Thứ 5, 25/04/2024 23:12:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:17, 22/03/2016 GMT+7

Đã có những “cuộc chiến” vì nước

Thứ 3, 22/03/2016 | 07:17:00 92 lượt xem

BP - Sẽ có người cho rằng, tôi đang nghiêm trọng hóa vấn đề. Nhưng nước đang thực sự trở thành “cuộc chiến”, không phải ở Trung Đông xa xôi mà ngay trên đất nước Việt Nam - quốc gia được coi là dồi dào nguồn nước và ngay trên địa bàn tỉnh Bình Phước của chúng ta!

Cách đây ba năm, hai tỉnh anh em là Quảng Nam và Đà Nẵng đã diễn ra cuộc tranh chấp âm ỉ, kéo dài về việc sử dụng nguồn nước trên sông Vu Gia và sông Thu Bồn. Việc tranh chấp diễn ra khá gay gắt, bởi người dân không có nước để làm ruộng và sinh hoạt. Tất cả được cho là do các nhà máy thủy điện ở thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn đã lấy nước tích vào hồ chứa khiến các dòng sông ở hạ du cạn khô. Tranh chấp, cãi cọ, nói qua nói lại trong nhiều tháng vẫn chưa giải quyết được, cuối cùng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phải báo cáo vấn đề với Quốc hội. Không chỉ người dân điêu đứng, ngay các nhà máy thủy điện cũng khốn khổ vì thiếu nước. Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, thời điểm này, nhiều hồ chứa của các nhà máy thủy điện ở miền Trung hụt nguồn nước, dẫn đến tổng sản lượng điện thiếu hụt lên đến 3,2 tỷ kWh. Đến ngày 9-3, khu vực này đã có 3 hồ ở dưới mực nước chết, nhà máy phải ngừng chạy máy phát điện. Khu vực Tây Nguyên, những công trình trên lưu vực sông Sêrêpôk và các nhà máy thủy điện nhỏ trên lưu vực các suối, thời gian và công suất chạy máy rất thấp. Nhà máy thủy điện phải chạy cầm chừng đã khiến ngành điện bị phá vỡ mọi kế hoạch.

Và không chỉ là tranh chấp, cãi qua nói lại, máu đã đổ vì nguồn nước. Tại thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk năm 2014, một người cháu đã đánh chết dượng của mình vì giành nước tưới cà phê. Cũng dịp này năm ngoái, ở xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, người dân đã dùng dao, mác “nói chuyện” với nhau vì việc ngăn nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng. Còn ngay tại Bình Phước, khi về cơ sở, phóng viên đã ghi nhận cuộc cãi qua nói lại giữa những người dân thôn 9 của xã Thống Nhất (Bù Đăng) khi nguồn nước ít ỏi của con suối chảy qua địa bàn thôn này bị những hộ dân khu vực đầu nguồn chặn lại để bơm nước lên vườn...

Từ hơn một thập kỷ qua, các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đã đưa ra những cảnh báo khẩn cấp về tình trạng thiếu nước trên toàn cầu. Lời cảnh báo ấy có xu hướng nhấn mạnh đến các quốc gia đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo phát triển nước thế giới được công bố hồi tháng 3-2015, trái đất sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 40% nguồn cung cấp nước trong vòng 15 năm tới. Điều này cho thấy, nước sẽ tiếp tục là vấn đề bức thiết của không ít quốc gia. Riêng với Việt Nam, dù nằm trong nhóm các quốc gia được cho là có trữ lượng nước dồi dào song nguồn “vốn tự nhiên” này lại phân bố không đồng đều và ngày càng suy giảm, thậm chí mức suy giảm và ô nhiễm nguồn nước đang trong tình trạng báo động.

Không đến mức khốc liệt như các nước Trung Đông, nước đắt hơn xăng nhưng rõ ràng Việt Nam không còn là quốc gia đầy ắp nguồn nước, dồi dào tôm cá như ta từng đọc được trong sách giáo khoa và nhiều tài liệu khác. Với sự phát triển công nghiệp, thủy điện, sự tàn phá rừng đầu nguồn và đào bới bừa bãi tài nguyên đã dẫn đến hậu quả hôm nay. Và việc cần làm đối với chúng ta ngay bây giờ là giáo dục ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước đang ngày càng khan hiếm, cho dù việc ấy không phải một sớm một chiều mà thành.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu