; Để cho tên tuổi gắn cùng nước non. Không những thế, khi còn trẻ ông đã là người thông thạo thập bát ban võ nghệ, sử dụng được nhiều binh khí, có biệt tài đánh côn, dân gian gọi là đánh thó.

Khi lớn lên, ông đầu quân dưới trướng Phạm Ngũ Lão, tham gia đánh thắng quân nhà Nguyên ở ải Chi Lăng. Ra trận, ông cưỡi ngựa, cầm giáo xông vào giữa đám quân giặc, đánh đâu thắng đấy, chẳng ai địch nổi. Giặc sợ gọi ông là thần tướng. Khi dẹp giặc xong, ông được cử làm Khống Bắc đại tướng quân, tước Nghĩa Xuyên công, ở lại trấn thủ Lạng Sơn 6 năm, lập được nhiều công, danh tiếng ngang với Phạm Ngũ Lão. Vua Trần Anh Tông rất yêu mến, gả con gái yêu là công chúa Ngọc Hoa cho ông. Ít lâu sau, ông được thăng chức Thái úy, được phong đến tước Nghĩa Xuyên Công.

Năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), lúc ông vừa tròn 20 tuổi, vua Nguyên Mông sai thái tử Thoát Hoan đem quân xâm lược nước Đại Việt lần thứ hai. Nguyễn Chế Nghĩa xin đầu quân đánh giặc. Ông đã vượt qua các môn tỷ thí võ nghệ cũng như phép dùng binh. Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương khen: Người chẳng kém gì Phạm Ngũ Lão, ta lại thêm một tướng tài. Nói xong Hưng Đạo Vương liền cho ông làm tướng tiên phong.

Nguyễn Chế Nghĩa được ghi nhận là người có tính tình trung hậu, thẳng thắn, không ngại gian lao, nên được coi là một tướng tâm phúc, tài giỏi của nhà Trần. Ông thường ngâm hai câu thơ trong “Sầm Lâu tập” là: Soa lạp ngũ hồ vinh bội ấn; Tang ma ế đã thắng phong hầu và cho đó là cái đạo tự giữ vẹn mình của kẻ bề tôi. Khi tuổi cao, ông dâng biểu xin từ chức nhiều lần, mới được vua chấp thuận. Trở lại quê nhà, ông mời bè bạn đến chơi, trong dịp này có hai bài thơ tặng ông, ca ngợi công lao của ông đối với đất nước cùng khí tiết cao cả, trong sạch.

Sự tích về ông được chép trong sách “Trần triều Hiển thánh Chính kinh Tập biên”. Có tư liệu cho biết, Nguyễn Chế Nghĩa còn để lại một bài thơ. Tiểu sử và thơ của ông không được chép trong sử hoặc một cuốn thơ văn chính thức nào mà chỉ tìm thấy trong thần phả thờ ông hoặc in phụ vào thần phả thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Lời bàn:

Theo các sử liệu còn lưu truyền đến ngày nay, Nguyễn Chế Nghĩa vừa có võ công văn trị vừa là nhà thơ và nhà ngoại giao có tài. Bình sinh, ông là người thẳng thắn, quyết không khoan nhượng với bọn nhũng nhiễu hại dân. Tiếc rằng, đến cuối đời vua Trần Minh Tông, triều đình nhà Trần nhiễu nhương, vua ham chơi bời không lo đến quốc sự, bọn gian thần nhũng loạn. Nguyễn Chế Nghĩa khuyên can vua không được bèn từ quan về nghỉ ở đất Cối Xuyên - quê hương ông và ở Kiêu Kỵ là đất vua ban cho ông làm thái ấp. Tại Cối Xuyên, ông giúp dân mở mang nghề nông, mở chợ Cối Xuyên, mở phường dạy võ cho thanh niên. Tại Kiêu Kỵ, ông cũng khuyến khích nông dân mở mang đồng ruộng, phát triển nghề tằm tang, bảo vệ đê sông Hồng. Ông lập quán Ninh Kiều làm nơi nghỉ ngơi thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, nơi xướng họa thơ văn, ngoài ra ông còn khuyến khích mọi người dân trong vùng giữ thuần phong mỹ tục.

Số phận thật nghiệt ngã, một cuộc đời oanh liệt là vậy, nhưng chỉ vì phản đối việc lập vua Trần Dụ Tông mà Nguyễn Chế Nghĩa đã bị sát hại. Song, với những công lao hiển hách và cuộc đời đức cao vọng trọng, ông vẫn được người đương thời cũng như hậu thế ghi nhận công đức. Thế mới hay rằng, dưới các triều đại phong kiến, công thần đời trước không hẳn sẽ là ái khanh của đời sau, tâm phúc của cha nhưng chưa hẳn đã là cận thần của con. Song, thời nào cũng vậy, xin hậu thế đừng quên rằng “thần thiêng nhờ bộ hạ”, không có dân thì làm sao có quan và không có quan thì làm vua với ai? 

N.D

  • Từ khóa
109815

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu