Thứ 6, 29/03/2024 20:05:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:17, 25/11/2015 GMT+7

GÓP Ý BỘ LUẬT HÌNH SỰ SỬA ĐỔI:

Có cần quy định tội đầu cơ?

Thứ 4, 25/11/2015 | 07:17:00 2,301 lượt xem

BPO - Điều 196 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (Dự thảo online) là những quy định về tội đầu cơ, với nội dung như sau: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng hóa trị giá từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Hàng hóa trị giá từ 3 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Căn cứ vào nội dung của dự thảo điều luật nêu trên, theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì không cần thiết. Vì hiện nay, đất nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới và nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường là phải để thị trường tự nhiên điều tiết, nhà nước chỉ can thiệp đối với những mặt hàng mang tính chiến lược như xăng dầu, điện. Và trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chắc chắn không có người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Và trong thực tế nếu có thì hành vi này bị điều chỉnh bởi Luật Giá và Luật Cạnh tranh. Đồng thời, từ nhiều năm nay, cả nước chưa có ai bị xử lý hình sự về hành vi này. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, việc tạo ra một thế giới phẳng nên tác hại của việc đầu cơ hàng hóa là rất khó và không rõ ràng.

Điều 21 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là những quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, với nội dung như sau: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Và trong Điều 13 của Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, như sau: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Với nội dung như trên, theo ý kiến của cá nhân tôi thì Điều 21 trong dự thảo là hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Hình sự hiện hành. Vì theo Điều 13, Bộ luật Hình sự năm 1999, những người này không phải chịu trách trách nhiệm hình sự nhưng nếu cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, bị can đối với người này thì phải đình chỉ điều tra vụ án, bị can. Tuy nhiên, ở Điều 21 của dự thảo đã lược bỏ quy định “đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”... và quy định ở Khoản 2 của Điều 13 trong Bộ luật Hình sự hiện hành là “Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”. Việc bỏ quy định phải ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với những người này là rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Vì chi phí chữa bệnh do cơ quan nhà nước chi trả, gây rất nhiều tốn kém. Hơn nữa, nếu sau khi chữa bệnh, bệnh nhân hồi phục trở lại như người bình thường thì cơ quan chức năng lại phải phải ra quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và giao cho gia đình quản lý... là rất nhiêu khê về thủ tục, đồng thời thêm việc cho cơ quan chức năng, trong khi biên chế đang giảm. Do vậy, theo tôi thì chỉ cần có kết luận của cơ quan chuyên môn về tình trạng tâm thần thì có thể đình chỉ vụ án, bị can và giao ngay cho gia đình quản lý, chứ không phải bắt buộc đi chữa bệnh cho người đang mắc bệnh tâm thần, rồi sau khi họ khỏi bệnh mới giao cho gia đình quản lý như hiện nay.

NV

  • Từ khóa
14461

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu