Thứ 6, 26/04/2024 02:56:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:15, 05/10/2018 GMT+7

Cộng đồng người Nùng ở Phước Tân

Thứ 6, 05/10/2018 | 15:15:00 2,662 lượt xem
BP - “Người Nùng là một trong những cư dân đầu tiên có mặt và phát triển sản xuất trên vùng đất Phước Tân. Ngày nay, cộng đồng người Nùng ở thôn Bàu Đỉa, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, với gần 40 hộ dân, có diện tích đất canh tác rộng và là những hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa bàn” - ông Nguyễn Thành Tâm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân chia sẻ.

Lập nghiệp trên vùng đất mới

Ông Trần Nam Cao (1950, dân tộc Nùng) từng tham gia các trận đánh giải phóng Phước Long, Đồng Xoài. Đất nước thống nhất, ông trở về quê nhà ở tỉnh Cao Bằng cùng gia đình phát triển kinh tế. Tuy nhiên điều kiện tự nhiên không thuận lợi, gia đình lại đông con, kinh tế mãi eo hẹp nên năm 1986, ông Cao vào xã Phước Tân, nơi đơn vị từng đóng quân để lập nghiệp. Khi đó vùng đất ông chọn cây cối rậm rạp, rất thưa người nhưng đất đai màu mỡ. Theo tập quán của người vùng cao, ông chọn vùng đất gần nguồn nước để làm rẫy. Những năm đầu, ông trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, bo bo và trồng điều. Lấy ngắn nuôi dài, từ lúc trồng đến khi cây điều cho thu hoạch, gia đình ông vẫn có thu nhập từ các loại cây trồng xen. Nhờ chịu khó lao động, tích cóp nên diện tích đất canh tác của gia đình ông ngày càng được mở rộng. Chỉ hơn 5 năm sau, ông đã sở hữu gần 10 ha điều cho thu hoạch, là một trong những hộ làm nông nghiệp tiêu biểu ở xã.

Đa số gia đình người Nùng ở xã Phước Tân (Phú Riềng) đều có nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định

Thành công của ông Cao trên vùng đất mới là động lực để nhiều gia đình ở Cao Bằng vào Bình Phước làm kinh tế. Và cộng đồng người Nùng tại thôn Bàu Đỉa, xã Phước Tân được hình thành từ đây. Ông Nông Văn Thảo (1968) ở thôn Bàu Đỉa, cho biết: “Người Nùng rất chú trọng phát triển kinh kế nông nghiệp. Tuy nhiên, đa số hộ vào Bình Phước theo diện thoát ly, không có nhiều vốn để mua đất canh tác. Do đó, tôi đã bàn với các hộ cùng góp vốn xoay vòng, giúp nhau mở rộng diện tích đất canh tác. Đến nay, thôn Bàu Đỉa có 38 hộ người Nùng đang sinh sống và sở hữu tổng diện tích đất hơn 200 ha. Thu nhập các  hộ đều đạt mức khá trở lên, trong đó 17 hộ có diện tích đất canh tác trên 7 ha, thu nhập hằng năm trên 500 triệu đồng”.

Những năm gần đây, dịch bệnh hoành hành trên cây điều nhưng năng suất vườn điều của các hộ người Nùng vẫn đạt mức cao, hơn 2 tấn/ha. Hiệu quả đó là do đất canh tác của các hộ gần nhau, khi phát hiện sâu, bệnh tấn công, cộng đồng người Nùng đồng loạt có biện pháp xử lý kịp thời, nhờ đó hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo năng suất cây trồng.

Điển hình xây dựng khu dân cư văn hóa

Cộng đồng người Nùng ở thôn Bàu Đỉa là điển hình trong xây dựng khu dân cư văn hóa của xã Phước Tân với “4 không” (không mê tín, không tệ nạn, không bỏ học, không tảo hôn). Ông Nông Văn Thảo cho biết thêm: “Trước đây, khi hiểu biết còn hạn chế, nhiều người tin vào thầy mo nhưng bây giờ đau ốm thì tìm đến thầy thuốc, bệnh viện chữa trị, không mê tín như trước”. Người Nùng còn rất quan tâm đến việc học của con cái, do đó không có tình trạng học sinh người Nùng bỏ học, ít nhất tốt nghiệp cấp 3; điển hình có gần 20 em đậu đại học, trong đó nhiều em đậu các Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia... Nhờ học vấn, sự hiểu biết được nâng cao, trong cộng đồng người Nùng ở Phước Tân không xảy ra tình trạng tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống. Chi bộ thôn Bàu Đỉa có 6 đảng viên, trong đó 2 đảng viên người Nùng. Đây chính là cầu nối để đưa những chủ trương, chính sách mới đến với người Nùng nhằm thực hiện hiệu quả thi đua phát triển kinh tế, xây dựng khu dân cư văn hóa.

Người Nùng vẫn giữ những nét văn hóa và tập tục độc đáo của dân tộc mình, trong đó trang phục dân tộc truyền thống được may từ vải chàm là nét đặc trưng dễ nhận biết nhất. Hiện nay, người Nùng dù già hay trẻ, phụ nữ hay nam giới đều mặc trang phục vải chàm trong ngày tết, lễ hội, như một cách để nhớ về nguồn cội và giới thiệu nét đẹp truyền thống với các dân tộc anh em. Hát then cũng là nghệ thuật biểu diễn độc đáo của người Nùng. Ông Nông Văn Thảo nói: “Những làn điệu then của người Nùng Cao Bằng thường bắt nguồn từ các tích truyện mang yếu tố tâm linh, các câu chuyện truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích hay truyện thơ được lưu truyền trong dân gian, là nét độc đáo trong văn hóa người Nùng. Hiện nay, những người lớn tuổi trong cộng đồng vẫn lưu giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ để khi có dịp, những điệu then vùng Tây Bắc lại vang vọng giữa đất trời phương Nam”.

Trần Tú

  • Từ khóa
93756

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu