Thứ 6, 29/03/2024 22:00:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:28, 08/10/2014 GMT+7

Hà Nội một thuở leng keng

Thứ 4, 08/10/2014 | 15:28:00 348 lượt xem
BPO - Đường phố Hà Nội đã vắng bóng tàu điện hơn 20 năm nay, nhưng ở đâu đó lẩn khuất giữa phố phường thủ đô.

Những người lái tàu điện năm xưa vẫn không nguôi hoài cổ về Hà Nội một thuở leng keng.

Gia đình cụ Nguyễn Tiến Đà với hai thế hệ, “lớp cha trước, lớp con sau” gắn bó với tàu điện Hà Nội - Ảnh: V.V.Tuân
Gia đình cụ Nguyễn Tiến Đà với hai thế hệ, “lớp cha trước, lớp con sau” gắn bó với tàu điện Hà Nội

Ngày đó, tàu điện là niềm tự hào của Hà Nội, là sự kiêu hãnh của thành phố. Mỗi khi nghe tiếng chuông leng keng ngân lên, rồi vang xa, cảm giác phấn chấn lắm.

Ngày lễ, tết chúng tôi không được nghỉ, nhưng chẳng ai phàn nàn gì, vì luôn nghĩ rằng ngoài kia đang có nhiều người dân đợi chuyến tàu của mình

Ông NGUYỄN TIẾN HÙNG

Trong ký ức của ông Cao Văn Tác, năm nay đã 75 tuổi (nhà ở phố Thúy Lĩnh, đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nhớ như in hình ảnh những chiếc tàu điện năm xưa với từng chi tiết tỉ mỉ như chiếc cần vẹt để kéo điện từ dây xuống tàu, từng chiếc bánh răng tàu đến những chiếc ốc vít, bulông ở chỗ nào hay bị lỏng, bị rơi nhất... 

Ký ức

Hơn 30 năm làm nghề lái tàu điện, ông đã khắc sâu trong trí nhớ từng thanh ray, từng cung đường khó đi, như đường qua Trường Chu Văn An phải cua hình vòng cung, hay bị rơi bulông, dễ lật tàu, đường từ Hàng Đào đến cửa đền Ngọc Sơn dốc nghiêng, phải lái từ từ để các toa không đập vào nhau, đoạn phố Huế cần tăng tốc để sớm đến Bạch Mai vì đường thưa vắng...

Thời hoàng kim

Đúng 4g30 sáng, những tiếng chuông tàu điện từ bến Thụy Khuê khua vang khắp phố phường Hà Nội rồi tỏa đi các cung đường khác nhau. Đó cũng là tiếng chuông báo hiệu một ngày mới.

Những người đi chợ gánh hàng từ Cổ Nhuế, chợ Bưởi, Thụy Khuê ra chợ Đồng Xuân bán đã đứng đợi sẵn ở đó từ trước.

“Vào lúc hoàng kim của tàu điện những năm 1970-1980, toàn Xí nghiệp xe điện Hà Nội có đến 20 tàu và 32 toa xe, chạy trên các tuyến: Bưởi - Bạch Mai, Yên Phụ - Kim Liên, Yên Phụ - Cầu Giấy, Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Yên Phụ... Mỗi chuyến có thể chở được 200-300 khách. Cánh lái tàu chúng tôi lúc ấy tự hào lắm. Mình vừa là người đánh thức thành phố dậy mỗi sáng, vừa giúp bà con đi lại được thuận tiện” - ông Cao Văn Tác nhớ lại.

Kể chuyện cho chúng tôi nghe, ông Tác như được sống lại những năm tháng ăn cùng tàu điện, ngủ cùng tàu điện. Năm 1960, ông xin vào làm nhân viên bán vé ở Xí nghiệp xe điện Hà Nội.

Trong thời gian đó, ông vừa làm, vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi học lái tàu ngay tại xí nghiệp. Chỉ mấy tháng sau, ông được phân công phụ trách lái tàu thay một tài xế đã nhiều tuổi về hưu.

Cuộc đời ông gắn bó với chiếc tàu điện từ lúc ấy đến tận năm 1990, khi những chiếc tàu điện cuối cùng bị đưa ra khỏi đường ray và chẳng bao giờ còn xuất hiện trên phố nữa.

“Tàu điện như một phần của cuộc đời tôi, một phần cơ thể tôi từ lúc ấy. Làm nghề lái tàu điện, tuy phải thức khuya dậy sớm, hôm nào cũng về nhà muộn nhưng vui lắm” - ông rưng rưng nhớ lại.

Vậy là hằng ngày, bất kể trời tạnh ráo hay mưa phùn gió bấc, ông đều dậy từ 3g sáng ra bến tàu điện (số 69 Thụy Khuê) để nhận tàu, kiểm tra lại các thiết bị trên tàu, cho tàu ra đường ray, chuẩn bị cho chuyến tàu buổi sáng của ngày mới.

Ông vẫn nhớ rõ thời gian chạy tàu trên từng cung đường trong thành phố: đường Bưởi - Bờ Hồ, Bờ Hồ - Bạch Mai đều mất 40 phút, đoạn Bưởi - dốc Tam Đa mất 10 phút, có những đoạn tránh phải đợi nhau đến 30 phút.

Ông kể: “Ngày đó không có điện thoại để tiện liên lạc như bây giờ, nên việc tàu tránh nhau khó khăn lắm. Nếu đi quá bến tránh mà thấy đầu tàu kia đi lên thì mình phải lùi lại về bến tránh cho tàu ấy đi qua trước. Có lần tránh nhau mất 10 phút, nhưng cũng có lần mất đến nửa tiếng. Hoặc nếu đợi lâu quá mà không thấy tàu kia đi lên thì mình lại tiến lên, vì có thể họ đi đường khác rồi”.

Khi tàu chạy qua đến cổng Trường Chu Văn An, dù không có bến nhưng ông Tác vẫn đỗ tàu lại cho học sinh xuống, và lúc về lại đón các cháu lên ở đó, vì nghĩ “nếu không đón các cháu ở đó thì tội mấy cháu nhỏ phải đi ra bến tận Quán Thánh, xa cách đó mấy cây số. Làm nghề lái tàu, không những phải nắm vững kỹ thuật, kỹ năng lái tàu, mà cần phải có cái tâm thì mới gắn bó với nghề lâu được”.

Ngày đó ở Hà Nội chưa có nhiều xe máy, ôtô như bây giờ, đường phố còn thưa thớt, tàu điện trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân trong thành phố. Chỉ với 5 xu, khách có thể đi đoạn đường dài từ chợ Bưởi đến chợ Đồng Xuân, nếu mua vé 1 hào có thể đi đến tận Bờ Hồ.

Vì thế, ông vẫn gọi vui những chuyến tàu điện là “trung tâm tin tức di động” của thành phố, mà ở đó ông được nghe đủ các câu chuyện vui buồn, nhọc nhằn, hôm nay bán được nhiều hàng, hôm khác ế hàng nhiều quá... của những khách quen đi tàu.

“Cảm giác vừa ngồi lái tàu, vừa được nghe bà con đằng sau trò chuyện líu ríu, mình cũng vui lây. Thế nên tôi thích lái tàu điện lắm, chẳng bao giờ muốn bỏ, dù đồng lương ngày ấy chỉ được 32 đồng/tháng”.

Hai thế hệ sống cùng tàu điện

Gia đình cụ Nguyễn Tiến Đà (87 tuổi, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có đến hai thế hệ gắn bó cuộc đời với nghề tàu điện. Cụ Đà làm ở phân xưởng sửa chữa tàu điện thuộc Xí nghiệp tàu điện Hà Nội, con trai cụ là Nguyễn Tiến Hùng (62 tuổi) làm nghề lái tàu điện cho đến khi tàu điện không còn nữa.

Cụ Đà, ông Tác, ông Hùng đều là những người bạn đồng nghiệp một thuở gắn bó với “tàu điện leng keng” của Hà Nội ngày xưa.

Nếp sống Hà Nội thời gian dài

Nhà thơ Vũ Quần Phương, người gắn bó với những chuyến tàu điện Hà Nội từ ngày đi học, chia sẻ: “Những năm ấy, người Hà Nội chỉ có hai phương tiện đi lại chính là xe đạp và tàu điện. Những công chức, gia đình có điều kiện thường đi xe đạp.

Tàu điện vì thế tượng trưng cho những gì hai sương một nắng, thức khuya dậy sớm, lại lành (ít ô nhiễm môi trường), rẻ tiền, bình dân.

Tàu điện gắn với hình ảnh những người “áo ngắn” (những người nghèo), những tiểu thương, những người buôn thúng bán mẹt của thành phố.

Tàu điện kết nối vùng nông thôn ngoại thành với phố xá. Sinh hoạt tàu điện đã trở thành nếp sống của người Hà Nội suốt một thời gian dài”.

Cụ Đà làm cơ khí ở xí nghiệp tàu điện từ năm 1965-1989, có nhiệm vụ duy trì, sửa chữa, để những người lái xe điện ngoài đường như con trai cụ và ông Tác chạy được tốt nhất, an toàn nhất.

Không qua trường lớp đào tạo về kỹ thuật tàu điện, cụ học kinh nghiệm thực tế từ những người thầy là kỹ sư, thợ bậc cao trong xí nghiệp xe điện.

Mỗi sáng, hai cha con đều dậy từ 3g để cùng chuẩn bị cho những chuyến tàu điện của ngày mới. Khi người con trai ra nhận tàu thì người cha ra đứng hướng dẫn các tàu, toa chạy ra đường ray theo thứ tự trước sau để tránh va chạm.

Cụ nhớ lại: “Từ 4g sáng là các xe bắt đầu “dàn trận” để chuẩn bị xuất phát. Người hướng dẫn như tôi phải dàn xếp sao cho các tàu ra theo đúng thứ tự các cung đường ngày hôm đó. Nếu các tàu ra không đúng thứ tự sẽ phải đợi nhau rất mất thời gian”.

Mấy chục năm gắn bó với nghề sửa chữa tàu điện, cụ Đà biết làm tất cả những công việc của người thầm lặng đảm bảo cho những chuyến tàu chạy trên phố an toàn về kỹ thuật: từ sửa chữa chi tiết nhỏ đến việc đại tu, hay đơn giản là tra dầu mỡ vào các ổ trục, bánh răng, sửa lại thiết bị mộc trên tàu bị gãy, nứt... 

Buổi tối, khi các xe đã về bến, cụ Đà cùng nhóm sửa chữa tàu lại bận rộn kiểm tra từng bánh răng, ốc vít, cầu dao điện, ống dẫn dầu... để sửa lại cho chắc chắn.

“Chỉ cần sơ suất nhỏ như thợ kiểm tra không phát hiện bánh răng bị lỏng để vặn lại là hôm sau tôi lái, bánh tàu bị va đập mạnh vào đường ray, rất dễ bùng lửa dưới sàn tàu, nguy hiểm cho cả tôi và hành khách” - ông Nguyễn Tiến Hùng kể lại.

Dù vào nghề tàu điện muộn, nhưng ông Hùng vẫn lưu giữ trong ký ức những kỷ niệm vui buồn khó quên. Nhiều hôm tàu bị trật đường ray, hai cha con phải đánh vật suốt đêm để kéo tàu trở lại. Có hôm vừa chạy đến bốt Hàng Đậu thì toàn thành phố mất điện, cả người lái và tàu đều phải nằm tại chỗ.

Trông xe buýt, nhớ tàu điện

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ đi lại của người dân thủ đô ngày một đông hơn, những chiếc tàu điện dần thưa thớt theo những đường ray trong thành phố lần lượt bị bóc lên.

Đến những năm 1990, chuyến tàu điện cuối cùng của thành phố đã dừng lại. Từ đó, âm thanh leng keng quen thuộc chỉ còn lại trong ký ức những người một thời gắn bó với phương tiện này.

“Tàu điện ngày càng thất thế với những phương tiện khác hiện đại hơn, tiện lợi hơn. Người ta cứ bóc dần từng quãng đường ray tàu điện. Đến năm 1990 thì 4km đường ray tàu điện cuối cùng của Hà Nội từ chợ Bưởi đến bốt Hàng Đậu cũng bị bóc lên” - ông Tác ngậm ngùi.

Thay vào đó, những chuyến xe buýt chạy bằng dầu xuất hiện trên phố nhiều hơn, chạy nhanh hơn, vận chuyển được nhiều lượt hành khách hơn, không phải đợi tránh nhau vì cùng chạy trên một đường ray như tàu điện khi xưa.

Ngoài tiếng chuông leng keng, những ai đi tàu điện Hà Nội ngày trước chắc hẳn đều không quên được một âm thanh nữa, đó là tiếng hát xẩm trên tàu. Nhiều gia đình hoàn cảnh túng quẫn đã lấy tàu làm nơi mưu sinh, mượn tiếng nhị cùng những bài xẩm kiếm sống qua ngày. Họ thường lên tàu từ những chuyến tinh mơ buổi sáng, và chỉ xuống tàu khi chuyến cuối cùng trong ngày sắp về bến.

Ông Hùng hồi tưởng: “Lúc đầu chúng tôi lạ tai, nhưng nghe nhiều rồi thành quen, nếu hôm nào không nghe thấy tiếng hát xẩm nữa lại thấy như thiếu điều gì đó”.

Ông Cao Văn Tác nói thêm: “Thời ấy, đường phố chưa có nhiều âm thanh hỗn tạp như bây giờ, nên tiếng chuông tàu điện ngân lên rồi vang ra xa lắm, nghe trong trẻo lạ thường. Tiếng hát xẩm trên tàu vì thế cũng không bị tiếng ồn ào át đi. Hà Nội thủa ấy nghèo nhưng sạch, ít tiếng ồn và cũng nhiều kỷ niệm”.

Nguồn TTO 

  • Từ khóa
92497

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu