Thứ 5, 25/04/2024 21:02:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:31, 30/01/2017 GMT+7

Cựu chiến binh Lê Du Lộc - Gương sáng giữa đời thường

Thứ 2, 30/01/2017 | 14:31:00 1,268 lượt xem
BP - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp gặp gỡ cựu chiến binh Lê Du Lộc (SN1930), ngụ thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng qua cách sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe, miệt mài trong sản xuất - kinh doanh, hoạt động của cụ... khiến ai gặp cũng phải ngưỡng mộ.

CỐNG HIẾN TUỔI THANH XUÂN CHO CÁCH MẠNG

Cụ Lộc cho biết: “Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang bị thực dân Pháp, phát xít Nhật xâm lược, áp bức. Vì thế, từ nhỏ tôi đã nung nấu quyết tâm đi theo cách mạng, với mong muốn đóng góp công sức cho dân tộc. 15 tuổi tôi tình nguyện tham gia dân quân du kích và làm thông tin liên lạc giúp cán bộ huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn 304 và trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, tôi xuất ngũ về công tác tại địa phương, lập gia đình. Nhưng khi đất nước còn chiến tranh tôi lại xung phong tái ngũ phục vụ kháng chiến cho đến khi nước nhà thống nhất”. Dù đời quân ngũ không liên tục nhưng trong các chiến dịch lớn, ác liệt đều có sự đóng góp của Thiếu úy Lê Du Lộc. Sau hàng chục năm cống hiến cho cách mạng, cụ được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Vợ chồng cụ Lộc, cụ Vược bên các sản phẩm do chính cụ làm ra

Cụ kể: “Trong gần 30 năm phục vụ quân đội, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh vì bom đạn nhưng tôi là người may mắn lành lặn, khỏe mạnh và sống sót đến hôm nay. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời lính, đó là năm 1968, khi đơn vị hành quân đến ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) chờ lệnh chiến đấu. Trong lúc nấu ăn, do bất cẩn, đồng đội để khói bốc ra ngoài nên bị máy bay Mỹ phát hiện và ném bom B52. Giữa lúc cái chết đang cận kề, tôi và một số đồng đội núp bên tảng đá lớn. Bom thả xuống và mắc kẹt bên tảng đá, nhưng may mắn là quả bom tịt nếu không thì... Và đó cũng là một trong số rất nhiều lần tôi chết hụt”.

GƯƠNG SÁNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Năm 2003, vào Bình Phước lập nghiệp, khi các con đều trưởng thành, kinh tế ổn định, cụ Lộc vẫn tự lực vươn lên làm giàu và tích cực đóng góp cho xã hội. Sống trên mảnh đất chỉ rộng khoảng 200m2 nhưng nhìn thoáng qua chúng tôi cảm nhận không có thứ ngành nghề nào mà cụ không biết, không làm được. Với mô hình “ai cần gì làm nấy, bán nấy, giúp nấy”, cụ xây dựng căn nhà nhỏ trước cổng bán tạp hóa với đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Cụ còn sắm đồ nghề sửa chữa, bơm vá xe đạp, xe máy; mua máy xay bột gạo, bột mì; sắm máy chụp ảnh thẻ lấy ngay; cắt chữ quốc ngữ, cắt hàng mã, làm tràng hoa, lẵng hoa bán, rồi nấu rượu nuôi heo. Và dù đã lớn tuổi nhưng để có hàng rẻ, chất lượng tốt, hằng tuần cụ tự mình đi xe máy vượt hơn 10km về thị xã Phước Long lấy hàng.

Về bí quyết sống khỏe, sống thọ, cụ cho rằng nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Để có thực phẩm tươi, sạch cải thiện cuộc sống, cụ cuốc đất trồng rau, chăn nuôi gà, vịt, rồi sắm lưới đánh bắt cá ở dọc khe suối khi có nhu cầu. “Dù không nhiều nhưng những thực phẩm “cây nhà lá vườn” cũng đủ cho 3-4 người ăn hằng ngày mà không phải mua ngoài. Trồng rau, chăn nuôi vừa đảm bảo chất lượng lại là cách để rèn luyện sức khỏe. Chính vì ăn uống thực phẩm sạch, thường xuyên vận động, sống vui vẻ, hòa đồng với mọi người nên đến nay tôi chưa mắc chứng bệnh nào đến mức phải nằm viện” - cụ Lộc nói.

Cụ còn được biết đến với biệt tài giải độc cứu người. Những trường hợp bị rắn, rết độc cắn, ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc toàn thân cụ đều có lá thuốc giải. Hiện cụ đã cứu sống nhiều người, trong đó kỷ lục nhất là trường hợp 4 mẹ con ăn trứng cóc bị ngộ độc đã được chữa khỏi. Ngoài ra, cụ còn là cựu chiến binh dân vận khéo, gương mẫu, đi đầu trong các khoản đóng góp, hoạt động phong trào ở địa bàn. Cụ cho rằng, muốn để dân tin thì mình phải gương mẫu đi trước, làm trước. Năm 2015, sau gần 2 năm ban điều hành thôn Khắc Khoan đứng ra vận động nhân dân quyên góp làm hơn 1km đèn đường thắp sáng nhưng không thành. Trước tình thế đó, cụ đã “gỡ khó” bằng cách cho thôn mượn tiền làm trước, rồi thu gom sau. Khi có đèn đường thắp sáng, dân thấy có lợi nên sẵn sàng đóng góp chỉ sau 2 ngày.

TẾT SUM VẦY BÊN ĐẠI GIA ĐÌNH

Vợ cụ Lộc là cụ Nguyễn Thị Vược, cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Pháp. Nhỏ hơn chồng 3 tuổi nhưng sức khỏe của cụ Vược yếu hơn chồng. Cụ Vược chia sẻ: Ông nhà thương tôi lắm, không cho làm việc nặng mà tạo mọi điều kiện để tôi được vui chơi, qua lại với con cháu.

Vợ chồng cụ Lộc có 7 người con trai với 18 cháu, 15 chắt. Các con dù không ở chung nhà với cha mẹ nhưng đều ở ngay bên cạnh, giúp đỡ, hỗ trợ nhau nhiều năm qua mà chưa một lần cãi cọ, tranh chấp. Theo gương hai cụ, các cháu đều nỗ lực học tập tốt, có việc làm ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc, trong ấm, ngoài êm. Bà Đặng Thị Bài (52 tuổi), con dâu thứ hai của cụ Lộc cho biết: Ông bà có 7 người con dâu nhưng ai cũng được coi như con đẻ. Từ cách sống, sinh hoạt, cách đối nhân xử thế, quan hệ xã hội cho đến phát triển kinh tế gia đình chúng tôi đều học tập ở ông bà. Ông bà trở thành điểm tựa vững chắc cho con, cháu, chắt vươn lên ổn định cuộc sống.

Mỗi dịp tết đến xuân về, dù đi đâu, làm gì, tất cả thành viên đều xem căn nhà của hai cụ làm bến đỗ bình yên nhất. Vào ngày mồng 1, đại gia đình tập trung đông đủ để vui xuân, chúc tết. Trong khi các nàng dâu trổ tài, thì các cháu có dịp được học tập thêm kinh nghiệm bếp núc với 5 bàn ăn thịnh soạn, đậm đà hương vị cổ truyền. Bà Bài cho rằng: Gia đình tôi và các anh, chị, em, cháu chắt duy trì được sự gắn kết, bền chặt cũng bởi có các cụ làm người “giữ lửa”.

V. Thuyên

  • Từ khóa
2002

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu