Thứ 7, 27/04/2024 07:25:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:46, 20/12/2018 GMT+7

Cuối năm, xếp loại nhưng chưa phân loại được

Thứ 5, 20/12/2018 | 08:46:00 150 lượt xem

BP - Hiện nay, các tổ chức, cơ sở đảng đang thực hiện xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (CBCCVCĐV) hằng năm. Mặc dù có những đổi mới nhất định qua từng năm, song kết quả xếp loại cuối cùng vẫn không đổi. Và thực trạng chung năm nay có lẽ cũng không khác những năm trước, đó là sẽ có khoảng 10-15% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn lại là hoàn thành tốt nhiệm vụ, rất hiếm trường hợp hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt hiếm trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả này gần như ai cũng thừa nhận. Thế nhưng, điều tưởng như bình thường này có nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá của cơ quan chức năng, tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức ngày 25-1-2013, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

Như thế, có thể thấy ngay kết quả xếp loại CBCCVCĐV chưa sát thực tế. Bởi lẽ, 30% cán bộ, công chức làm việc không mang lại bất cứ thứ hiệu quả nào, thì làm sao có thể hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí gần như tất cả số ấy đều được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc hoàn thành?

Trong một tập thể có người luôn nỗ lực, cố gắng, có nhiều đóng góp, đặt việc chung, việc công lên trên hết, đồng thời có người đóng góp ít hơn, nỗ lực ít hơn, có người lại đặt lợi ích của mình lên trước rồi mới tới việc chung, thậm chí có người chỉ vì lợi ích cá nhân mới làm hoặc tệ hơn là ăn bám, tầm gửi vào cơ quan, đơn vị. Sống và làm việc với nhau, không khó nhận thấy ai thuộc trường hợp nào, ai thuộc số 30% như đã nêu. Thế nhưng, khi họp xét, khi bỏ phiếu, rốt cuộc, xếp loại CBCCVCĐV vẫn không phân loại được. Hầu như các đơn vị, tổ chức chỉ quan tâm đến việc chọn lựa, xếp loại ai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn lại thì “chín bỏ làm mười”, xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ cả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này, trong đó có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là do thói quen, văn hóa của người Việt thường thiếu chính trực, thẳng thắn, hay có thể nói là chưa chuyên nghiệp trong đánh giá đồng nghiệp, đồng thời rất nặng nề khi nhìn nhận về khuyết điểm của bản thân cũng như của người khác. Nếu ai đó trong một tập thể (thường có một chút bản lĩnh) làm khác đi thì sẽ bị công kích, bị ghét. Thứ hai là vì những tiêu chí thi đua, tập thể muốn vì thành tích của đơn vị mình nên không muốn có cá nhân trong đó bị xếp hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này dẫn tới xếp loại CBCCVCĐV không nói lên nhiều điều, ngoại trừ việc chọn ra được một hai người tốt hơn phần còn lại.

Điều đó cũng đồng nghĩa với khoảng 80-90% còn lại xếp “đồng hạng”. Tất nhiên với những người làm việc thật sự trách nhiệm và lương tâm trong sáng thì điều đó không quan trọng. Nhưng mục đích cao nhất của xếp loại là tạo nên động lực phấn đấu, thi đua đã không đạt được, thậm chí còn tạo ra hiệu ứng tiêu cực nếu có quan điểm cố gắng làm gì, rồi cũng như nhau cả. Và đây chính là những cái dù bao bọc, là đất sống cho 30% như đã nêu, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn tới xếp loại nhưng đã không phân loại được CBCCVCĐV, đồng nghĩa không thể cho ra khỏi bộ máy được ai.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu