Thứ 6, 19/04/2024 18:12:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:33, 20/05/2015 GMT+7

Có thể phòng ngừa được tai nạn lao động?

Thứ 4, 20/05/2015 | 13:33:00 151 lượt xem

BP - Tuần qua, báo chí liên tục đưa tin về tình trạng mất an toàn lao động ở hai công trình đường sắt trên cao tại Hà Nội. Thậm chí buổi sáng, cơ quan chức năng họp kiểm điểm việc để xảy ra tai nạn hôm trước thì buổi chiều tiếp tục xảy ra sự cố rơi cần cẩu. Hai công trình trọng điểm này được thi công ngay trên những tuyến phố đông người qua lại, gây bất an cho người dân. Trước đó mấy ngày, tại tỉnh Đồng Tháp, công trình cầu Hồng Ngự đang thi công thì bất ngờ cần cẩu đổ sập xuống đường đè chết tại chỗ ba mẹ con khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Có thể thấy môi trường làm việc trong lĩnh vực xây dựng luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ). Điều đáng nói, nguy cơ mất an toàn lao động ở các công trình xây dựng không chỉ xảy ra trong phạm vi công trình mà còn có thể lan rộng ra xung quanh, gây bất ổn cho cộng đồng. Nhiều tai nạn xảy ra tại các công trường đã bất ngờ rơi vào những người đang tham gia giao thông, thậm chí là những người đang ăn, đang ngủ ngay trong ngôi nhà của mình. Tháng 4-2014, căn nhà 1 trệt 1 lầu của một người dân ở xã Minh Thành (Chơn Thành) đang xây dựng bỗng nhiên đổ sập xuống nhà hàng xóm, đè chết bé 2 tuổi và người mẹ bị thương nặng. Những vụ tai nạn nghiêm trọng trong thi công không chỉ ảnh hưởng lớn đến an toàn xã hội mà còn cho thấy lỗ hổng lớn về an toàn lao động ở các công trường xây dựng.

Theo số liệu từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xảy ra 33 vụ tai nạn trong lĩnh vực xây dựng, chiếm 57% số vụ TNLĐ. Nguyên nhân là do có khoảng 80% công nhân ngành xây dựng là lao động tự do, phần lớn chưa được đào tạo bài bản nên kỷ luật và ý thức bảo hộ lao động kém. Nguyên nhân nữa là các nhà thầu chưa quan tâm tới an toàn lao động. Năm ngoái, cả nước đã xảy ra 6.709 vụ TNLĐ với 6.941 người bị nạn, trong đó có 592 vụ có người tử vong. Trung bình cả nước xảy ra 18 vụ TNLĐ/ngày, nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng. Còn ở Bình Phước, trong năm 2014 đã xảy ra 92 vụ làm chết 3 người, bị thương nặng 9 người. Đây chỉ là con số rất khiêm tốn so với tình hình TNLĐ trên thực tế, bởi toàn tỉnh có 2.170 doanh nghiệp nhưng trong năm 2014 chỉ có 59 doanh nghiệp báo cáo tình hình TNLĐ, trong đó có 14 đơn vị để xảy ra TNLĐ.

Dù ở Bình Phước hay trong phạm vi cả nước, hình ảnh thường thấy trên các công trường, lao động chủ yếu là đội quân “dép lê, mũ mềm”. Dẫu có được trang bị bảo hộ lao động thì nhiều lao động vẫn không tuân thủ hoặc chỉ đối phó. Các yếu tố nguy hiểm thường gặp trong quá trình lao động như chuyển vật sắc nhọn, nhiệt bỏng, điện giật, vật dễ đổ, dễ trượt, vấp ngã, cháy nổ, chất độc ăn mòn... Tuy nhiên, phần đông người lao động rất mơ hồ, không nhận thức chỗ làm việc của mình có yếu tố nguy hiểm, công việc mình làm có thể để lại bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều khu vực có môi trường làm việc thiếu an toàn, như không có hệ thống che chắn, thiếu lan can bảo vệ, thiếu hệ thống đèn tín hiệu, biển cấm nguy hiểm... Chính sự chủ quan bỏ qua các quy định về an toàn lao động của cả người lao động và quản lý lao động là nguyên nhân dẫn tới những vụ TNLĐ thương tâm.

An toàn lao động là sự bảo hiểm cho phát triển bền vững. Hơn mọi lời cam kết, những việc làm cụ thể xuất phát từ ý thức trách nhiệm cùng sự tự giác, chấp hành kỷ luật của người lao động, người sử dụng lao động và các cấp quản lý sẽ có thể chủ động phòng ngừa được TNLĐ, giúp tránh xa những tổn thất và mang lại sự bình yên cho xã hội.

Thảo Linh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu