Thứ 5, 28/03/2024 18:54:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 11:35, 27/11/2015 GMT+7

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Nút thắt đã được tháo gỡ

Thứ 6, 27/11/2015 | 11:35:00 104 lượt xem

BP - Ngày 18-7-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Những quy định trong nghị định này nhằm chuyển đổi những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu; huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, phương thức quản lý. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm áp dụng vào thực tiễn, nhiều quy định trong nghị định này không còn phù hợp. Vì vậy, tốc độ cổ phần hóa không đạt kế hoạch đề ra. Do đó, ngày 11-11-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Một trong những điểm mới nổi bật của nghị định là việc xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại các doanh nghiệp khác; về cơ cấu vốn cổ phần lần đầu và chính sách ưu đãi cho người lao động được bổ sung.

KHÔNG CÒN QUY ĐỊNH SÀN KHI BÁN CỔ PHẦN

Về xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại các doanh nghiệp khác, nghị định quy định cụ thể: Giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được xác định theo giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tại thời điểm gần nhất với thời điểm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp cổ phiếu của công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường Upcom mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp thì được xác định theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ. 

Công nhân Công ty cổ phần cao su Đồng Phú thu gom mủ - Ảnh: S.HCông nhân Công ty cổ phần cao su Đồng Phú thu gom mủ - Ảnh: S.H

Đối với giá trị vốn góp vào công ty cổ phần chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì căn cứ kết quả xác định của cơ quan tư vấn, ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp xem xét trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp quyết định. Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về cơ cấu vốn cổ phần lần đầu, trong đó chỉ quy định chung về cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác, thay cho quy định cụ thể cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác không thấp hơn 25% vốn điều lệ (trừ trường hợp quy định), số cổ phần bán cho các nhà đầu tư khác không thấp hơn 50% số cổ phần nêu trên.

Về tổ chức đấu giá công khai, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP quy định, cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa quyết định việc lựa chọn sở giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá. Trong nghị định mới đã bổ sung thêm quy định: Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khá, khi thực hiện cổ phần hóa mà phương án cổ phần hóa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lựa chọn sở giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá.

Đặc biệt, nghị định mới cũng quy định rõ về việc xử lý đối với dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp, từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (đối với các hợp đồng đã ký, thời gian bảo hành còn hiệu lực) doanh nghiệp cổ phần hóa được trích theo hợp đồng đã ký và được giữ lại tại công ty cổ phần để thực hiện bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp theo hợp đồng. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải lập bảng kê chi tiết đối với từng loại sản phẩm, hàng hóa, công trình kèm theo hồ sơ cổ phần hóa. Hết thời gian bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp nếu khoản trích lập dự phòng này không chi hết, còn số dư thì công ty cổ phần có trách nhiệm phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn bảo hành theo hợp đồng. Bên cạnh đó, nghị định mới cũng quy định rõ chế tài như sau: Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa không thực hiện nộp đúng và kịp thời thì doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm gần nhất với thời điểm doanh nghiệp nộp tiền vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đối với số tiền chậm nộp và thời gian chậm nộp. Đồng thời, doanh nghiệp phải chịu các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ THÊM NHIỀU ƯU ĐÃI
KHI DOANH NGHIỆP CỔ PHẦN

Cùng với việc bổ sung nhiều quy định mới để tháo gỡ những vướng mắc trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nghị định cũng bổ sung chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo đó, những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa thực hiện được IPO trong thời gian 90 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa thì doanh nghiệp được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Đối với chênh lệch giữa giá bán cho người lao động, tổ chức công đoàn (nếu có) so với mệnh giá cổ phần được trừ vào giá trị phần vốn nhà nước khi quyết toán tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

N.V

  • Từ khóa
39643

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu