Thứ 6, 26/04/2024 19:48:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:02, 10/04/2019 GMT+7

Có thể phải vào tù vì nuôi chó

Thứ 4, 10/04/2019 | 15:02:00 1,352 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các trang mạng xã hội liên tiếp thông tin về những vụ chó nuôi cắn người, đặc biệt là trẻ em gây thương tích nặng, thậm chí tử vong đang khiến dư luận, nhất là bậc phụ huynh bức xúc, lo lắng... Chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm trong Google cụm từ “chó cắn người” thì trong 0,49 giây sẽ có khoảng 22.200.000 kết quả.

Đàn chó nuôi rông, không được rọ mõm của một hộ dân ở đường số 2, khu phố Xuân Bình, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài (ảnh minh họa) - K.BĐàn chó nuôi rông, không được rọ mõm của một hộ dân ở đường số 2, khu phố Xuân Bình, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài (ảnh minh họa) - K.B

Theo Báo Tiền Phong điện tử, sáng 21-3-2019, trong lúc đang đạp xe gần cổng nhà, bất ngờ cháu Y bị con chó Pitbull của nhà hàng xóm giật đứt xích, lao vào cắn xé. Nghe thấy tiếng con gái la hét thất thanh, chị H là mẹ của cháu Y chạy ra chộp lấy con và can ngăn con chó nhưng không được. Những người xung quanh nghe thấy tiếng kêu cứu của chị, người mang dao, người mang cuốc ra hỗ trợ thì con chó mới nhả cháu bé ra. Hậu quả, cháu Y bị gãy xương đùi. Gần đây nhất, chiều tối 3-4, tại sân vận động thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, cháu N, 7 tuổi, đang đi bộ thì bất ngờ bị đàn chó khoảng 10 con lao vào cắn. Cháu N được đưa đi cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn. Sau khi được ép tim, truyền 2 lít máu, tim bé đã đập trở lại nhưng vẫn nguy kịch và do vết thương quá nặng, bé đã không qua khỏi.

Nuôi chó vốn là một tập quán từ lâu đời của người Việt, nó hàm chứa 2 yếu tố tích cực là làm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của người nuôi đối với vật nuôi và trông giữ tài sản cho chủ. Và xét dưới góc độ pháp luật, hoạt động chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia súc là một trong những quyền của công dân. Vì thế, pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó. Theo quy định tại Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19-11-2018, thì hoạt động chăn nuôi là nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc mục đích khác của con người. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong bài viết này là sau hàng loạt vụ chó nuôi cắn người xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, thì các cơ quan chức năng phải làm gì để lập lại trật tự, kỷ cương trong việc chăn nuôi gia súc, nhất là nuôi chó? Và pháp luật điều chỉnh như thế nào đối với những chủ nuôi để gia súc gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người khác?

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật, thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: Thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị. Và cũng tại Điều 6 của nghị định này có quy định: Chủ nuôi chó phải thực hiện các quy định sau đây: Đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y...; không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, thì mức phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Về việc xử lý hành vi thả rông chó, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 5 trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

Đối với trường hợp nuôi chó rồi thả rông và để cho chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác, tùy theo mức độ thiệt hại mà chủ nuôi sẽ phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, tại Điều 603 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra quy định như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Chưa hết, trong trường hợp thả rông để chó cắn chết người, thì chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Cụ thể, tại Điều 295 của bộ luật này có quy định như sau: Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 năm đến 12 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên... Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, luật pháp đã quy định rất cụ thể về những hành vi bị nghiêm cấm cho đến mức xử phạt hành chính và thậm chí là xử lý hình sự trong việc chăn nuôi gia súc. Vậy vì sao những sự việc nêu trên vẫn liên tiếp xảy ra và đã để lại hệ lụy khó lường cũng như hậu quả đau lòng. Câu trả lời là ý thức chấp hành của người chăn nuôi gia súc và bên cạnh đó là trách nhiệm thực thi pháp luật trong lĩnh vực này của các cơ quan chức năng quá thấp.

 N.V

  • Từ khóa
31828

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu