Thứ 7, 20/04/2024 05:26:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:09, 17/03/2016 GMT+7

Cứu hạn phải như cứu hỏa

Thứ 5, 17/03/2016 | 10:09:00 158 lượt xem

BP - Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 10-3, toàn tỉnh có 16.939 hộ thiếu nước sinh hoạt, 21.226,45 ha cây trồng thiếu nước tưới. Trong số diện tích thiếu nước tưới, có tới 18.308,95 ha cây lâu năm, riêng hồ tiêu và cà phê 17.107,95 ha, còn lại 1.200 ha cây ăn trái. Như vậy, toàn tỉnh đã có xấp xỉ 1/10 số hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 57,56% diện tích hồ tiêu và cà phê thiếu nước tưới (17.107,95 trong tổng số 29.721 ha).

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, đây là những con số cho thấy sự khốc liệt nhất trong mùa khô. Những khu vực vốn có khí hậu, thổ nhưỡng tốt nhất Bình Phước như Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Bù Đăng... nay trở thành các huyện có diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới nghiêm trọng nhất (lần lượt là 2.593, 2.099, 4.395, 6.246 ha).

Người trồng hồ tiêu, cà phê đang quay quắt trong nắng hạn. Đào bới khắp vườn rẫy không tìm được nước, họ đã ra giữa bưng, bàu, lòng suối để... đào giếng, khoan giếng. Các nhà thầu đưa những mũi khoan công nghiệp về khoan giếng ở bất kỳ nơi nào có dấu hiệu của nước. Mũi khoan không chỉ dùng loại thông thường có thể khoan qua 1 đến 2 tầng đá, với độ sâu 120m, mà nay xuyên qua 4 đến 5 tầng đá với độ sâu có khi lên tới 200m. Lõi khoan lên là thỏi đá không chỉ có đường kính khoảng 10cm như trước đây, mà lên tới 15cm... Những vùng quê thanh bình, vốn có thể nghe thấy tiếng từng trái cà phê chín rụng ngoài vườn, nay cả ngày lẫn đêm, đâu đâu cũng vang vọng tiếng máy khoan giếng tìm nước. Hàng trăm tỷ đồng được người nông dân trồng tiêu, trồng cà phê khắp trong tỉnh đổ ra để tìm nước. Thế nhưng, kết quả đem lại, hầu hết chỉ khiến họ thêm khánh kiệt...

Thông thường những ngày này, vùng trồng tiêu, cà phê rộn rã tiếng cười của người nông dân khi họ đã và đang trong mùa thu hoạch. Đó không chỉ là miếng cơm manh áo, là xóa đói giảm nghèo, là cơ hội làm giàu của nhà nông, mà cùng với đó còn có tiếng cười của hàng vạn lao động thời vụ làm công cho các chủ vườn. Nhưng giờ đây, rất khó tìm thấy những nụ cười ấy.

Nông dân đang “khát nước”. Hàng ngàn héc ta hồ tiêu, cà phê đang “chết cháy” không chỉ theo nghĩa bóng mà còn theo cả nghĩa đen. Các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã cũng “nóng đầu” lên với những vườn tiêu, vườn cà phê đang chết khát của nhà nông khi có nhiều đợt kiểm tra, văn bản chỉ đạo, kế hoạch chống hạn liên tiếp được ban hành. Đó là những quyết định đem lại hy vọng cho hàng vạn nông dân trong cơn đại hạn hán. Nhưng với sức nóng của cơn khát ở từng thôn, ấp, từng xã đang “đại hạn”, xem ra “tốc độ” của các chủ trương, kế hoạch đó còn quá chậm!

Thủy lợi sau Cần Đơn ở Bù Đốp vẫn chưa giải tỏa xong để xả nước đi vào hoạt động. Giếng khoan công nghiệp ở Lộc Ninh chưa thấy đâu. Các phương án chống hạn vẫn đang nằm trên giấy. Xe bồn chở nước ngọt của ngành nông nghiệp các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre... cứu nhân dân vùng bị nhiễm mặn mấy ngày qua, chưa thấy “xuất hiện” ở Bình Phước. Nhiều vùng ở Bù Đốp, Lộc Ninh... nông dân đang phải mua nước sinh hoạt với giá 100 ngàn đồng/m3, nước tưới 80 ngàn đồng/m3. Nếu các công ty cấp thoát nước, công ty môi trường đô thị hoặc chính quyền nhanh tay đứng ra tổ chức xe bồn chở nước đến bán cho nhân dân vùng hạn hán, có lẽ giá không cao như vậy! Và hiệu quả của nó chắc chắn không chỉ là đơn giá của một mét khối nước, phía sau nó là hàng ngàn héc ta hồ tiêu, cà phê được cứu, đem lại giá trị xã hội lớn hơn rất nhiều!

Mùa khô khốc liệt, mỗi ngày trôi qua là có thêm hàng ngàn héc ta cây trồng thiếu nước và có thêm hàng ngàn trụ tiêu, hàng ngàn gốc cà phê bị chết khô. Trong hoàn cảnh này, cứu hạn cũng cần phải “hỏa tốc” như “cứu hỏa”.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu