Thứ 5, 28/03/2024 22:23:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:00, 23/05/2019 GMT+7

Cô giáo hết lòng vì đồng bào S’tiêng

Thứ 5, 23/05/2019 | 10:00:00 2,234 lượt xem

BP - Cô Drênh Thị Hạnh, giáo viên phổ cập giáo dục Trường tiểu học Quang Minh, ấp Bàu Teng, xã Quang Minh (Chơn Thành) nhiều năm liền góp phần giúp đồng bào S’tiêng có cuộc sống ấm no và phát triển. Từ nhận thức về việc học tập và làm theo lời Bác, với phương châm “lấy học làm gốc, cho đi là còn mãi”, cô Hạnh sẵn sàng từ chối lợi ích cá nhân để làm gương, lan tỏa điều tốt đẹp đến mọi người. Năm 2015, thấy các cô, chú đồng bào S’tiêng lớn tuổi không biết tiếng Việt, gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp với người Kinh, cô Hạnh nảy ra ý tưởng mở lớp xóa mù chữ. Từ đó, mỗi năm cô giáo người S’tiêng này phụ trách mở từ 2-3 lớp, mỗi lớp 20-30 học viên để giúp đồng bào “có cái chữ”.

Lớp học đặc biệt

Lớp học của cô Drênh Thị Hạnh nhận được nhiều quan tâm bởi sự khác biệt. Đó là lớp học không học phí, học sinh đa dạng về lứa tuổi, có cả người già, trẻ nhỏ và phụ nữ bế con. Để học sinh ra lớp đầy đủ, mỗi ngày cô Hạnh phải đến từng nhà vận động. Với người khuyết tật thì cô trực tiếp đưa rước tận nơi. Lớp học bắt đầu từ 19 giờ thì cô phải đi đón học sinh trước đó 1 giờ rồi về điểm trường cùng cộng sự chuẩn bị bàn, bảng, tập, viết... để học trò đến là vào học ngay.

Cô Drênh Thị Hạnh phân loại quần áo gửi tặng đến tận nhà cho người khó khăn

Lớp học đặc biệt còn bởi học trò và giáo viên xem nhau như người trong nhà. Có học trò vừa tập viết vừa nhai trầu, chăm sóc con và cô giáo vừa cầm tay nắn chữ vừa hỏi han để tìm hiểu hoàn cảnh học trò. Không có bất cứ kỷ luật nào được áp dụng ở lớp học này ngoài sự động viên, yêu thương. Cô giáo và học trò không chạy theo thành tích, mà kết quả học tập được thể hiện ở chính sự thay đổi trong cuộc sống của mỗi người. Chị Thị Phí, học viên lớp xóa mù chữ ở ấp Bàu Teng cho biết: Lúc chưa biết tiếng Kinh, khi đi mua đồ ăn tôi phải chỉ tay trực tiếp vào đồ thì người bán mới hiểu. Sau 3 tháng tham gia lớp học, tôi không còn gặp nhiều khó khăn như trước nữa, giao tiếp thuận lợi hơn.

Học trò của lớp đều nghèo nên cô giáo phải đi xin từng bộ áo quần, từng quyển vở, cây viết, thậm chí là dầu, gạo ăn, mắm muối... để san sẻ với họ gánh nặng mưu sinh. “Nhà mình cũng không khá giả nên không thể giúp đỡ nhiều người. Vì vậy mình sử dụng mạng xã hội, nhất là facebook để kêu gọi người dân cùng giúp đỡ đồng bào khó khăn. Mình chỉ mong bà con gắn bó với lớp và biết đọc, biết viết, nhanh chóng vươn lên trong cuộc sống” - cô Hạnh cho biết.

Sử dụng mạng xã hội làm việc có ích

Những bài viết trên facebook cá nhân của cô Hạnh được mọi người chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh. Sự hỗ trợ của cộng đồng dần tăng lên, không chỉ dừng lại ở quần áo mà cả rau, củ, quả, đồ dùng thiết yếu cuộc sống. Từ giới hạn hỗ trợ trong lớp học, cô Hạnh dần mở rộng ra giúp đỡ đồng bào S’tiêng các ấp Bàu Teng, Tranh 3, Cây Gõ (xã Quang Minh); ấp Tổng Cui, xã Phước An và xã Tân Quan, huyện Hớn Quản... Cô Hạnh cho biết: “Ban đầu tôi chỉ xin quần áo cho học viên, sau đó nhiều người cho quá, tôi phải nhờ chồng, anh chị em cùng nhau phân loại, đồ nào dùng được thì treo lên để bà con đến lấy. Có lúc tôi phải nhờ chồng chở quần áo đến các ấp khác để mọi người cùng chọn. Số còn lại, tôi xếp gọn gàng, ai cần tới lấy”.

Làm việc tốt không chỉ có niềm vui và cô Hạnh phải kiên trì mục tiêu, không vụ lợi cá nhân để giữ vững niềm tin đối với mọi người. Có những người ở xa gửi hàng về nhưng không trả phí (ship) trong khi kiện hàng rất lớn, cô Hạnh sẵn sàng trả phí. Sau khi nhận hàng, cô Hạnh còn thuê xe chở đến tận nơi phục vụ bà con. Khi biết cô Drênh Thị Hạnh làm từ thiện, nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ bằng cách chở giúp không lấy tiền hoặc lấy giá rẻ, tự nguyện đến phân loại, sắp xếp đồ đạc... Cũng từ khi facebook cá nhân có nhiều người theo dõi, lượt tương tác cao thì một số cá nhân, đơn vị gợi ý hợp tác bán hàng online tăng thu nhập nhưng cô từ chối. Với cô, facebook chỉ để làm những việc có ý nghĩa, nêu gương với bà con.

Khi biết bản thân được tuyên dương là điển hình học và làm theo Bác cấp tỉnh, cô Hạnh nói: “Tôi thấy hình ảnh Bác Hồ thật cao đẹp, học và làm theo được là điều quá tốt. Tôi mong không chỉ bản thân mà ngày càng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào S’tiêng học, làm theo Bác để xây dựng xã hội ngày càng phát triển, văn minh, nhân ái”.

Phương Dung

  • Từ khóa
2257

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu