Thứ 6, 29/03/2024 21:40:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:58, 27/07/2016 GMT+7

Cuộc sống của người dân Bàu Nghé bên hồ Thác Mơ - Bài 1

Thứ 4, 27/07/2016 | 07:58:00 273 lượt xem

MƯU SINH BẰNG NGHỀ “HIẾM”!

Bên hồ Thác Mơ, người dân thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản và làm thuê cho các chủ vườn nhưng vẫn có người chọn việc đan lọp, đưa đò... để mưu sinh. Dù đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần lao động hăng say, gắn bó với nghề của người dân nơi đây đã tô thêm nét tươi sáng trong bức tranh muôn màu về cuộc sống.

ĐAN LỌP

Cặm cụi ngồi vót từng chiếc nan đan lọp tép, bà Huỳnh Thị Ngon nói về lý do vào nghề: “Trước tôi làm nghề đánh cá nhưng bằng lưới nhỏ nên bắt được ít cá, thu nhập bình quân chỉ từ 50-100 ngàn đồng/ngày, chưa kể những ngày không đánh được cá do mưa lớn hay sức khỏe yếu. Tôi đã 55 tuổi, không thể ngày ngày đi làm thuê như người khác được nên thấy nhiều người đan lọp tép bán có thu nhập ổn định, lại vừa sức nên chuyển nghề. Đến nay, tôi làm nghề này đã 7 năm rồi”.

Bà Huỳnh Thị Ngon đang vót nan đan lọpBà Huỳnh Thị Ngon đang vót nan đan lọp

Thời gian đầu, do chưa quen nên bà thường bị dao vót nan cứa vào tay chảy máu, các sợi nan cũng rơi lên rơi xuống. Không nản lòng, bà chịu khó đan chăm chút và cẩn thận. Dù vậy, chiếc lọp tép đầu tiên cũng mất 3 ngày mới hoàn thành. Để nâng cao tay nghề, bà đi tới những nhà đan lọp trong thôn học hỏi kinh nghiệm. Những chiếc lọp đan không đẹp, bà kiên trì sửa lại đúng chuẩn với đường kính 16cm, cao 32cm, nhờ vậy những chiếc lọp dần có hình dáng cân đối, chắc chắn và thời gian đan được rút ngắn. Hiện bà có thể đan 5 chiếc lọp tép/ngày. Khách hàng của bà chủ yếu ở Đồng Nai. Vào mùa đánh bắt cao điểm từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau, bà phải “tăng ca” từ 4 giờ sáng tới 22 giờ mới đáp ứng nhu cầu mua lọp của khách hàng.

Nghề đan lọp giúp bà Ngon có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và thời gian làm nội trợ, chăm sóc gia đình. Dù có những ngày nghỉ đan do nguyên liệu tre lồ ô nhập về không đủ nhưng đan lọp là nghề mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà. Sản phẩm làm ra được thu mua nhanh chóng, không bị tồn đọng nên mỗi ngày bà thu khoảng 200 ngàn đồng.

ĐÓNG GHE

Cạnh nhà bà Ngon là hộ anh Lý Hoàng Thanh (41 tuổi). Anh Thanh có dáng người khỏe khoắn đang tay búa, tay đe nện những nhát chắc nịch vào tấm tôn làm ghe, âm thanh vang vọng ven hồ. Anh Thanh cho biết: Tôi làm nghề này được 2 năm rồi. Đóng ghe là nghề vất vả, từ khâu chọn gỗ làm khung, ước lượng diện tích... đến gia công chi tiết. Vì vậy, người đóng ghe phải thật sự yêu nghề và có sức khỏe mới làm được.

Anh Lý Hoàng Thanh đang tiện khung gheAnh Lý Hoàng Thanh đang tiện khung ghe

Ghe anh đóng chủ yếu phục vụ ngư dân mưu sinh trên lòng hồ Thác Mơ và các hồ lân cận trong vùng. Ghe có nhiều kích cỡ nhưng thông dụng nhất là ghe dài từ 4-8m. Trung bình một chiếc ghe dài 6,5m với trọng lượng 800kg, anh Thanh phải mất 6 ngày mới hoàn thành. Với những khách hàng đặt mua trước, anh sẽ có nhiều thời gian gia công kỹ sản phẩm hơn. Những đợt cao điểm từ tháng 5 đến tháng 12 hằng năm, anh phải làm từ sáng sớm tới 6 giờ tối để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mỗi chiếc ghe làm ra đều có lớp vỏ nhôm dẻo ôm lấy khung gỗ chắc chắn, sẽ cho tuổi thọ ghe lên đến 10 năm.

Anh Thanh cho biết, làm khung gỗ và bọc nhôm là hai khâu quan trọng của quy trình đóng ghe. Khung chắc, nhôm được hàn khéo sẽ giúp ghe hoạt động bền bỉ, không bị ôxy hóa và rỉ sét khi gặp nước. Gỗ đóng khung ghe chủ yếu là loại gỗ sến hoặc tùy theo nhu cầu của khách hàng. Dù vất vả nhưng đóng ghe là nghề giúp anh có công việc ổn định với mức thu nhập trung bình 250-300 ngàn đồng/ngày. Những đợt cao điểm, mỗi ngày anh thu gần 1 triệu đồng từ bán ghe. Nhờ đó, anh có điều kiện xây dựng nhà kiên cố và chăm lo cho gia đình tốt hơn.

LÁI ĐÒ

Đến khu vực ven hồ Thác Mơ, chúng tôi gặp bà Lê Thị Bông (61 tuổi), người đã 20 năm làm nghề đưa đò. “Trước kia, tôi chở khách bằng chiếc xuồng nhỏ nên vất vả lắm. Mỗi khi nước lên, đoạn hồ tôi đưa đò dài 1km nhưng hễ nước rút phải đi đường vòng thành 2km. Vậy nên nhiều ngày hai cánh tay tôi mỏi rã rời sau khi lái đò về. Cũng vì gia đình không có rẫy canh tác, lại chẳng đủ sức đi đánh cá hay làm thuê nên đành chấp nhận theo nghề. Sau này, nhờ đò gắn máy chạy dầu nên việc đưa đò cũng đỡ vất vả hơn” - bà Bông nói.

Bà Lê Thị Bông tươi cười chào đón kháchBà Lê Thị Bông tươi cười chào đón khách

Thời gian đầu, lượng khách đi đò ít. Khi đường liên thôn Bàu Nghé được rải đá và đường bên kia bờ (thuộc thôn 8, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) thông suốt, lượng khách đi đò đông hơn. Những ngày lễ, tết hoặc vào mùa thu hoạch điều, lượng người qua lại nhiều, bà phải huy động cả gia đình đưa đò. Nhờ đó, bà có nguồn thu ổn định từ 200-300 ngàn đồng/ngày. Sắp tới, bà sẽ mua thêm một chiếc đò để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Thôn Bàu Nghé có 142 hộ, trong đó 7 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Do không có đất sản xuất nên hơn 80% số hộ trong thôn sống bằng nghề đánh bắt cá trên hồ Thác Mơ và đi làm thuê cho các chủ vườn. Thu nhập thấp và bấp bênh của người dân đang là bài toán nan giải với chính quyền xã Phước Tín.

Ông Trần Văn Khâm, Phó thôn Bàu Nghé

“Nghề nào cũng vất vả chú ạ. Thu nhập từ nghề lái đò cũng bấp bênh lắm. Khách có hôm đông, hôm vắng. Có ngày cả chuyến đò chỉ duy nhất một khách nhưng tôi vẫn vui vẻ chở dù tiền thu về chẳng đủ “nuôi” dầu. Cũng có khách nhờ chở qua hồ vào đêm mưa to gió lớn, tôi phải khuyên họ trú lại nhà mình để đảm bảo an toàn. Vào mùa thu hoạch điều, có khách không đủ tiền đi đò, tôi cũng sẵn lòng chở qua hồ miễn phí vì biết rõ hoàn cảnh khó khăn của họ. Sắp tới, tôi sẽ trang bị thêm nhiều áo phao mới trên đò vì điều quan trọng nhất với người lái đò là đưa khách qua hồ an toàn” - bà Bông cho biết.

Thế Tường

  • Từ khóa
93006

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu