Thứ 5, 25/04/2024 10:49:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 07:21, 28/12/2017 GMT+7

Công thần nhà Mạc

Thứ 5, 28/12/2017 | 07:21:00 1,609 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Vũ Hộ có tên khác là Mạc Bang Hộ, là công thần khai quốc của nhà Mạc. Vũ Hộ là người xã Cung Hiệp, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Từ thời trẻ ông là người có sức khỏe và giỏi võ nghệ. Năm 1507, đời Lê Uy Mục, ông làm túc vệ, sau đó được thăng lên hiệu úy.

Nhà Lê suy yếu vì khởi nghĩa nông dân và tranh chấp nội bộ. Năm 1516, Vũ Xuyên bá Mạc Đăng Dung trấn thủ ở Sơn Nam, Vũ Hộ mang quân đi theo, được Đăng Dung dùng làm thuộc tướng. Ông có con trai là Vũ Huấn lấy em gái Mạc Đăng Dung, do đó giữa hai nhà có tình thân. Nhờ dũng cảm nhiều lần lập công, Vũ Hộ được thăng làm Đô đốc đồng tri, Chỉ huy sứ vệ thiên võ. Ít lâu sau ông chuyển về làm Đô đốc thự vệ sự, được ban hiệu Đồng Đức công thần.

Thời Lê Chiêu Tông, Mạc Đăng Dung nhờ công dẹp khởi nghĩa Trần Cảo và hoàng thân Lê Do, được nắm quyền lớn trong triều. Năm 1520, Vũ Nghiêm Uy nổi dậy ở Đại Đồng, Vũ Hộ được lệnh Lê Chiêu Tông đi đánh. Vũ Hộ đánh dẹp khiến Nghiêm Uy phải bỏ trốn vào núi. Chiêu Tông thấy vùng Sơn Tây có nhiều biến loạn nên sai Vũ Hộ ra trấn thủ và phong chức Quỳnh Khê bá. Năm 1521, ông được phong làm Quỳnh Khê hầu. Tháng 7-1522, Lê Chiêu Tông không chịu sự quản thúc của Mạc Đăng Dung nên trốn ra Mộng Sơn kêu gọi cần vương. Các tướng như Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú đều theo mật chiếu đến giúp, khiến cho Mạc Đăng Dung bị yếu thế. Tuy nhiên, Vũ Hộ vì có tình thông gia với nhà họ Mạc nên ngả theo Đăng Dung. Ông mang toàn bộ 3.000 binh sĩ dưới quyền đến tập hợp với họ Mạc.

Minh họa: S.H

Mạc Đăng Dung lập em Chiêu Tông là hoàng đệ Xuân lên ngôi, tức là Lê Cung Hoàng. Vũ Hộ đi chiêu mộ thêm binh sĩ, mang quân đón đánh quân cần vương của Chiêu Tông ở bến sông Nhị Hà (sông Hồng). Quân cần vương ra chống cự bị Vũ Hộ đánh bại. Tháng 10-1522, Trịnh Tuy ép xa giá vua Chiêu Tông vào Thanh Hóa. Vũ Hộ theo Mạc Đăng Dung đánh dẹp lực lượng cần vương còn lại ở Bắc bộ. Sau đó Đăng Dung đánh bại Trịnh Tuy, bắt được Lê Chiêu Tông mang về giam lỏng ở kinh thành. Năm 1525, Vũ Hộ được thăng chức Tả đô đốc Tây quân, sau đó đổi làm Thượng thư bộ Binh chưởng bộ sự, gia phong là Đồng Đức tán trị công thần thiếu bảo, tước Từ quận công. Sau khi dẹp hết các lực lượng chống đối và giết Lê Chiêu Tông (1526), năm 1527, Mạc Đăng Dung phế Cung Hoàng tự lập làm vua, tức là Mạc Thái Tổ.

Vũ Hộ vì có công đầu đi theo vua Mạc trong lúc khó khăn nên được đổi sang họ Mạc và tên là Bang Hộ, thăng lên chức Thái bảo, Tĩnh quốc công; những phẩm hàm trước vẫn như cũ. Con trai ông là Vũ Huấn (chồng công chúa Tú Hoa) cũng được đổi tên thành Mạc Bang Huấn.Đầu năm 1528, ông lại được gia phong làm Thiếu bảo phụng triều thỉnh. Năm 1531, do Trịnh Duy Liêu sang tâu vua Minh việc nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Minh đe dọa sang đánh Đại Việt. Phía nam, các lực lượng ủng hộ nhà Lê bắt đầu nổi dậy. Nhà Mạc phải đối phó với nguy cơ từ hai phía. Mạc Bang Hộ được cử làm Tả đô đốc Tây quân Chưởng phủ sự lo việc phòng giữ đất nước mặt bắc. Ngoài ra, ông vẫn kiêm các chức vụ cũ, bao gồm cả tới triều đình bàn bạc chính sự và xét xử các vụ án.

Tháng 9-1531, Mạc Bang Hộ bị bệnh và mất, thọ 54 tuổi. Lúc đó Mạc Thái Tông đang đi đánh lực lượng phù Lê ở Thanh Hóa, hoàng thái tử Mạc Phúc Hải làm giám quốc, thấy ông có nhiều công lao nên đã ban cho 500 quan tiền tuất. Tháng 11-1531, thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung tặng cho ông tên thụy là Đảng Lượng. Sử gia nhà Lê là Lê Quý Đôn đánh giá cao vai trò của Vũ Hộ trong việc giúp Mạc Đăng Dung giành ngôi nhà Lê. Trong sách “Đại Việt thông sử”, Lê Quý Đôn viết: Trong khoảng những năm Quang Thiệu, Thống Nguyên (1516-1527), Vũ Hộ trấn giữ một trấn quan trọng, nắm giữ quân đội mạnh, chống lại chiếu mệnh của thiên tử, cùng với Mạc Đăng Dung liên quân chống đối triều đình. Cho nên việc giặc Mạc cướp ngôi thực là do Vũ Hộ gây ra.

Lời bàn:

Theo sử cũ, vào cuối thời Lê sơ, việc triều chính ngày càng thối nát, nhất là từ thời vua Lê Uy Mục. Và quy luật của thời phong kiến là vậy, một khi triều đại này suy vi thì ắt sẽ có triều đại khác lên thay. Khi nhắc đến cuộc cách mạng chống tham nhũng và bạo tàn đối với triều đại của Lê Uy Mục, Lê Tương Dực của vương triều nhà Mạc không thể không nhắc đến công lao to lớn của nhà quân sự, chính trị, kinh tế lỗi lạc Vũ Hộ. Không có ông thì cuộc cách mạng của Mạc Đăng Dung chắc chắn thất bại. Ảnh hưởng của Vũ Hộ có tính quyết định đến sự tồn vong của nhà Mạc, nên khi Vũ Hộ qua đời cũng là lúc nhà Mạc bắt đầu suy tàn rồi diệt vong.

Ngày nay, với cách nhìn khoa học, khách quan, công bằng về lịch sử Việt Nam thời kỳ này đã xếp nhà Mạc là một vương triều chính thống trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Mặc dù vậy nhưng mỗi khi nhìn lại lịch sử, chúng ta không khỏi thương cảm cho những nhà chính trị cải cách lỗi lạc như Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly, Vũ Hộ, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Thận Duật..., họ đều sinh không gặp thời và ngay cả đến lúc chết cũng không đúng lúc!

N.D

  • Từ khóa
110001

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu