Thứ 7, 20/04/2024 10:07:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:04, 18/09/2015 GMT+7

Con đường huyền thoại - Bài cuối

Thứ 6, 18/09/2015 | 10:04:00 270 lượt xem

>> Bài 1 - Khúc tráng ca bất tử
>> Bài 2 - Qua vùng "nắng lửa"
>> Bài 3 -Trái tim của Đoàn 559
>> Bài 4 - Huyền thoại dòng sông Son
>> Bài 5 - Đến với Điện Biên Phủ thứ hai
>> Bài 6 - Nghĩa trang Trường Sơn chiều nghiêng nắng
>> Bài 7 - Khởi sắc vùng chảo lửa
>> Bài 8 - Ngỡ ngàng mây núi Trường Sơn
>> Bài 9 - Trường Sơn chuyển mình
>> Bài 10 - Chư Pao - một tấc khăn tang, một tấc đường
>> Bài 11 - Qua miền cổ tích
>> Bài 12 - Hào khí tây nguyên
>> Bài 13 - Đô thị trẻ bên đường Hồ Chí Minh
>> Bài 14 - Khơi thông vùng đất vàng

BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta đã lập nên một kỳ tích góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước, đó là xây dựng được hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường này được các chuyên gia nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là một công trình quân sự vĩ đại vào bậc nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ngày nay, con đường huyền thoại năm xưa đã gánh vác thêm một trọng trách mới, trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Bình Phước đã có dịp đi và viết về một thời máu và hoa của cả dân tộc cùng nhau ra trận và những đổi thay trên con đường huyền thoại này…


Bộ đội Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu

 

TẦM CAO THỜI ĐẠI

Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã sớm thấy được sứ mệnh mới của con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề xuất với Bộ Chính trị về xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Ngày 3-12-2004, Quốc hội khóa 11 có Nghị quyết số 38/2004/NQ-QH 11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến đất Mũi (Cà Mau) nhằm phá thế độc đạo của QL1, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước. Đặc biệt là nối địa bàn chiến lược Tây Nguyên với các vùng miền trong cả nước.

PHÁ THẾ ĐỘC ĐẠO

Trước đây, dù ở Tây Nguyên hay miền Đông Nam bộ, miền Trung hay miền Bắc muốn thông thương đều phải di chuyển trên QL 1. Ngay như từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đắk Lắk, Gia Lai đều phải đi QL1 đến Nha Trang hay Bình Định để rẽ ngược lên theo tuyến QL26, 19. Nếu có điều kiện thì đi máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đến Buôn Ma Thuột.

Đường Hồ Chí Minh từ Bình Phước về các tỉnh miền Tây

Anh Mai Xuân Dũng, cán bộ sân bay Buôn Ma Thuột cho hay: “QL26 từ Khánh Hòa đến Đắk Lắk vừa xa vừa nguy hiểm vì đèo dốc nên rất ít người đi. Còn sân bay chỉ để dành cho thương nhân, cán bộ đi công tác... là chính nên mỗi tuần chỉ có ba chuyến bay. Hàng hóa cũng vì vậy mà khan hiếm”. Trong khi đó, Tây Nguyên là vùng rộng lớn, có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh. Đặc biệt, đây còn là vùng có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Là vùng nguyên liệu quý về các ngành công nghiệp chế biến như gỗ, cao su, cà phê, rau quả... và một số khoáng sản. Song do giao thông cách trở nên Tây Nguyên chưa được khai thác hợp lý để phát triển kinh tế.

Thượng tuần tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải và UBND các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Đắk Zôn (Kon Tum) đến huyện Chơn Thành (Bình Phước) dài 663km, đã tạo điều kiện để phát triển kinh tế vùng. Đặc biệt, đây là con đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối liền hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Nhờ tuyến đường được thông xe, mỗi năm sẽ có hơn 5 triệu tấn nông sản của vùng được vận chuyển đến các vùng miền khác để tiêu thụ. Bên cạnh đó, sản xuất nông - lâm nghiệp ở Tây Nguyên đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác lợi thế về đất đai, hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây công nghiệp, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống. Từ đó, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và có lợi thế cạnh tranh trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, bắp lai (ngô), bông vải, chè, rau, hoa quả xuất khẩu và khai thác tốt lợi thế để tạo ra các ngành công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng.

Việc thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên còn mang nhiều thuận lợi lớn trong phát triển du lịch và vận tải hành khách. Anh Thái Thanh Hòa, chủ xe đò ở thị xã Đồng Xoài cho biết: “Trước đây, tôi chạy tuyến Đồng Xoài - Huế phải đi về TP. Hồ Chí Minh rồi vòng ra QL1. Đường này xa hơn 200km, lại ít khách vì không cạnh tranh được với các xe khác. Từ ngày thông tuyến, để ra Huế tôi theo đường Hồ Chí Minh về đến Đà Nẵng, vừa ngắn lại đón được nhiều khách vừa thưởng ngoạn được cảnh đẹp của núi rừng Tây Nguyên. Nhờ tuyến đường này, khách đi du lịch theo xe cũng rất dễ dàng”.

Sau khi tuyến đường khánh thành, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội các tỉnh Tây Nguyên tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tại hội nghị này, đã có 13 doanh nghiệp đăng ký đầu tư hơn 16.600 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án tại Tây Nguyên. Ngoài ra, 8 ngân hàng thương mại đã ký cho 17 doanh nghiệp vay hơn 15 ngàn tỷ đồng để thực hiện các lĩnh vực thế mạnh của Tây Nguyên...

MỞ CỬA VỀ PHÍA TÂY

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Phước là điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Ngày nay, đường Hồ Chí Minh kéo dài về miền Tây không chỉ tạo điều kiện cho Tây Nguyên cất cánh mà còn khai thông vùng đất Bình Phước trong thời kỳ hội nhập kinh tế, giao lưu và thông thương hàng hóa. Đặc biệt, Bình Phước sẽ là nhịp cầu nối liền giữa Tây Nguyên với  TP. Hồ Chí Minh và với miền Tây Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo ra nhiều động lực mới cho Bình Phước, Tây Ninh và các tỉnh có tuyến đường đi qua khai thác những tiềm năng sẵn có.

Mặc dù chặng hành trình của chúng tôi đã đi 3.200km qua nhiều địa danh lịch sử, với nguồn tư liệu hạn hẹp, thời gian không nhiều nhưng đoàn đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của UBND các xã, thị trấn, huyện... dọc đường Hồ Chí Minh. Xin chân thành cảm ơn quý lãnh đạo các địa phương, những nhân chứng lịch sử, đồng nghiệp... đã dành nhiều thời gian tiếp, cung cấp thông tin, tư liệu để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Miền Tây được thiên nhiên ưu đãi từ khí hậu, nhưng do đặc thù của vùng đất có sông dài và hệ thống kênh ngòi chằng chịt... đã ảnh hưởng đến giao thông làm cho cả vùng đất tiềm năng này chưa phát triển. Do vậy, việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh về miền Tây là một tín hiệu vui không chỉ đối với nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn khai thông các tuyến vận tải chiến lược trong thời kỳ xây dựng đất nước. Từ cuối tháng 8-2014, Bộ Giao thông - Vận tải đã phát lệnh khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Bến Nhất - Gò Quao (Kiên Giang). Tiếp đó, từ ngã ba Chơn Thành (Bình Phước), Dự án đường Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây cũng đã được chính thức khởi động. Dự kiến đến năm 2020 sẽ thông xe toàn tuyến từ Cao Bằng đến Mũi Cà Mau. Như vậy, đường Hồ Chí Minh sẽ tạo sự liên thông, khai thác và phát triển vùng đất rộng lớn giàu tiềm năng kinh tế ở cực Nam Tổ quốc và hình thành trục xuyên Việt thứ hai sau QL1 để hoàn thiện mạng lưới giao thông Bắc - Trung - Nam thông suốt.

Đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa mà cha ông ta đã một thời đánh đổi biết bao xương máu để chiến thắng kẻ thù, thống nhất đất nước. Con đường Hồ Chí Minh hôm nay là ý chí, khát vọng độc lập, tự chủ, là tầm cao của thời đại trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Trong tương lai, vùng đất cực Nam, cực Tây của Tổ quốc sẽ không còn xa ngái, hoang sơ mà sẽ kết nối thông suốt với các vùng miền trong cả nước để vươn lên. Những vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên mênh mang mùa nước lũ, những sông Tiền, sông Hậu... không còn chia cách đôi bờ mà thay vào đó là cây cầu và tuyến đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa ngày một, những sản phẩm nông nghiệp, thủy sản... sẽ ra khỏi biên giới quốc gia và góp phần đưa đất nước vươn lên tầm cao mới - tầm cao của một dân tộc anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Tấn Phong - Nhất Sơn

  • Từ khóa
92728

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu