Thứ 6, 19/04/2024 21:02:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:12, 27/07/2016 GMT+7

Cựu chiến binh đam mê kể chuyện truyền thống

Thứ 4, 27/07/2016 | 15:12:00 1,814 lượt xem
BP - Ở tuổi 65, những câu chuyện ông kể về lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, về Bác Hồ, tướng Giáp và các vị tướng, danh nhân của dân tộc Việt Nam... càng khiến người nghe thấm nhuần hơn, bởi kinh nghiệm sống, vốn kiến thức được ông tích lũy. Nhưng hơn hết đó là cái tâm, sự nhiệt tình và trách nhiệm của người với tư cách là “nhân chứng sống” của một thời oanh liệt.

20 NĂM VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ

Phòng làm việc của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phước An (Hớn Quản) dù nhỏ hẹp nhưng ông Trần Đức Quang, Chủ tịch hội, đã dành một góc đặt tủ sách. Trong số hàng chục cuốn sách, nhiều cuốn đã cũ, có bản phôtô bằng giấy A4 từ hơn 10 năm trước, được chủ nhân giữ gìn cẩn thận. Hầu hết đó là tài liệu về lịch sử, về Bác Hồ, tướng Giáp và các vị tướng, danh nhân của dân tộc Việt Nam.

Để câu chuyện luôn mới với người nghe, ông Quang phải thường xuyên nghiên cứu tài liệuĐể câu chuyện luôn mới với người nghe, ông Quang phải thường xuyên nghiên cứu tài liệu

Năm 1996, 1 năm sau khi nhận chức Chủ tịch hội, ông Quang đề nghị với Đảng ủy xã cho thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Ông kể cháu nghe”. CLB lúc đó chỉ có 3 thành viên là hội viên CCB xã, do ông làm chủ nhiệm. “Hồi đó, việc dạy Lịch sử ở trường học chủ yếu nói về các sự kiện gắn liền với ngày, tháng nên học sinh rất khó tiếp thu và không mặn mà với môn học này. Trong khi dạy Sử cần nhất là rút ra ý nghĩa và bài học về cuộc sống, đặc biệt phải tạo được cảm hứng và hình thành cho lớp trẻ lòng tự hào dân tộc. Tôi nghĩ, nếu được nghe nhân chứng sống như chúng tôi kể chuyện thì các cháu sẽ hứng thú và dễ cảm nhận về lịch sử hơn...” - ông Quang cho biết lý do ra đời CLB.

Thời gian đầu, ông Quang phải đến từng trường học trên địa bàn xã để “hỏi” ý kiến ban giám hiệu. Nhưng sau một vài lần kể chuyện, cứ đến các dịp lễ, trường lại chủ động mời ông. Rồi tại các kỳ giao ban với chi hội, vị Chủ tịch hội cũng chủ động dành thời gian kể chuyện cho hội viên nghe. Tiếng lành đồn xa, các dịp sơ - tổng kết hoạt động, mít tinh kỷ niệm ngày lễ do các hội, đoàn thể xã tổ chức, ông Quang cũng được mời đến kể chuyện... Và hiện ông là người kể chuyện chính trong CLB “Ông kể cháu nghe” của Hội CCB huyện Hớn Quản. Tính ra, mỗi năm ông tham gia kể chuyện khoảng một trăm lần.

Hơn 20 năm qua, ông Quang được biết đến là người kể chuyện chuyên nghiệp với phong cách hóm hỉnh, giản dị và sâu sắc. Ông nói: “Kể chuyện không phải nghề”. Là bởi, sau những đêm thức khuya “soạn bài” và “đứng lớp”, cái ông nhận được là niềm vui từ mỗi câu chuyện kể. Cũng từng nhận được những giải thưởng cao ở các hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thi kể chuyện chuyên đề ở tỉnh, huyện tổ chức nhưng với ông, mỗi lần đi thi sẽ là một cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng kể chuyện hay hơn.

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐI TRƯỚC

Ông Quang tham gia quân đội năm 19 tuổi, với 22 năm công tác tại các đơn vị thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Từng trực tiếp tham gia phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1971-1975, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, cũng từng lái xe cho các vị lãnh đạo cấp cao như Thiếu tướng Nguyễn Thu và Trung tướng Trần Quốc Việt là Viện trưởng và Viện phó Viện Công nghệ Quốc phòng; có thời gian, ông là trợ lý chính trị cấp trung đoàn, phụ trách công tác thanh niên... Được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, cùng với việc tích cực học tập, rèn luyện đã giúp ông thêm hiểu biết.

Để ý nghĩa rút ra từ mỗi câu chuyện luôn gần gũi với người nghe, phần liên hệ thực tế luôn mang tính thời sự..., ông phải thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi và cập nhật thông tin thời sự. Bởi thế, kể chuyện truyền thống lịch sử với ông không chỉ là niềm vui, niềm đam mê, đó còn là trách nhiệm của người đi trước, với mong muốn góp sức nhỏ trong giáo dục nhân cách và vun đắp lòng tự hào dân tộc cho lớp trẻ.

Quang Trung

  • Từ khóa
1963

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu