Thứ 6, 26/04/2024 07:55:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:49, 23/02/2017 GMT+7

Công tác giám sát an toàn thực phẩm hiện nay

Thứ 5, 23/02/2017 | 07:49:00 2,961 lượt xem

BP - Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) từng khẳng định rằng: “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”. Đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh con người về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang nhức nhối hiện nay, nó đang từng ngày, từng giờ tác động trực tiếp đến sức khỏe, sự sống và đe dọa cả tính mạng mỗi chúng ta. Vì vậy, vấn đề ATTP có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Một trong những việc làm thiết thực trước nhất nhằm từng bước khắc phục vấn đề này là đẩy mạnh công tác giám sát toàn diện đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP. Hiện nay, Quốc hội đã ban hành nghị quyết giám sát trong toàn quốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016 được tổ chức thực hiện trong năm 2017. Dịp tết Nguyên đán vừa qua cũng là đợt cao điểm về tổ chức giám sát và theo kế hoạch, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước sẽ tổ chức nhiều đợt giám sát hơn nữa. Gần nhất là trong 3 ngày từ 22 đến 24-2-2017, đoàn sẽ tập trung khảo sát thực tế các cơ sở sản xuất nước đóng chai, cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bếp ăn cho công nhân các khu công nghiệp...; làm việc với UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã Đồng Xoài, Phước Long và Đồng Phú, các sở, ban, ngành liên quan trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh nhằm có những kiến nghị đối với lãnh đạo tỉnh đề ra các chính sách, giải pháp tốt hơn đảm bảo vệ sinh ATTP trong toàn tỉnh thời gian tới.

Người tiêu dùng hiện nay cũng có những yêu cầu rất cao và chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm thực phẩm an toàn. Chính điều đó đòi hỏi người sản xuất phải đặc biệt quan tâm, nếu không, sản phẩm làm ra sẽ không đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng và không tiêu thụ được.

Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh ATTP tại chợ Đồng Xoài - Ảnh: Kim Phụng

Trên cơ sở Luật ATTP năm 2010 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về ATTP. Các vấn đề về ATTP đã được luật hóa, tổ chức thực hiện đi vào cuộc sống; đa số các cơ sở, tổ chức kinh doanh đã thật sự đầu tư, áp dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo quy trình nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển đúng tiêu chuẩn quy định; ý thức của doanh nghiệp, người sản xuất nhỏ, lẻ cũng được nâng lên đáng kể trong việc tạo ra các sản phẩm an toàn, không gây hại sức khỏe, tính mạng con người và giữ chữ tín, đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh. Từ đó, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của người sản xuất - kinh doanh thực phẩm chưa đầy đủ, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, còn nhiều nơi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng quy định, hay sử dụng chất độc hại để ngâm, tẩy trắng, ép chín các loại rau, củ, trái cây; mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản không rõ nguồn gốc, các chất ngoài danh mục cho phép.

Sự phối hợp trong công tác giám sát ATTP giữa các ban, ngành liên quan, tổ chức thực hiện, thanh tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP chưa chặt chẽ và thường xuyên. Còn nhiều bất cập trong thực hiện các chính sách, pháp luật về ATTP; công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao; hệ thống văn bản pháp luật còn tình trạng chồng chéo, thiếu sự đồng bộ; các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay với 3 đầu mối quản lý: y tế, nông nghiệp, công thương còn cồng kềnh về tổ chức, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả... Đội ngũ làm việc trong lĩnh vực ATTP mỏng, chưa được chú trọng đào tạo, nâng cao kịp thời về chuyên môn. Kinh phí, nguồn lực đầu tư đảm bảo ATTP còn hạn chế; hoạt động tuyên truyền cũng còn nhiều bất cập, chưa cân bằng giữa vấn đề tích cực và tiêu cực, các vấn đề tiêu cực được đề cập nhiều hơn khiến giá trị và uy tín nhiều sản phẩm tốt của Việt Nam bị liên lụy.

Từ bức tranh chung đó, cần có những giải pháp quyết liệt ở tổng thể quốc gia và giải pháp riêng phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương để công tác đảm bảo ATTP được thực hiện đồng bộ và hiệu quả nhất:

Một là: Cần rà soát, chỉnh sửa và hệ thống hóa các văn bản pháp luật về ATTP, đặc biệt phải tiến hành sơ kết 5 năm việc thực hiện Luật ATTP để có những hướng dẫn chấn chỉnh hoặc sửa đổi Luật ATTP trong thời gian tới.

Hai là: Tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước về ATTP, cần thống nhất đầu mối quản lý là một cơ quan chuyên trách về vấn đề ATTP do một bộ quản lý, làm cơ quan thường trực (không nên để 3 đầu mối như hiện nay). Hoặc thành lập một cơ quan chuyên trách mới, trực thuộc Chính phủ quản lý về lĩnh vực này nhưng vẫn đảm bảo không tăng thêm nhân sự, biên chế.

Ba là: Cần chú trọng tuyên truyền về ATTP trong toàn dân và nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc đảm bảo ATTP. Trong tuyên truyền về ATTP cần chú ý hài hòa hai chiều, cả tích cực và tiêu cực, không nên quá nghiêng về mặt tiêu cực dễ gây hoang mang dư luận.

Bốn là: Thực hiện xã hội hóa công tác đảm bảo ATTP để mọi người và toàn xã hội có trách nhiệm thực hiện tốt công tác này.

Năm là: Tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP.

Hy vọng trong thời gian tới, vấn đề vệ sinh ATTP tại Bình Phước sẽ có những cải tiến rõ rệt, đời sống sức khỏe của nhân dân ngày một an toàn hơn.                   

Tôn Ngọc Hạnh
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

  • Từ khóa
7817

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu