Thứ 5, 28/03/2024 18:02:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:34, 16/09/2014 GMT+7

Cơ hội mới cho nhiều hộ nông dân

Thứ 3, 16/09/2014 | 08:34:00 117 lượt xem

BP - Ngày 11-8-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chính thức công bố quyết định phê duyệt 4 giống ngô (bắp) biến đổi gen (BĐG) đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, gồm: Bt 11 và MIR 162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam; MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto). Tiếp đó, ngày 27-8-2014, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1836/QĐ-BTNMT về việc cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho giống ngô BĐG MON 89034.

Đây là sự kiện đánh dấu thời điểm nông dân Việt Nam chính thức được trồng cây BĐG. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là giống cây trồng BĐG đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học tại Việt Nam. Giấy này được ban hành sau quá trình đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng, khoa học của Tổ chuyên gia và Hội đồng An toàn sinh học theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại các văn bản quản lý nhà nước. Quy trình thẩm định này cũng tuân thủ các chuẩn mực về đánh giá hồ sơ và chứng nhận an toàn sinh học đã được tiến hành trên thế giới. Giống ngô MON 89034 hiện đã được cấp phép vào đồng ruộng tại 8 nước trên thế giới.

Sự kiện này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại nước ta. Đồng thời là dấu mốc trong việc hiện thực hóa tầm nhìn ứng dụng công nghệ và đưa cây trồng BĐG vào thực tế sản xuất tại đồng ruộng trong năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc mở cánh cửa lớn cho người nông dân tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2020, trong đó chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ được xem là một điều kiện tiên quyết giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp trong nước và tạo cơ hội cho nông dân sớm tiếp cận các tiến bộ khoa học hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững hiện nay, việc ứng dụng cây trồng BĐG là một giải pháp cần thiết giúp tăng năng suất và thu nhập cho nông dân, cải thiện chất lượng hạt lương thực thương phẩm, đồng thời giảm thiểu các tác hại từ canh tác nông nghiệp lên môi trường. Cũng theo Bộ NN&PTNT, sau 18 năm được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, cây trồng BĐG đã đem lại lợi ích kinh tế ròng lên tới 116,6 tỷ USD, riêng năm 2013 là 18,8 tỷ USD. Trong giai đoạn 1996-2012, cây trồng BĐG đã giúp giảm 503 triệu ký thuốc trừ sâu.

Và như vậy, sự kiện trên được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng nhập siêu ngô để chế biến thức ăn gia súc tăng liên tục trong những năm trở lại đây. Đồng thời cũng là cơ hội cho nhiều hộ nông dân ở Bình Phước. Vì theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, giống ngô BĐG rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở miền Đông Nam bộ. Vấn đề đặt ra ở đây là ngành nông nghiệp Bình Phước cần có chiến lược phát triển vùng chuyên canh đối với loại cây lương thực này sao cho phù hợp, đạt năng suất cao. Quan trọng hơn là tránh tình trạng nhà nhà trồng ngô, trồng rồi nhổ và rồi lại trồng.                

N.V

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu