Thứ 6, 19/04/2024 08:53:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:15, 27/05/2015 GMT+7

Cuộc sống trên đảo Hòn Chuối

Thứ 4, 27/05/2015 | 15:15:00 902 lượt xem

BP - Hòn Chuối là đảo thuộc vùng biển tây của Việt Nam, phía bắc là hòn Sơn Rái của tỉnh Kiên Giang, phía nam là hòn Khoai của tỉnh Cà Mau. Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách cửa biển Sông Đốc 17 hải lý về phía tây. Hòn Chuối có diện tích khoảng 7km2, cao 170m so với mực nước biển. Bao phủ hầu hết hòn đảo là những vách đá dựng đứng và rừng nguyên sinh rậm rạp. Nhìn từ xa Hòn Chuối sừng sững trên biển như một chiến hạm.

Đến nay, Hòn Chuối vẫn còn hoang sơ đến bí hiểm, với những vách đá dựng đứng cao hàng chục mét và cây rừng mọc ken dày. Loại cây nhiều nhất ở đây là chuối rừng, vì vậy đảo mới có tên gọi là Hòn Chuối. Hòn Chuối có ba gành: gành Nam, gành Chướng và gành Nồm. Từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, người dân về sống ở gành Nam để tránh gió chướng. Và ngược lại, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, họ lại về gành Chướng để tránh gió mùa tây nam. Thời điểm dọn nhà là lúc giao mùa, khi hai loại gió này chưa nổi lên, cả hai phía đảo đều lặng sóng. Ra đảo mưu sinh, nghề chính của cư dân Hòn Chuối là câu cá lạc, loài cá thường chọn vùng biển này để sinh sống. 

Màu xanh của rừng cây nguyên sinh trên đảo Hòn Chuối - Ảnh internet

Trên đảo hiện có khoảng 50 hộ với hơn 200 người sinh sống, chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản và buôn bán nhỏ. Gần đây, nhờ áp dụng cách nuôi thử nghiệm cá lồng bè thu được kết quả tốt nên cư dân nơi đây đang nhân rộng mô hình kinh tế này. Cuộc sống của người dân trên đảo Hòn Chuối đang dần ổn định và phát triển nhờ vào nghề nuôi cá bớp trong các lồng bè. Cá bớp đã đem lại cho người dân một cuộc sống đủ đầy hơn. Ở Hòn Chuối nuôi cá không sợ ô nhiễm môi trường nên ít khi bị thất bại. Người dân trên đảo cho biết, nuôi cá bớp ban đầu cũng khá vất vả, khó khăn lắm nhưng dần dần nghề dạy nghề, rồi học hỏi lẫn nhau cùng làm. Nuôi cá bớp cũng giống nuôi cá basa gần bờ, nhưng ở đây không lo bị thất thu về môi trường ô nhiễm, mà chỉ sợ thiên tai bão gió.

Cuộc sống của cư dân trên đảo tuy còn khó khăn và thiếu thốn nhiều thứ nhưng họ luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau như người một nhà. Hiện sóng mạng viễn thông của nhà mạng trong đất liền đã phủ lên đảo Hòn Chuối, cùng các dịch vụ tiện ích khác đã giúp kết nối, cải thiện rất nhiều cuộc sống của ngư dân trên đảo. Người dân đã có nguồn nước ngọt dự trữ đủ dùng cho cả mùa nắng. Vào những dịp cuối năm, nhiều chuyến tàu chở quà tết từ đất liền ghé thăm đảo cùng những lời chúc, lời động viên chính là món quà tinh thần đầy ý nghĩa đối với cư dân Hòn Chuối.

Theo đề án xây dựng “đảo Thanh Niên” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2013-2020 cả nước có 5 đảo được chọn xây dựng đảo Thanh Niên gồm đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh); đảo Thổ Chu thuộc huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và đảo Hòn Chuối (Cà Mau). Trong 5 đảo được chọn có 3 đảo được đầu tư xây dựng mới, hình thành đơn vị hành chính cấp xã là đảo Trần, Thổ Chu và đảo Hòn Chuối.

(Theo camau.gov.vn)

Trên đảo Hòn Chuối còn có bộ đội đồn biên phòng 704 ngày đêm chắc tay súng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Mỗi bước chân tuần tra canh gác của những chiến sĩ áo xanh nơi đây đã mang đến sự yên bình trên hòn đảo nhỏ và cũng là chỗ dựa của cư dân Hòn Chuối. Các anh bộ đội còn là những thầy giáo dạy chữ cho con em người dân nơi đây. Bộ đội mở các lớp học tình thương đưa con chữ đến với các em nhỏ trên đảo; hỗ trợ ghe tàu neo tránh bão, khám chữa bệnh và giúp đỡ ngư dân trong vùng khi gặp sự cố trên biển...

Cùng với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng, trên đảo Hòn Chuối còn có nhân viên trạm hải đăng, trạm ra-đa. Trạm hải đăng Hòn Chuối do người Pháp xây dựng cao 315,7m so với mặt nước biển, đèn có tầm chiếu xa 24 hải lý vào ban ngày và 23 hải lý vào ban đêm. Trạm hải đăng có tác dụng chỉ vị trí đảo và giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Cà Mau định hướng, xác định vị trí. Hải đăng Hòn Chuối không đẹp nếu so với các ngọn hải đăng khác, nhưng từ đây có thể dùng kính viễn vọng để ngắm về Cà Mau giữa bốn bề là màu xanh của biển trời tây nam Tổ quốc. Trong định hướng phát triển vùng biển đảo và ven biển, tỉnh Cà Mau xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ cơ bản và đang từng bước xây dựng biển, đảo trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh. Hòn Chuối là “đảo Thanh Niên” nên sẽ có một sức sống mới mạnh mẽ và tươi đẹp hơn. 

Thế Quân

  • Từ khóa
89603

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu