Thứ 7, 27/04/2024 01:38:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:14, 03/01/2017 GMT+7

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH (1-1-1997 - 1-1-2017)

Cơ hội vàng thu hút đầu tư

Thứ 3, 03/01/2017 | 07:14:00 1,353 lượt xem

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH HUỲNH ANH MINH

BP - Đồng chí đánh giá như thế nào về công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Đồng chí Huỳnh Anh Minh: Từ khi tái lập tỉnh (1-1-1997), Bình Phước gặp không ít khó khăn trong phát triển công nghiệp chế biến nông sản, như: nguồn nguyên liệu chưa ổn định; hoạt động sơ chế, gia công nông sản chiếm tỷ trọng lớn; giá trị gia tăng thấp; sức cạnh tranh của nông sản còn hạn chế. Với tình hình thực tế trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, cụ thể hóa nhiều chính sách của Trung ương nhằm thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao, như: cao su, điều, hồ tiêu... cung cấp nguyên liệu cho phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Một mặt, làm động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống cho người dân. Mặt khác, phát triển công nghiệp chế biến làm động lực để từng bước phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, đáp ứng sản xuất chế biến xuất khẩu và hội nhập kinh tế thế giới.

Chế biến điều tại Công ty Hoàng Sơn I, huyện Bù Đăng - Ảnh: L.Phương

Đa số doanh nghiệp chế biến nông sản đang hoạt động thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ, công nghệ còn hạn chế nên chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoại trừ một số doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký và được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP được thị trường thế giới chấp nhận. Những năm qua, UBND tỉnh và các ngành đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn hoạt động ổn định. Đến nay, công nghiệp chế biến nông sản chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh và giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh năm 2016 ước đạt 792,52 triệu USD, chiếm 58,62% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (xuất khẩu điều trị giá 502 triệu USD, xuất khẩu cao su đạt 257 triệu USD).    

Tỉnh đã có những chính sách gì trong thu hút doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất hồ tiêu, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Anh Minh: Bình Phước có đặc điểm khí hậu, đất đai phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây tiêu. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai Dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice triển khai tại 3 huyện Hớn Quản, Lộc Ninh và Bù Đốp nhằm mục tiêu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiêu bền vững. Đã có 540 hộ dân tham gia, thông qua việc hình thành các câu lạc bộ, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho nông hộ thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thiết bị phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, đây là con số rất nhỏ, bởi Bình Phước có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước với 13.843 ha, sản lượng 26.956 tấn/năm, trong khi trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp, cơ sở hoạt động chế biến hạt tiêu xuất khẩu nên sản phẩm phần lớn vẫn xuất khẩu thô.

Ngày 7-1-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND  quy định về chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu hạt tiêu hoặc đầu tư sản xuất - kinh doanh các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh đều được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại quyết định này.

Đồng chí có thể cho biết những giải pháp, chính sách của tỉnh trong việc tạo hành lang pháp lý thu hút doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nâng cao giá trị sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hạt điều Bình Phước?

Đồng chí Huỳnh Anh Minh: Thứ nhất, tỉnh xây dựng chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành điều theo hướng đổi mới công nghệ, huy động mọi nguồn lực xã hội để liên kết đầu tư hình thành chuỗi giá trị từ khâu trồng, chế biến và xuất khẩu; tăng cường quản lý giống cây trồng, đưa ngành điều vào danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển đến năm 2030 của tỉnh.

Thứ hai, ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất chế biến điều, Nhà nước sẽ thông qua các nguồn vốn khuyến công và khoa học công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ, trang thiết bị trong sản xuất, chế biến xuất khẩu điều. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng Đề án Phát triển điều bền vững đến năm 2030 nhằm ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, để nâng cao giá trị ngành điều trên thị trường quốc tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phát triển bền vững, hiện tỉnh đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước. Đồng thời, chỉ đạo các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình tài sản trí tuệ điều Bình Phước giai đoạn 2017-2020.

Thứ tư, xây dựng chiến lược marketing cho ngành điều, hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ năm, hình thành các hợp tác xã, các liên hiệp hợp tác xã kiểu mới nhằm liên kết người trồng điều để hình thành các chuỗi giá trị điều theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điều.

Thứ sáu, tổ chức tập huấn đào tạo kiến thức về quy trình trồng, chăm sóc cây điều theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho nông dân trồng điều; hỗ trợ đào tạo trình độ quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã cho đội ngũ những người làm công tác quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng về trình độ quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tránh rủi ro trong sản xuất, chế biến điều xuất khẩu.

Thưa đồng chí, với 240.000 ha cao su, tỉnh có phương án và chính sách gì để phát triển công nghiệp chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh vừa bảo đảm môi trường vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời thu hút các nhà đầu tư tham gia chế biến sâu và khai thác vùng nguyên liệu cao su lớn của tỉnh?

Đồng chí Huỳnh Anh Minh: Tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ về điều kiện trong hoạt động chế biến đối với các cơ sở chế biến mủ cao su đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các cơ sở chế biến mủ cao su đầu tư dây chuyền công nghệ, quy trình xả thải tiên tiến nhằm đảm bảo môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm mủ sơ chế.

Về chính sách, tỉnh đã có chủ trương thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su thiên nhiên, như: Dự án đầu tư sản xuất săm, lốp xe ôtô, môtô và các dự án sản xuất thiết bị vật tư y tế từ mủ cao su thiên nhiên... Theo đó, các nhà đầu tư khi vào tỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh các sản phẩm có sử dụng nguồn nguyên liệu từ mủ cao su thiên nhiên ngoài được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 7-1-2016 của UBND tỉnh, còn được hưởng các ưu đãi khác do Chính phủ quy định.

Bình Phước được xem là “thủ phủ” của các loại cây công nghiệp xuất khẩu như hồ tiêu, điều, cao su. Xin đồng chí cho biết, tỉnh đã có những định hướng gì trong quy hoạch các loại cây trồng để khai thác tối đa thế mạnh của các loại cây công nghiệp?

Đồng chí Huỳnh Anh Minh: Một là, rà soát và nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung ổn định diện tích các loại cây trồng, cụ thể: cây cao su ổn định diện tích khoảng 250.000 ha, năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/ha; cây điều tăng diện tích lên 200.000 ha, năng suất 2 tấn/ha; cây hồ tiêu phát triển diện tích lên 14.500 ha, năng suất 3,2 tấn/ha; cây cà phê diện tích khoảng 16.500 ha, năng suất 4,1 tấn/ha; diện tích trồng cây ca cao xen điều khoảng 20.000 ha, năng suất 1,5 tấn/ha; cây ăn trái tăng diện tích 13.300 ha. Tập trung thâm canh diện tích các cây ăn trái có triển vọng của tỉnh, như nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi.

Hai là, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị cho sản phẩm chủ lực của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất nông nghiệp với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm nông sản. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến thương mại. Tổ chức liên kết nông dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ để phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Ba là, đẩy mạnh phát triển dịch vụ trong nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích với các mô hình trồng xen; kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Bốn là, tăng cường kiểm tra chất lượng nông, lâm sản; vật tư nông nghiệp; tăng cường kiểm soát giống cây trồng; chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm cung cấp cho nông dân các giống mới cho năng suất cao, chi phí thấp.

Năm là, tiếp tục đầu tư và nâng cao năng lực tưới tiêu của các công trình thủy lợi; hỗ trợ đầu tư các mô hình tưới tiết kiệm.

Sáu là, xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất; khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảy là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về trồng trọt, như nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch, đề án sản xuất; kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp cơ chế thị trường và thực tiễn sản xuất.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

P.Thảo - N.Bích (thực hiện)

  • Từ khóa
17150

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu