Thứ 5, 28/03/2024 22:06:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:40, 10/10/2018 GMT+7

Cơ hội thúc đẩy nông nghiệp sáng tạo và đổi mới

Thứ 4, 10/10/2018 | 09:40:00 154 lượt xem
BP - Từ ngày 8 đến 13-10-2018, Việt Nam sẽ chủ trì hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40. Việc đăng cai tổ chức diễn đàn lớn về nông - lâm nghiệp trong khu vực là cơ hội lớn để nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và an ninh lương thực trong khu vực, AMAF dự kiến tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực; thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài khu vực ASEAN để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy nông sản ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. AMAF cũng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất nông - lâm nghiệp; đẩy mạnh khuyến nông, khuyến ngư thông qua các hoạt động đào tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ...

Ở nước ta, những năm qua ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới, như cà phê, gạo, cao su, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ... Trong đó có một số nông sản của Bình Phước giữ vai trò chủ lực, như cao su, điều, tiêu. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đang dần được áp dụng rộng rãi. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và phong trào khởi nghiệp từ nông nghiệp ngày càng được coi trọng. Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, đưa kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn.

Với lợi thế về đất đai, Bình Phước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn; thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp sạch... nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp an toàn, sạch và phát triển bền vững. Năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 761 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì đến hết năm 2017 tăng lên 2.962 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 34.929 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Tỉnh cũng đã xây dựng 5 mô hình phát triển vùng rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP; 11 dự án chăn nuôi công nghệ cao, có hệ thống lạnh, chuồng kín... và dành 1.000 ha đất phục vụ phát triển nông nghiệp thông minh, tạo tiền đề hình thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

ASEAN là thị trường có quy mô hơn 650 triệu dân và tổng GDP hằng năm hơn 2.600 tỷ USD. Tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực, trong đó thương mại nông sản giữ một vị trí quan trọng và là những nhóm hàng chính Việt Nam xuất sang thị trường này với trị giá chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN. Những nội dung được thảo luận tại AMAF không chỉ là cơ hội cho nông sản Việt Nam nói chung, Bình Phước nói riêng thâm nhập thị trường ASEAN mà còn là cơ hội thúc đẩy ngành nông nghiệp đổi mới và sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Lâm Phương

  • Từ khóa
108972

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu