Thứ 5, 25/04/2024 19:48:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:27, 05/03/2019 GMT+7

“Cởi trói” cho người bệnh

Thứ 3, 05/03/2019 | 09:27:00 121 lượt xem
BP - Theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT, ngày 28-12-2018, của Bộ Y tế, từ ngày 1-3-2018, các cơ sở y tế bắt đầu sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh giấy. Thay vì mang theo sổ, mỗi người bệnh sẽ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Thông tin này lập tức tạo hiệu ứng tích cực đối với hầu hết người bệnh trong cả nước.

Thông thường, bệnh nhân khi đi khám bệnh sẽ phải mua sổ khám chữa bệnh rồi trình các giấy tờ cần thiết như thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân; nếu khám chữa bệnh ở tuyến trên sẽ phải trình giấy chuyển viện; nếu là người nghèo phải trình sổ hộ nghèo... Nhưng đó chưa phải là tất cả sự phiền phức, nhiêu khê trong hầm bà lằng các thủ tục khám, chữa bệnh. Bởi từ trước tới nay, rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn yêu cầu bệnh nhân nộp bản photo thẻ bảo hiểm y tế cho dù họ đi tái khám hoặc lấy thuốc định kỳ...

Tuy nhiên, quy định nội bộ này thường chỉ được các cơ sở khám chữa bệnh ghi trên một tấm bảng nhỏ, treo ở góc khuất của hành lang bệnh viện nên nhiều người không biết. Nhiều người xếp hàng đợi rất lâu mới tới lượt khám thì thiếu thủ tục, lại phải tìm chỗ photocopy. Có bệnh viện bố trí 1 máy photocopy để phục vụ người bệnh, nhưng không thể đáp ứng nhu cầu nên dòng người chờ photo dài không kém dòng người ở khu vực khám bệnh. Những bệnh nhân mắc bệnh lâu năm, phải đi khám định kỳ nhưng lần nào cũng phải photo rất nhiều giấy tờ. Có bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư phải vô hóa chất. Trước khi vô hóa chất phải thử máu, nhưng nhiều khi bệnh viện thiếu thuốc, giới thiệu sang bệnh viện khác thì bệnh nhân phải thử máu lại, vì các bệnh viện không sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau. Thế là người bệnh vừa phải lấy máu 2 lần, vừa tốn 2 lần tiền xét nghiệm máu... Với người bệnh, việc tốn thêm tiền bạc, tốn thêm thời gian và thêm một lần mất máu vô nghĩa là thêm sự khốn khổ. Vậy mà không hiểu sao, hầu như tất cả bệnh viện đều “hành” bệnh nhân vì những thủ tục nhiêu khê, rườm rà và nhiều khi rất vô lý đó. Thế nên việc áp dụng bệnh án điện tử sẽ là sự “cởi trói” rất đáng kể cho người bệnh.

Theo đó, khi sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, cả người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh đều hưởng lợi. Với người bệnh, sẽ không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ bệnh án như kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, danh mục thuốc. Bệnh nhân cũng không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm. Với các cơ sở y tế đều có thể biết tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của người bệnh. Đặc biệt, bệnh án điện tử còn lưu trữ thông tin bệnh nhân một cách chi tiết và có hệ thống, giúp bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán và phương thức điều trị chính xác cũng như hạn chế việc chỉ định các xét nghiệm không cần thiết. Bệnh án điện tử cũng góp phần công khai, minh bạch trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ biết rõ kết quả xét nghiệm, tiền thuốc lưu trong đơn, theo dõi được diễn biến bệnh tình của mình để có ý thức trong việc điều trị, nhất là với những bệnh mãn tính.

Lợi ích mọi mặt của bệnh án điện tử là thấy rõ. Và nhiều người ngạc nhiên tại sao ngành y tế không triển khai sớm hơn. Còn với người bệnh thì sự thay đổi của ngành y - cho dù có muộn cũng đáng hoan nghênh lắm rồi!

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu