Thứ 7, 27/04/2024 01:16:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:22, 01/06/2016 GMT+7

Công chúa Huyền Trân

Thứ 4, 01/06/2016 | 10:22:00 1,471 lượt xem

BP - Công chúa Huyền Trân sinh năm 1287, là con gái của vua Trần Nhân Tông và em gái vua Trần Anh Tông. Cho đến ngày nay, dù trong chính sử hay dã sử đều không ghi lại nên không ai biết tên thật công chúa. Theo dã sử, mẹ công chúa có thể là Bảo Thánh hoàng hậu - con gái trưởng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, cũng có nguồn sử liệu khác lại cho rằng bà là con gái của Tuyên Từ hoàng hậu, em gái của Khâm Từ hoàng hậu.

Vào năm 1293, vua Trần Nhân Tông thoái vị, trở thành Thái thượng hoàng và lên tu ở núi Yên Tử. Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Thái thượng hoàng có hứa gả con gái cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là vương hậu Tapasi, người Java. Sau đó, nhiều lần Chế Mân cử sứ sang hỏi về việc hôn lễ nhưng nhiều quan lại nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.

Năm 1306, vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay) cho nhà Trần làm của hồi môn để lấy Huyền Trân. Vua Trần Anh Tông đã đồng ý gả công chúa. Về Chiêm Thành, Huyền Trân được phong làm hoàng hậu Paramecvari. Một năm sau, bà sinh cho Chế Mân một hoàng tử, đặt tên là Chế Đa Đa. Ít lâu sau Chế Mân băng hà, nhà Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang.

Theo tục lệ Chiêm Thành, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo. Vua Trần Anh Tông biết điều này bèn sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang rồi tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung đã bày kế thành công và cứu được Huyền Trân, đưa công chúa về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm. Đến tháng 8 năm Mậu Thân - 1308, công chúa về đến Thăng Long. Theo một số nguồn sử liệu, cuộc hành trình về nước của công chúa Huyền Trân đã kéo dài tới một năm và bà đã tư thông với Trần Khắc Chung trong khoảng thời gian đó. Thực hư của điều này ra sao mãi mãi là một ẩn số trong lịch sử Việt Nam.

Theo di mệnh của Thượng hoàng, công chúa xuất gia ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm 1309. Công chúa thọ bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng. Cuối năm Tân Hợi - 1311, Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây đã về quy y ở làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự. Công chúa mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn - 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc, tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn.

Việc công chúa Huyền Trân thuận theo ý phụ vương là Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông về làm vợ vua Chế Mân nước Chiêm Thành đã góp phần thắt chặt tình bang giao giữa hai nước, tạo mối thâm tình để chống kẻ thù chung là giặc Nguyên Mông vẫn đang ngày đêm nhòm ngó. Đặc biệt là việc dâng châu Ô, châu Lý của vua Chế Mân để cầu hôn Huyền Trân công chúa đã giúp nước ta mở rộng bờ cõi về phía Nam. Chính vì thế, các triều đại sau này đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng, tôn bà làm “Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần”. Ngày công chúa mất sau này hằng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.

Lời bàn:

Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh được người đương thời hết sức kính trọng. Theo giai thoại trên thì Phật hoàng Trần Nhân Tông đã bôn ba hoằng dương Phật pháp ở phương Nam xa xôi nhưng lại còn đóng thêm vai là một “ông mai, ông mối” cho tình giao hảo giữa Đại Việt và Chămpa thời ấy. Ở đây tuy có chút mâu thuẫn rằng lẽ thường tình là xuất gia thì phải lánh tuyệt bụi trần, thế nhưng Trần Nhân Tông chẳng hề sợ né tránh mà vẫn làm việc tốt cho đời, cho hai dân tộc được sống trong hòa bình. Vâng, đó chính là cái tâm của một vị chân tu đức cao vọng trọng và đó cũng là bởi đối với ông “Phật ở trong tâm và tâm là Phật”. Đây chính là quan niệm tông phái đặc trưng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do chính Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Chính nhờ Huyền Trân công chúa gả cho Chế Mân, vua Chiêm Thành, mà bờ cõi nước Việt ở phía Nam và bách tính được sống trong yên ổn nhiều năm và nước Đại Việt lại có thêm châu Ô, châu Lý chạy dài tới tận đèo Hải Vân. Như vậy, Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ cứu một người mà còn cứu cả dân tộc, cứu cả sự vĩnh hằng của giang sơn đất Việt. Ông chỉ có một người con gái duy nhất là Huyền Trân công chúa, vậy mà vì vùng phên dậu phương Nam quan trọng tới bờ cõi nước nhà, vì xã tắc muôn đời, ông sẵn sàng chịu để cho người con gái yêu của mình đi xa ngàn dặm. Có thể người đương thời ít ai hiểu được việc làm của ông nhưng chắc chắn rằng ông tin cuộc đời sẽ hiểu, hậu thế sau này sẽ mãi tri ân. 

ND 

  • Từ khóa
109798

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu