Thứ 7, 27/04/2024 02:53:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:20, 30/07/2019 GMT+7

“Cú huých” tạo đà phát triển kinh tế biên giới Lộc Ninh

Thứ 3, 30/07/2019 | 06:20:00 2,775 lượt xem
BP - Lộc Ninh có 7 xã biên giới/16 xã, thị trấn toàn huyện, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tập trung khu vực biên giới. Đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư trên biên giới là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện Lộc Ninh trong những năm qua. Hiện khu vực biên giới Lộc Ninh có nhiều dự án công nghiệp, du lịch trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai, đi vào hoạt động, là cú huých phát triển kinh tế, xã hội vùng biên, góp phần bảo vệ an ninh biên giới của Tổ quốc.

BIÊN GIỚI KHANG TRANG NHỜ NÔNG THÔN MỚI

Tháng 10-2018, xã biên giới Lộc Thạnh hoàn thành 19/19 tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, nhiều tiêu chí khó cần vốn đầu tư lớn như giao thông, điện, trường học đạt tỷ lệ cao và không nợ vốn xây dựng. NTM như khoác lên tấm áo mới cho xã biên giới Lộc Thạnh.

Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Quân cho biết: Lộc Thạnh về đích NTM là nhờ sự đầu tư của Nhà nước đối với khu vực biên giới khó khăn và những định hướng đúng mục đích của Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tạo sự đồng lòng hưởng ứng của người dân... Tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng NTM của Lộc Thạnh là 84,7 tỷ đồng, gồm vốn Nhà nước giao 63,05 tỷ đồng (74,44%), trong đó ngân sách Trung ương 7,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 17,3 tỷ, ngân sách huyện 38,15 tỷ, doanh nghiệp 4 tỷ, huy động nhân dân đóng góp 1,65 tỷ và vốn vay tín dụng 16 tỷ đồng. Hiện đã giải ngân 70,3 tỷ đồng, đạt 82,99%. Lộc Thạnh không nợ vốn xây dựng NTM.

Láng nhựa đường giao thông ấp biên giới Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh

Khó khăn trong thực hiện tiêu chí giao thông của xã Lộc Tấn trong xây dựng NTM là xã biên giới có diện tích lớn nhất huyện, địa hình nhiều đèo dốc. Để giúp Lộc Tấn hoàn thành xây dựng NTM, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh phối hợp huyện Lộc Ninh và người dân trong xã xây dựng 15/34 tuyến đường giao thông nông thôn tại 4 ấp dài hơn 15km. Ngoài ra, người dân xã Lộc Tấn còn đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng 60km đường nông thôn. Bên cạnh đó, huyện, xã tập trung triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; vận động người dân cùng chính quyền tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ thực hiện xây dựng NTM theo cơ chế đặc thù của tỉnh, xã Lộc Tấn đã về đích NTM trong năm 2018, trước thời gian dự kiến 2 năm.

Năm 2019, xã biên giới Lộc Thịnh được chọn về đích NTM. Bí thư Đảng ủy xã Trần Thị Yến cho biết, xã đang nỗ lực hoàn thành 6/19 tiêu chí còn lại. Trong đó, tiêu chí khó vì cần vốn lớn như giao thông đầu tư 18,3km đường nhựa, tổng vốn hơn 27 tỷ đồng (10 tỷ vốn Trung ương và 17,3 tỷ vốn tỉnh, huyện); 19 tuyến với tổng chiều dài 9,32km, trong đó 9 tuyến (7,8km) đã sẵn sàng mặt bằng chờ vật tư để thi công. Lộc Thịnh được đầu tư xây mới 8 phòng lầu trường tiểu học - THCS, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ đồng; 6 phòng mẫu giáo, kinh phí 3,7 tỷ đồng...

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông khu vực biên giới, Lộc Ninh đang nỗ lực hoàn thiện, ổn định đời sống hộ nghèo DTTS theo Quyết định số 33. Hiện nay, 3 dự án định canh,  định cư theo Chương trình 33 ở 3 xã Lộc Thịnh, Lộc Thành, Lộc Hòa, 188 hộ DTTS nghèo đã có thu nhập từ các loại cây công nghiệp như điều, cao su... Trong đó, dự án ở 2 xã Lộc Thành, Lộc Thịnh được đánh giá là khu định canh, định cư kiểu mẫu của tỉnh.

TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ KHU VỰC BIÊN GIỚI

Ngày 11-7-2019, tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, ấp 7, xã Lộc Hòa diễn ra lễ động thổ xây dựng công trình Cảng cạn ICD Hoa Lư, với quy mô 35,3 ha. Dự án do Công ty TNHH ICD Hoa Lư làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 379 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành đi vào sử dụng sẽ tập kết hầu hết hàng hóa nhập khẩu bằng container từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan vào Việt Nam cũng như hàng xuất khẩu của Việt Nam đến các nước. Dự án sẽ tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và tăng thu ngân sách cho địa phương. Qua đó, tạo đà phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, thể hiện tình hữu nghị, hợp tác giữa 2 bên biên giới Việt Nam - Campuchia.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân khẳng định: Lộc Ninh là địa bàn phát triển kinh tế vùng biên tốt nhất của tỉnh, hiện đã có 3 dự án gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, dự án điện mặt trời và khu du lịch di tích, tâm linh, sinh thái Tà Thiết. Cụ thể, Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích quy hoạch 28.364 ha, có tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng được duyệt hơn 507 tỷ đồng. Đến nay, Bình Phước đã hoàn thành các hạng mục ở khu kiểm soát liên hợp Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, đang từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông và mương thoát nước nội bộ. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 73 nhà đầu tư thực hiện dự án với diện tích 1.692 ha. Trong số đó, 31 nhà đầu tư đã hoạt động ổn định trên diện tích 117 ha; 12 nhà đầu tư đang thực hiện dự án; số còn lại đang thực hiện giải phóng mặt bằng.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án điện mặt trời trên vùng đất hiệu quả nông nghiệp thấp thuộc địa bàn huyện Lộc Ninh với quy mô 800 MWp. Đây là vùng đất có cường độ bức xạ mặt trời cao so với những nơi khác, địa hình bằng phẳng, hệ thống giao thông thuận lợi, không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Theo đó, cuối năm 2018, tại xã Lộc Tấn, Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải đã khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220kV Lộc Ninh - Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy điện mặt trời với hệ thống điện lưới quốc gia, dự kiến đến cuối năm 2019 hoàn thành. Công trình đi vào hoạt động sẽ bảo đảm dung lượng truyền tải hòa vào điện lưới quốc gia với sản lượng tối đa lên đến 1.200MWp. Trong năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải tập trung xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy điện mặt trời, gồm: Lộc Ninh 1 công suất 200MWp, Lộc Ninh 2 công suất 200MWp, Lộc Ninh 3 công suất 150MWp, Lộc Ninh 4 công suất 200MWp. Dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 5 công suất 50MWp.

Năm 2019, Khu du lịch di tích, tâm linh, sinh thái tại Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), trên địa bàn xã biên giới Lộc Thành, bước đầu đi vào hoạt động. Đây là điểm đến của nhiều du khách trong nước và nước ngoài. Hiện lượng khách du lịch tham quan, về nguồn tại Căn cứ Tà Thiết đã tăng gấp 10 lần so với trước. 

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân cho biết: Những dự án trọng điểm thực hiện tại địa bàn huyện được kỳ vọng là cú huých phát triển kinh tế huyện Lộc Ninh nói riêng và vùng biên giới Bình Phước nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch của huyện. Các dự án tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Huyện đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch tại Căn cứ Tà Thiết, cải thiện đời sống nhân dân. Nhằm thu hút các nhà đầu tư đến địa bàn, huyện sẽ cung cấp thông tin tốt nhất về giao thông, đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng như lực lượng lao động có chất lượng và bảo đảm môi trường an ninh trật tự.

Phương Hà

  • Từ khóa
1553

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu