Thứ 5, 25/04/2024 18:49:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:02, 20/10/2016 GMT+7

Còn ai muốn bắc cầu kiều?

Trần Phương
Thứ 5, 20/10/2016 | 10:02:00 181 lượt xem

>> Giá sách VNEN trên trời!
>> Vì sao mô hình VNEN bị từ chối?

Cô giáo Vũ Thị Lương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài: “Đầu năm học, trường đã phân công các giáo viên dạy giỏi để triển khai thực hiện chương trình VNEN cho khối lớp 3 nhưng phụ huynh phản ứng dữ dội. Từ Ban giám hiệu đến giáo viên chủ nhiệm phải đi giải thích, động viên nhưng phụ huynh nhất quyết không đồng ý. Lớp 31, ngày họp phụ huynh đầu năm học, phụ huynh tự kê bàn ghế trở lại để phản đối không cho con em mình học theo chương trình VNEN. Để tỏ rõ phản ứng của mình, phụ huynh khối lớp này làm đơn tập thể đề nghị nhà trường không triển khai chương trình VNEN”. (Bài “Hướng đi nào cho mô hình trường học mới VNEN?”).

>> Hướng đi nào cho mô hình trường học mới VNEN?

“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Chỉ có người Việt Nam với truyền thống hiếu học mới có câu ca dao “cầu chữ” hay như vậy. Thế nhưng, vì sao cô giáo Vũ Thị Lương lại phải thốt lên những lời đau xót ấy? Vì sao phụ huynh lại quay lưng, lại phản ứng dữ dội với chính những vấn đề về giáo dục mà người dạy dỗ con em họ đang thuyết phục? Vì sao một chương trình mà ngành giáo dục cho rằng đó là sự đột phá, hiện đại, là một bước tiến xa trong giáo dục phổ thông... lại bị xã hội và chính cha mẹ của học sinh phản ứng đến thế và phía sau đó là vấn đề gì?

Nhiều bài viết trên Báo Bình Phước và trên các tờ báo khác đã phản ánh quan điểm khác nhau và cũng đưa ra những góc nhìn khác nhau về chương trình VNEN, trong đó có góc nhìn của thầy cô giáo và phụ huynh học sinh đang trực tiếp giảng dạy, học tập theo chương trình này. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng VNEN là hay, nhưng phải hội tụ đủ những điều kiện cần thiết, như cơ sở vật chất bảo đảm, giáo viên có chuyên môn tốt và có trách nhiệm cao, mặt bằng nhận thức của học sinh bảo đảm theo kịp chương trình... Ngược lại, chỉ thiếu một trong những yếu tố quan trọng đó, thì việc áp dụng VNEN sẽ “bể sô”, thậm chí phản tác dụng, không bằng chương trình giáo dục truyền thống.

VNEN hay hay dở, thời gian sẽ có câu trả lời. Nhưng có lẽ hàng triệu phụ huynh trong cả nước đều mong mỏi VNEN đạt được kỳ vọng như ngành giáo dục đặt ra khi triển khai chương trình. Bởi thứ nhất, không phụ huynh nào muốn con mình tiếp tục trở thành “vật thí nghiệm” cho một chương trình giáo dục mới nữa (nếu VNEN thất bại) - khi mà hiện tại, trên địa bàn một tỉnh dân số chưa đến 1 triệu người như Bình Phước, cả ngàn thầy cô giáo và hàng vạn trò nhỏ đã và đang phải vật lộn chóng mặt với ít nhất 3 chương trình giáo dục song song tồn tại, đó là VNEN, công nghệ và truyền thống. Thứ hai, mỗi chương trình giáo dục mới không chỉ tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước từ trung ương, mà còn mất gấp hàng trăm lần như thế nữa khi kéo toàn xã hội chạy theo cả một hệ thống liên quan đến chương trình đó, như sách giáo khoa, tập viết, đồ dùng học tập, thậm chí bàn ghế, đồ chơi và cả kiến thức mới của phụ huynh để dạy dỗ con mỗi ngày. Thứ ba, quan trọng nhất, đó là không một ai muốn niềm tin đặt vào ngành giáo dục tiếp tục lại nhận về nỗi thất vọng như nhiều thập niên qua, không chỉ với riêng VNEN, mà còn biết bao “cải tiến, cải lùi” mỗi năm ở các cấp học phổ thông.

VNEN hay bất kỳ một tên gọi nào khác, cả xã hội đang mong mỏi ngành giáo dục Việt Nam (ít nhất ở bậc phổ thông) có sự ổn định và tiến bộ như nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Khi đó, câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu kiều...” mới có thể tiếp tục còn ý nghĩa trong tâm trí của cả xã hội!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu