Thứ 7, 20/04/2024 02:18:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:04, 13/11/2016 GMT+7

Chuyện về Nguyễn Hữu Cảnh

Chủ nhật, 13/11/2016 | 15:04:00 3,579 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một vị tướng quốc, một bậc công thần đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Sinh quán của ông tại Quảng Bình, nhưng quê gốc ở vùng Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông nội của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là quan tham chiến Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn, vì bất mãn với chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê nên theo phò chúa Nguyễn vào đàng Trong. Bước dừng chân đầu tiên của dòng họ Nguyễn Hữu vào năm 1609 do Triều Văn Hầu định hướng là đất Quảng Bình. Khi ấy người con trai thứ năm của Triều Văn Hầu là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật mới được 6 tuổi. Ông Dật sau này là cha của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được sinh vào năm 1650 tại Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà đang chịu nạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. Ông lại thuộc dòng dõi danh tướng nhà chúa Nguyễn nên sớm trở thành người tài giỏi, võ nghệ siêu quần ông từng là sư tổ của môn võ với danh hiệu “Bạch hổ sơn quân phái” được nhiều người kính phục. Được chúa trọng dụng ban tước Lễ Thành Hầu và cử giữ chức Cai Cơ. Năm Nhâm Thân (1692), chúa Nguyễn phái Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Binh an định bờ cõi. Tại vùng ven biển, hai năm liền ông đã tích cực phấn đấu gặt hái được nhiều kết quả khả quan và nhất là để lại nhiều dấu ấn nhân hậu.

Xuân Mậu Dần 1698, chúa lại cử ông làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai (gồm cả Sài Côn Bến Nghé). Thuở ấy ông cho đóng đại bản doanh tại Cù Lao Phố còn gọi là Đông Phố (Đồng Nai). Ngoài mỏm đất này ra chung quanh toàn là rừng núi âm u, đất đai hoang hóa đầy hiểm trở, sông rạch thì chằng chịt, gai góc ngút ngàn, đầy rẫy hang ổ của các loài mãnh thú, ác ngư... Vì thế, thời ấy mới có thơ rằng: Đồng Nai địa thế hãi hùng; Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um...

Và tận tâm tận lực trong vòng chưa đầy một năm, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thành công rực rỡ trước mọi phương án do ông đề ra. Riêng công trình di dân đã được đa số dân chúng miền Phú Xuân và Ngũ Quảng hưởng ứng, nhất là nhân dân vùng Bố Chánh Quảng Bình đã sốt sắng đáp lời kêu gọi của bậc lãnh tướng đồng hương mà họ hằng kính yêu, nên đã hăng hái rủ nhau vào Đồng Nai lập nghiệp rất đông. Điển hình là thời ấy đã có thơ rằng: Làm trai cho đáng nên trai; Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng.

Nhờ vậy, chốn rừng rậm, đầm lầy quanh vùng Đồng Nai, Bến Nghé đã nhanh chóng trở thành phủ Gia Định rộng lớn, đầy sinh khí..., mà Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã là vị Thống suất kinh lược có công đầu trong lớp người khai sơn ra phủ Gia Định, là ân nhân mở đường đưa dân chúng đến cuộc sống hạnh phúc ấm no tại vùng đất mới này. Không những ông là vị tướng khai biên xuất, nhà chính trị tài giỏi mà còn là người giàu lòng nhân hậu và có một tâm hồn thuần phác, với lòng yêu quê hương Tổ quốc thiết tha. Đặc biệt, ông đặt nặng tình lưu luyến chân thành với sinh quán Quảng Bình của ông. Như ta thấy, ông đã chắt chiu đem từng tên của hai huyện Phước Long, Tân Bình ở tận Quảng Bình vào đặt tên cho vùng đất mới khai hóa này, mà đến nay phần lớn vẫn còn. Trước hết là hai huyện Phước Long (vùng Đồng Nai) và Tân Bình (vùng Sài Côn Bến Nghé). Rồi còn biết bao thôn, xã khóm, ấp được mang tên Bình hoặc Tân như: Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Trị, Bình Long, Bình Quới, Bình Hòa, Bình Điền, Bình Phước,... Tân Định, Tân Hưng, Tân Khai, Tân Thuận, Tân Mỹ, Tân Phước, Tân Thạnh...

Hai năm sau, triều đình tái cử ông đi dẹp yên biên cương với chức Thống binh. Lần này, ông cũng dùng chính sách ôn hòa, đem nhân tâm thu phục lòng người là chính. Công cuộc an định biên cương mau chóng hoàn tất, ông hạ lệnh dong thuyền xuôi dòng Cửu Long về Dinh Trấn. Nhưng khi về đến ngã ba Tiền Giang - Rạch Gầm thì bỗng dưng ông bị mắc bạo bệnh và mất đột ngột! Khi ấy nhằm ngày 9-5 Canh Thìn (1700). Quan quân bàng hoàng xao động, âm thầm đưa linh cữu của ông về đình cữu và huyền táng cạnh dinh Trấn Biên Đồng Nai, thuộc thôn Bình Hoành, Cù Lao Phố.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên thì không chỉ tỏ rõ nghệ thuật dùng binh của một vị tướng đã kinh qua nhiều trận mạc, mà Nguyễn Hữu Cảnh còn là người giỏi cắt đặt công việc hành chính và tổ chức cuộc sống cho các cộng đồng dân cư. Chính vì lẽ đó mà sau này chúa Nguyễn Phúc Chu đã toàn tâm giao cho Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục làm Thống binh đi kinh lược xứ Đồng Nai - Gia Định, khai mở đất phương Nam. Và lịch sử hình thành vùng đất Nam bộ được ghi nhận từ chuyến đi kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam năm 1698. Và ông xứng đáng được nhân dân tôn kính là Đệ nhất công thần xứ Đồng Nai. Lịch sử khai phá của vùng đất này mãi mãi khắc ghi công lao của ông là “tiền hiền của các bậc tiền hiền” đã khai sáng cho một vùng đất.

Lớp lớp con cháu người Việt hôm nay và mãi mãi về sau không ai lại không tự hào về dấu chân của những bậc tiền nhân thời mở nước. Và trong đoàn hùng binh đi mở đất đầy gian khổ ấy, hình bóng của vị Thượng đẳng thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngời ngợi với vị thế lĩnh ấn tiên phong. Và trách nhiệm của hậu thế đối với tổ tiên là phải biết phấn đấu và cống hiến sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, để xứng đáng với công lao của người xưa.

N.D

  • Từ khóa
109858

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu