Thứ 6, 29/03/2024 06:01:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:57, 16/01/2016 GMT+7

Chuyện về Trạng Lợn

Thứ 7, 16/01/2016 | 13:57:00 1,258 lượt xem
BP - Nguyễn Nghiêu Tư sinh ra trong gia đình nghèo, mồ côi cha từ sớm, thiếu thời phải “tha phương tầm thực”, đi ở cho một nhà giàu ở Đông Sơn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là làng Đông Sơn, xã Việt Đoàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh “làm nghề” chăn lợn kiếm sống.

Vốn hiếu học, ham hiểu biết, thường ngày Nguyễn Nghiêu Tư thả lợn quanh khu nhà học của thầy đồ Vũ Mộng Nguyên, để tranh thủ thời gian học lỏm. Chữ nghĩa thầy Mộng Nguyên truyền dạy học sinh, Nguyễn Nghiêu Tư đều thuộc lòng, dần dần tinh thông kinh sử. Nhân một lần thầy Mộng Nguyên ra bài khó, hầu hết học sinh cắn bút, lúc đó Nguyễn Nghiêu Tư đứng ngoài mách bảo. Thấy vậy, thầy cho gọi Nguyễn Nghiêu Tư vào ứng đáp. Nguyễn Nghiêu Tư khiếm nhã bước vào phòng học, không những giải đáp trôi chảy mà còn ứng đối lưu loát khi thầy hỏi những câu ở trình độ cao hơn.

Phát hiện tài năng của chú bé chăn lợn, thầy Mộng Nguyên đã xin nhà phú cho Nguyễn Nghiêu Tư về nhà thầy để sớm hôm có thì giờ nuôi dạy. Chẳng phụ công rèn cặp của thầy Mộng Nguyên, Nguyễn Nghiêu Tư ngày một tinh thông kinh, sử... Các khoa thi Hương, thi Hội, Nguyễn Nghiêu Tư đều đỗ cao. Đến khoa thi Đình, năm Thái Hòa thứ 6 (1448) khoa Mậu Thìn, triều đình lấy đỗ tiến sĩ gồm 27 người, Đình nguyên tức Trạng nguyên là Nguyễn Nghiêu Tư.

Ngày vinh quy, Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư muốn về quê bái yết tố đường, hiềm nỗi cha mẹ đã mất, nhà cửa không có, nhà vua bèn cho xây nghè để họ hàng, dân làng đón quan tân trạng. Từ đó cái tên thân quen - Trạng Lợn, để thương để nhớ một thời quan trạng vốn nghèo khó phải lam lũ chăn lợn, treo tấm gương vượt khó thành tài.

Dương Thái sư ngỏ ý gả con gái tên Hương Nương cho Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư nhưng bị ông khước từ, vì đã ước hẹn cùng Phấn Khanh. Nay hay tin trạng kết ngãi lương duyên cùng Phấn Khanh - con gái Bùi tướng công - người mà Dương Thái sư vốn có hiềm khích từ lâu, cho nên thù cả bố vợ lẫn chàng rể. Dương Thái sư căm tức đến tột đỉnh nhưng chưa có cơ hội báo thù. Khi giặc dữ ở hai xứ Nghệ An, Thuận Hóa nổi lên, Dương Thái sư bèn nghĩ kế báo thù. Lập tức họp với triều thần phiếm tấu: Nghệ - Hóa là hai xứ biên cương cực Nam, giặc cướp ra vào, rất là xung yếu. Duy có Bùi tướng công là lão tướng cũ am hiểu quân vụ, biết việc biên cương, Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư văn võ song toàn, hai người ấy cầm quân đi trấn an thì triều đình mới có thể yên lòng.

Nhà vua nghe thấy phải nên thuận lòng chuẩn tấu, lập tức giáng chỉ, sai Bùi tướng công và Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư đi dẹp giặc. Biết rõ thâm kế của Dương Thái sư và bọn quần thần muốn đẩy mình vào nơi binh lửa để mưu hại, nhưng lệnh vua đã ban thì không thể kháng chỉ. Thế là vâng lệnh triều đình, Nguyễn Nghiêu Tư lên đường và ông đã dẹp tan giặc dữ, đem lại sự bình yên cho người dân ở hai xứ Nghệ An - Thuận Hóa.

Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư còn là một trong những nhà ngoại giao kiệt xuất của nước ta, nhất là việc giao tiếp, ứng đối với sứ giả nhà Minh. Một lần ông được vua cử đi sứ, khi đến ải Nam quan, sứ nhà Minh ngạo mạn quen ỷ thế nước lớn, không chịu mở cửa nghênh tiếp, mà đưa ra một chữ “thập” bằng gỗ rồi khoa tay, nói xì xồ một hồi, nghĩa là “tung hoành vũ trụ” để thách đố. Nếu đoàn sứ nước Nam đối được thì họ mới chịu mở cửa. Hiểu thâm nghĩa của chữ “thập” và với lòng tự tôn dân tộc, Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư sai người làm cái vòng tròn đặt vào đó. Quân giữ ải bàn tán rằng: Vòng tròn buộc cả trời đất, nghĩa là “bao quát càn khôn”. Kính phục quan trạng hay chữ, rồi lập tức mở cửa nghênh tiếp.

Lời bàn:

Cứ theo sử sách còn lưu lại cho đến ngày nay thì cuộc đời của Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư quả là vô cùng may mắn. Sinh ra trong gia đình làm nghề “đồ tể” - mổ lợn. Người cha đến nửa chữ cũng không biết nhưng vì ham học và “thông minh vốn sẵn trời cho” nên Nguyễn Nghiêu Tư đã được người thầy giỏi nhất vùng là tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên cho vào học tại nhà. Khi lớn lên, con gái Bùi tướng công tên là Phấn Khanh ra vế đối “Bát đao phân mễ phấn”, ông không đối được mới chép lại và nói rằng lúc thi đỗ sẽ đối. Vào triều, đề thi là “Thiên lý trọng kim chung”, ông đem câu đối trên đối lại rồi đem vế ấy về đối ở nhà Bùi tướng công. Vế đối hay tuyệt nên Nguyễn Nghiêu Tư vừa đỗ trạng lại vừa được vợ. Chưa hết, chuyện ông cầu mưa, xử kiện, xem bói, đối chữ ở Trung Hoa trong thời gian đi sứ... và tất thảy đều gặp những sự may mắn, trùng hợp đến lạ lùng.

Thế mới biết, câu nói của người xưa rằng “phúc bất trùng lai”, nghĩa là may mắn, phúc đức không đến với ai hai lần.... là hoàn toàn không đúng, vì chí ít cũng là đối với Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư. Thế nhưng, câu nói “có đức mặc sức mà ăn” thì lại hoàn toàn chính xác và chí ít cũng có Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư là minh chứng. Thế mới hay rằng, sinh ra làm người mà có tài năng lại có ý chí không ai sánh bằng và cao hơn nữa là có tấm lòng vì dân, vì nước thì họa nào mà chẳng qua. Tiếc rằng hậu thế ngày nay mấy ai có được tài năng và đức độ như cụ Nguyễn Nghiêu Tư ngày xưa?

ND

  • Từ khóa
109751

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu