Thứ 7, 20/04/2024 06:19:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:49, 01/12/2016 GMT+7

Chuyện về Nguyễn Hữu Cầu

Thứ 5, 01/12/2016 | 14:49:00 4,860 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Hữu Cầu là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân ở đàng Ngoài vào giữa thế kỷ XVIII. Ông là người xã Lôi Động (nay thuộc xã Tân An), huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Nguyễn Hữu Cầu xuất thân trong gia đình nông dân nghèo nhưng ông là người có tài cả văn kiêm võ, lại bơi lội rất giỏi nên được gọi là quận He. He là tên loài cá ở biển Đông, bởi Hữu Cầu bơi khỏe và hùng dũng nên được gọi như vậy.

Vì nhà nghèo nên có thời gian ông đi làm cướp, sau theo Nguyễn Cừ khởi nghĩa và được Nguyễn Cừ yêu quý gả con gái là Nguyễn Thị Quỳnh cho. Chẳng bao lâu ông nổi tiếng là viên tướng giỏi võ nghệ, dũng cảm, gan dạ và nhiều mưu lược. Khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu đem thủ hạ về giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn. Năm 1743, quận He giết được Thủy Đạo đốc binh là Trịnh Bảng, tự xưng làm Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại tướng quân, thanh thế lừng lẫy.

Sau đó, bị Hoàng Ngũ Phúc đem binh đến vây ở núi Đồ Sơn, Hữu Cầu phá vây về đánh lấy thành Kinh Bắc. Trấn phủ là Trần Đình Cẩm và Đốc đồng là Vũ Phương Đề đánh thua ở Thị Cầu phải bỏ ấn tín mà chạy. Năm 1746, quận He cử người đem vàng về đút lót cho Đỗ Thế Giai và người nội giám là Nguyễn Phương Đĩnh để xin hàng, Trịnh Doanh thuận cho và lại phong làm Hướng Nghĩa Hầu. Hữu Cầu nuốt nhục hầu chúa, khi về kinh thành định vượt ngục nhưng không thành. Tháng 3-1751, ông bị hành hình.

Chuyện xưa kể lại rằng, thuở nhỏ Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng cùng học một trường. Trọng thường được thầy khen nhưng riêng Cầu thì vẫn không phục Trọng. Một hôm thầy đi đám và cho Cầu với Trọng cùng theo. Lúc về, nhà đám biếu thầy một cái thủ lợn, Cầu và Trọng tị nạnh nhau mãi không ai chịu xách. Thầy thấy vậy liền ra một câu đối bảo hễ ai đối hay thì miễn xách. Thầy đọc: Huề tru thủ; nghĩa là “Xách đầu lợn”.

Ngay lúc đó, Trọng đối lại: Phan long lân; nghĩa là “Vin vẩy rồng”. Còn Cầu thì đối: Phá Tần diệt Sở. Nghe xong, ông thầy liền cầm cái quạt gõ vào đầu Nguyễn Hữu Cầu và chê câu ấy chẳng đâu vào đâu cả, mà lại thừa chữ. Rồi thầy bắt Cầu phải xách thủ lợn. Nhưng Cầu vẫn gân cổ cãi: Tôi đối sai thật, nhưng ý tôi là muốn bóc vẩy rồng kia, chứ không thèm vin vẩy rồng như thằng Trọng...

Một hôm khác, thầy lại ra một câu đối: Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo. Trọng đối rằng: Tháng giêng rét dài, tháng hai rét lộc. Còn Cầu thì đối bừa là: Tháng mười sấm rạp, tháng chạp sấm động. Thầy nghe xong bảo: Thằng Trọng có khẩu khí làm quan to, còn thằng Cầu thì chỉ làm giặc! Rồi sau đó, ông thầy sợ không nhận dạy Cầu nữa.

Nhân lúc ra chơi, Trọng nói với Cầu: Tao sẽ cầm quân tiêu diệt mày! Nếu tao làm giặc thì tao sẽ đánh tan những đứa ra luồn vào cúi! Nguyễn Hữu  Cầu đáp lại như vậy. Quả nhiên về sau, khi Cầu làm lãnh tụ khởi nghĩa nông dân, Trọng và Cầu là hai tay kình địch nhau đến cùng.

Khi Cầu đã theo học ông thầy khác, một hôm nhà có việc phải mổ bò thết khách, nhân đó ra cho học trò câu đối rằng: Tề hoàng ngưu; nghĩa là “Giết bò vàng”. Nghe xong, Cầu nhanh nhảu đối ngay: Trảm bạch xà; nghĩa là “Chém rắn trắng”.

Nghe vậy, ông thầy lắc đầu bảo đối sai luật. Cầu đáp: Tôi chỉ cốt lấy ý chứ không cần luật. Vả lại “giết bò vàng” đối với “chém rắn trắng” mà không đúng luật à? Thế thì mày có chí lớn đấy! Cố lên con ạ! - Ông thầy khen.

Sau đó, Nguyễn Hữu Cầu bỏ văn theo học nghề võ. Khoảng năm 1731, Cầu tham gia phong trào nông dân khởi nghĩa do Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ lãnh đạo, được Nguyễn Cừ hết sức yêu mến và chẳng bao lâu sau, Nguyễn Hữu Cầu trở thành viên tướng nổi tiếng về tài võ nghệ và mưu lược, từng nhiều phen làm cho quan quân triều đình vua Lê, chúa Trịnh phải bạt vía kinh hồn.

Lời bàn:

Trưởng thành trong hoàn cảnh chế độ phong kiến Việt Nam thời hậu Lê đang ở buổi suy tàn, trăm họ rơi vào cảnh lầm than bởi chiến tranh liên miên giữa hai tập đoàn phong kiến ở đàng Ngoài do chúa Trịnh cầm đầu và ở đàng Trong là chúa Nguyễn. Với tấm lòng thương dân, Nguyễn Hữu Cầu đã trở thành thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa và được đông đảo nông dân hưởng ứng khiến quân Trịnh điêu đứng. Tiếc thay, về sau, ông bị kẻ đối đầu là người bạn học thuở thiếu thời hãm hại và bị bắt giải về Thăng Long.

Theo sử cũ còn lưu lại thì trong những ngày bị giam cầm tại Thăng Long, Nguyễn Hữu Cầu đã có ý định tổ chức vượt ngục nhưng không thành. Anh hùng lỡ vận nhưng trong ngục tối, Nguyễn Hữu Cầu vẫn giữ vững khí phách quật cường của mình. Tháng 3-1751, Nguyễn Hữu Cầu bị Trịnh Doanh xử tử, nhưng trong ký ức bất diệt của nhân dân, tên tuổi của ông vẫn mãi mãi tỏa sáng. Nguyễn Hữu Cầu không còn nữa nhưng chí khí kiêu hùng, bất khuất của ông đã thể hiện ở bài thơ “Chim trong lồng” khi ông bị bắt thì còn mãi với muôn đời sau.

N.D

  • Từ khóa
109865

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu