Thứ 4, 24/04/2024 20:48:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:21, 22/11/2015 GMT+7

Cực may và cực rủi

Chủ nhật, 22/11/2015 | 14:21:00 1,216 lượt xem

BP - Vua Lê Thế Tông có tên húy là Lê Duy Đàm, ông là vị vua thứ 4 của nhà Lê trung hưng. Vua Lê Thế Tông cai trị trong thời kỳ mà Trịnh Tùng đã chiếm được kinh thành từ tay nhà Mạc. Kể từ đây, quyền lực thực sự đã rơi vào tay Trịnh Tùng, vua không có thực quyền trong tay và người đương thời cũng như hậu thế gọi là thời kỳ vua Lê -chúa Trịnh.

Lê Duy Đàm sinh tháng 11-1567, là con thứ 5 của Lê Anh Tông, được nuôi dưỡng ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên. Khi vua Anh Tông vì mưu giết Trịnh Tùng không thành phải chạy ra Nghệ An, hoàng tử Đàm vì còn nhỏ nên không đi theo được. Bấy giờ, Tả tướng Trịnh Tùng cùng quần thần đón hoàng tử Đàm lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu Hồng Phúc làm Gia Thái năm thứ nhất và ban lời đại cáo rằng:

...Một tổ khai sáng đầu tiên, các thánh kế nối sau mãi, truyền nhau chính thống đã hơn một trăm năm. Vừa rồi, gặp cơn vận ách, giềng mối rối tung. May nhờ lòng người còn theo, mệnh trời còn đó. Thánh phụ hoàng thương ta là dòng dõi nhà vua, nối cơ đồ của tông tổ, khôi phục nghiệp lớn, trải hơn 18 năm. Ngày 26-2, bị kẻ gian là bọn Cảnh Hấp, Đình Ngạn gièm pha, ly gián, đến nỗi xa giá phiêu dạt ra ngoài, thần dân trong nước không chỗ nương tựa. Ta là con thứ 5 của hoàng phụ, đương tuổi thơ non nớt, nối nghiệp lớn khó khăn, chỉ sợ không cáng đáng nổi. Nhưng trên vâng mệnh trời yêu mến, dưới theo lòng người suy tôn, từ chối không được nên vào ngày mồng một tháng giêng năm nay, ta đã lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Thái năm thứ 1, thực là nhờ được đại thần Tả tướng thái úy Trường quận công Trịnh Tùng và các quan văn võ đồng lòng giúp sức để dẹp yên xã tắc...

Ngày 24-8-1599, vua Lê Thế Tông mất, thọ 33 tuổi. Sau cái chết của ông, con thứ tư của ông là Lê Duy Tân được Trịnh Tùng đưa lên ngôi, tức vua Lê Kính Tông. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có đoạn chép lại rằng: Nhà vua (chỉ vua Lê Thế Tông, làm vua từ 1573-1599) bị bệnh, đến ngày 24-8-1599 thì mất. Vua ở ngôi 26 năm, hưởng thọ 32 tuổi. Trịnh Tùng cùng triều đình bàn rồi lấy cớ rằng: Con trưởng là Thái tử Lê Duy Trì không được minh mẫn, bèn rước con thứ của nhà vua là Lê Duy Tân, lập lên làm vua, tức vua Lê Kính Tông.

Ngay sau khi lên ngôi, vua Lê Kính Tông đã hạ chiếu lấy năm sau là năm Canh Tý - 1600 làm năm Thuận Đức thứ nhất, tha hết các thứ thuế của dân trong nước còn thiếu và mở rộng lòng thương xót đến những người phải phiêu bạt đó đây mới trở về bản quán, đồng thời, gia tước và cấp đất cho bề tôi có công, gia phong điển lễ thờ tự cho bách thần theo thứ bậc cao thấp khác nhau. Triều đình lại còn định ra thể lệ để tang vua: Các hàng thân vương, quan văn võ lớn nhỏ ở trong triều cũng như ở địa phương, để tang từ ba năm trở xuống nhưng theo thứ tự mà giảm dần. Người dân cả nước để tang 27 ngày; riêng Trịnh Tùng là bậc quân vương nên phải khác với trăm quan, chỉ để tang 100 ngày mà thôi.

Trước đó, vua Lê Thế Tông phong cho Trịnh Tùng làm Đô tướng tiết chế các doanh quân thủy quân bộ ở các xứ kiêm giữ việc quân, việc nước quan trọng. Phàm các sự vụ cơ mật quốc gia đều tự Trịnh Tùng xử quyết trước rồi sau mới tâu. Chính vì được trao quyền quá lớn cho nên Lê Kính Tông bấy giờ tuy nhà vua trên danh nghĩa là chủ nhưng thực tế thì Trịnh Tùng nắm hết mọi quyền trong ngoài, còn vua chỉ có hư vị. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự suy vong của nhà hậu Lê, đồng thời là ngọn nguồn dẫn đến đại loạn thời vua Lê - chúa Trịnh và Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Lời bàn:

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, Lê Duy Đàm, tức vua Lê Thế Tông là con thứ 5 của vua Lê Anh Tông đã không ngờ được Trịnh Tùng đẩy lên ngồi vào ngai vàng khi mới 6 tuổi. Trước đó, vua cha là Lê Anh Tông đã bị Trịnh Tùng sát hại. Và 26 năm sau, cũng tương tự như vua cha, vua Lê Duy Tân cũng là phận con thứ mà gặp may. Bấy giờ, bởi anh ruột là Thái tử Lê Duy Trì, tuy đã lớn tuổi nhưng bị chúa Trịnh Tùng coi là không minh mẫn rồi bị phế, cho nên Lê Duy Tân, tức vua Lê Kính Tông cũng lại bất ngờ được đưa lên làm vua lúc mới 11 tuổi. Nhưng cũng như vua ông và vua cha, vua Lê Kính Tông cũng bị Trịnh Tùng ép phải treo cổ tự vẫn.

Từ nội dung của giai thoại trên cho thấy, đưa Lê Anh Tông lên ngôi vua là Trịnh Kiểm, sát hại Lê Anh Tông khi mới 42 tuổi là con của Trịnh Kiểm, tức Trịnh Tùng. Sau đó, đưa Lê Thế Tông lên ngôi vua là Trịnh Tùng và sau 26 năm, Lê Duy Đàm bị đẩy xuống suối vàng lúc mới 32 tuổi... cũng là Trịnh Tùng. Rồi tiếp đó, đưa Lê Kính Tông bất ngờ được ngồi vào ngôi chí tôn là Trịnh Tùng và 20 năm sau lại cũng chính Trịnh Tùng đã buộc Lê Kính Tông phải chết khi mới 32 tuổi. Và cả 3 đời vua của nhà hậu Lê đều bất ngờ được làm vua là điều cực kỳ may mắn. Nhưng kết cục bi thảm của cả ba vị vua này lại là cái đáy của sự rủi ro. Thế mới hay rằng, giữa may mắn và rủi ro không có ranh giới. Vậy nên hậu thế đừng bao giờ quên là muốn duy trì được sự may mắn, tránh được rủi ro thì trước hết phải là chính mình, biết mình là ai, phải làm gì và đừng bao giờ là cái bóng của người khác. 

N.D

  • Từ khóa
109732

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu