Thứ 6, 26/04/2024 12:56:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:15, 11/03/2016 GMT+7

Có thật sự “cởi trói” giáo viên?

Thứ 6, 11/03/2016 | 09:15:00 120 lượt xem

BP - Bộ GD-ĐT vừa ra thông báo lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên trong cả nước. Theo đó, tham gia hội thi dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc và không tạo áp lực để lấy thành tích cho trường dưới mọi hình thức.

Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh; không được “gợi ý bài” trước cho học sinh; khi thao giảng phải giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp... Đây có thể coi là một bước đi thiết thực để từng bước chống bệnh thành tích trong ngành giáo dục nước ta hiện nay. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, thông báo trên của Bộ GD-ĐT có thật sự “cởi trói” cho giáo viên?

Nhiều năm nay, các trường tiểu học, trung học cơ sở trong cả nước đều tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. Nếu giáo viên đạt loại xuất sắc, có thành tích trong giảng dạy sẽ được chọn tham dự hội thi cấp huyện, thị xã. Tiếp đó, giáo viên đạt 2 lần giỏi cấp huyện, thị sẽ được tham dự kỳ thi cấp tỉnh (tổ chức 4 năm một lần). Chu kỳ tiếp theo xoay vòng lại từ đầu. Qua theo dõi của người viết, giáo viên thi vòng trường đều đạt tỷ lệ cao, thậm chí 100%. Với điều kiện: Giáo viên tham gia hội thi phải có ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã triển khai có hiệu quả.

Để qua vòng 1, nhiều thí sinh đã phải nhờ đến Google. Rất nhiều sáng kiến, đề tài kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu sư phạm... được thí sinh sửa chữa, thêm thắt cho phù hợp và đã vượt qua vòng 1. Vòng 2 kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, gồm những thông tư, hướng dẫn, văn bản liên quan đến cấp học, ngành học, thí sinh chịu khó nhớ, học thuộc là có thể qua. Có nơi, vì thành tích, giám thị tặc lưỡi ngó lơ cho thí sinh mở tài liệu chép để lấy tỷ lệ đạt cao. Gay cấn và sinh nhiều chuyện là ở vòng 3: Hai tiết dạy (một tiết bốc thăm bài, khối lớp; một tiết tự chọn môn, bài, lớp dạy). Theo điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên, thí sinh được thông báo, có thời gian chuẩn bị cho tiết giảng ít nhất một tuần trước thời điểm thi giảng. Đúng như lưu ý của Bộ GD-ĐT mới đây, tình trạng thí sinh tìm hiểu, điện thoại trước cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm chắc những học sinh học giỏi, trả lời lưu loát rồi tập dượt, “gà bài”, tạo các tình huống có thể xảy ra... để tới ngày “trình diễn” cho trơn tru. Vậy là cô trò cùng thi. Rồi chuyện gửi những em học yếu, quậy phá, học giỏi nhưng hay hỏi ngược giáo viên... sang các lớp khác không phải là hiếm trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi hoặc khi có đoàn thanh - kiểm tra xuống.

Đáng lẽ, khi được công nhận giáo viên dạy giỏi, các thầy, cô giáo phải vui và hãnh diện lắm. Thế nhưng, qua trao đổi, nhiều giáo viên cho rằng họ rất áp lực, phải bỏ nhiều thời gian, công sức cho hội thi, trong khi vẫn phải hoàn thành công việc giảng dạy. Giáo viên được công nhận cấp càng cao, có lẽ chỉ ban giám hiệu trường, lãnh đạo phòng giáo dục được “nở mày nở mặt” khi bình xét thi đua, khen thưởng giữa các trường, các khối thi đua. Còn thành tích cá nhân của giáo viên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và quy định khác. Vì vậy, giáo viên không mặn mà với hội thi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không thi không được, khi hằng năm các trường, nhất là ở những trường chuẩn đều đưa ra chỉ tiêu phấn đấu số giáo viên đạt danh hiệu này. Và mục đích của hội thi đưa ra là: Tuyển chọn, công nhận, suy tôn giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi; tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học... khó trở thành sự thật, khi vẫn còn những tiêu cực, chạy theo thành tích.

Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng, cần lấy sự tiến bộ, phát triển của học sinh qua từng năm học, kết hợp với chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mỗi cấp học, chứ không chỉ qua 1-2 tiết học hoặc một vài sáng kiến kinh nghiệm để đánh giá năng lực giáo viên dạy giỏi hay không giỏi.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu