Thứ 6, 29/03/2024 05:42:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:56, 26/11/2015 GMT+7

Có nên đình chỉ giải quyết vì phải “đợi” ?

Thứ 5, 26/11/2015 | 07:56:00 2,184 lượt xem

BPO - Điều 11 của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi (Dự thảo online) là những quy định về hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự, với nội dung như sau: Việc xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của bộ luật này, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án dân sự, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán. Như vậy, trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi vẫn còn đưa chế định: Khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án dân sự, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán. Trong khi đó, tại hiến pháp năm 2013, chế định này đã được cắt bỏ.

Cụ thể, tại Khoản 1 và 2 của Điều 103 trong Chương VIII - chương về tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân có quy định như sau: Việc xét xử sơ thẩm của tòa án nhân dân có hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Đồng thời, trong Luật Tổ chức Tòa án 2014 tại điều luật quy định về hội thẩm nhân dân cũng đã bỏ quy định này. Vậy nay tại sao trong dự thảo bộ luật tố tụng dân sự mới lần này, ban soạn thảo vẫn còn ghi nhận nguyên tắc này. Do đó, tôi đề xuất nên bỏ quy định tại khoản 2 điều 11 để tạo sự thống nhât trong đợt sửa đổi luật này và như thế mới đúng với tinh thần của Hiến pháp 2013.

Điều 155 trong dự thảo là những quy định về tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ, chi phí thẩm định tại chỗ và đây là điều hoàn toàn mới, với nội dung như sau: Tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ là số tiền mà tòa án tạm tính để tiến hành việc thẩm định tại chỗ. Đương sự phải nộp tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của tòa án. Chi phí thẩm định tại chỗ là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho công việc thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật.

Trong khi đó, theo quy định tại Luật Luật sư thì, tổ chức hành nghề luật sư gồm công ty luật và văn phòng luật sư. Thế nhưng tại khoản 2 của Điều 155 trong dự thảo lại đưa ra quy định chỉ có “Văn phòng luật sư” là không đầy đủ và trái Luật Luật sư. Vì vậy, tôi đề xuất ban soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 2, Điều 155 với nội dung như sau: Chi phí cho luật sư là khoản tiền phải trả cho luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư.

Tại Khoản 3, Điều 106 là những quy định về yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, với nội dung như sau: Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc xét thấy cần thiết, tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình chứng cứ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, theo quy định trên và trong trường hợp nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của tòa án mà không có lý do chính đáng thì tòa sẽ áp dụng biện xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Vẫn biết rằng luật quy định như vậy là nhằm đảm bảo thi hành quyết định của tòa án. Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 214 cũng trong dự thảo lại quy định mang nội dung hoàn toàn khác và thậm chí trái ngược với Khoản 3, Điều 106. Cụ thể, Điểm đ, Khoản 1, Điều 214 quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, với nội dung như sau: Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa án mới giải quyết được vụ án;... Và theo quy định này, việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện cung cấp chứng cứ thì tòa án lại tạm đình chỉ giải quyết là gây thiệt hại cho nguyên đơn, tạo điều kiện hợp pháp cho tòa án kéo dài việc giải quyết. Như vậy, hệ quả là quyết định của tòa không được thực thi, tòa án không buộc phải áp dụng biện pháp xử người vi phạm vì thế đây sẽ là bước lùi trong cải cách tư pháp. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ Điểm đ của Khoản 1, trong Điều 214 của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi.

NV

  • Từ khóa
14472

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu