Thứ 6, 29/03/2024 06:44:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:53, 08/02/2016 GMT+7

Cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”: Tiếp tục ưu tiên hàng đầu

Thứ 2, 08/02/2016 | 16:53:00 819 lượt xem
BP - Giao thông là cơ sở hạ tầng thiết yếu, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tăng mức hưởng thụ của người dân. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2016-2020, Bình Phước đề ra mục tiêu 70% số xã đạt chuẩn giao thông nông thôn (GTNT). Đây là nhiệm vụ đầy thách thức đối với ngành giao thông.

HẠ TẦNG GIAO THÔNG CƠ BẢN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU

Cuối năm 2010, hệ thống giao thông toàn tỉnh có 4.409,91km và 257 cây cầu các loại. Đến cuối năm 2015 nâng lên 8.265,989km  (tăng 87,44%) và 260 cây cầu (tăng 1,48%). Trong đó, 139,686km đường bê tông xi măng, 449,425km đường bê tông nhựa, 1.726,665km đường láng nhựa... cùng 143 cầu bê tông và 117 cầu sắt, cầu dã chiến.

Ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù “Nhà nước và nhân dân cùng làm”Ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho hay: Đối với tuyến quốc lộ, 100% đạt quy mô cấp II, III. Riêng quốc lộ 14C, đoạn từ xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) đến cầu Sài Gòn (Hớn Quản) dài 43km đang hoàn thành thủ tục chuyển giao cho ngành thực hiện. Về hệ thống đường tỉnh (ĐT), đến nay được nhựa hóa trên 98%, trong đó đường cấp II chiếm 21,1% (104,5km/495,47km), đường cấp IV chiếm 72%, còn lại đường cấp V (cụ thể là mặt đường ĐT755 nhỏ hẹp - rộng 3,5m và một số đoạn của ĐT756, ĐT757 hư hỏng nặng, chuyển thành đường sỏi đỏ). Đường huyện đã được nhựa hóa 46,3% (641,89km/1.170,3km). Hết năm 2015, 100% số xã có đường nhựa đến trung tâm xã.

Là xã điểm về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 của thị xã Bình Long, Thanh Phú đã huy động hiệu quả sức dân trong xây dựng đường GTNT. Riêng năm 2015, xã làm được 1.408m2 đường bê tông với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ xi măng, cát, đá trị giá 357 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp. Hiện các ấp Thanh Sơn, Thanh Thủy bê tông hóa hầu hết các tuyến đường GTNT với chất lượng tốt.

Ông Nguyễn Văn Ánh, cán bộ phụ trách ngành xây dựng của xã cho biết: Năm 2016, xã xin chủ trương đầu tư thêm 12 tuyến đường, riêng ấp Sóc Bế - ấp khó khăn nhất của xã, sẽ có 2 tuyến đường nội ô được thực hiện theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, đời sống người dân được nâng lên cả về chất và lượng, nhất là nhân dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã và đang nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc tham gia đóng góp xây dựng hệ thống giao thông. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện tiêu chí giao thông còn gặp khó khăn do nguồn vốn đầu tư phát triển, cải thiện, sửa chữa mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông thiếu trầm trọng, nhất là vốn từ ngân sách nhà nước. Một số công trình giao thông của tỉnh và các huyện, thị xã tiếp tục phải giãn tiến độ (thực hiện theo kế hoạch vốn). Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án trọng điểm, đặc biệt ở khu vực đông dân cư vẫn phức tạp. Một số cán bộ và nhân dân, nhất là ở những xã vùng sâu, xa còn tư tưởng trông chờ, ỷ vào sự đầu tư của nhà nước, thiếu quyết tâm... làm chậm tiến độ thực hiện chương trình.

Ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Từ thực tế trên cho thấy, đầu tư xây dựng các công trình theo cơ chế đặc thù “Nhà nước và nhân dân cùng làm” vẫn là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, các tổ chức, cá nhân góp tự nguyện bằng tiền mặt căn cứ vào diện tích sử dụng đường, đồng thời huy động nhân dân đóng góp ngày công trong xây dựng GTNT. Những trường hợp hiến đất làm đường, nếu có vật kiến trúc bị ảnh hưởng sẽ hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Nhà nước còn hỗ trợ toàn bộ vật tư, chi phí máy móc, thiết bị phục vụ thi công. Để làm tốt công tác này, ngành giao thông phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm huy động các nguồn lực tham gia xây dựng GTNT, đồng thời tham gia giám sát để giảm các chi phí cho ngân sách nhà nước.

“Các địa phương cần lồng ghép vốn của nhiều chương trình mục tiêu quốc gia liên quan cùng khả năng vận động vốn của xã trong quá trình triển khai. Tùy theo nhu cầu sử dụng ở mỗi địa phương để đầu tư cho phù hợp từng tuyến đường. Ngành cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng NTM trên địa bàn; phối hợp với các thành viên ban chỉ đạo kiểm tra thực tế tại các huyện, thị để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí được giao” - ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
53907

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu