Thứ 3, 23/04/2024 19:55:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 20:22, 14/10/2013 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yên nghỉ vĩnh hằng

Thứ 2, 14/10/2013 | 20:22:00 445 lượt xem

Vậy là điều mà hơn 90 triệu trái tim Việt Nam cũng như hàng tỷ người tiến bộ trên thế giới không mong muốn đã đến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về nơi an nghỉ cuối cùng. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ để lại nỗi mất mát lớn lao đối với quân đội, dân tộc, Tổ quốc ta, mà còn là sự mất mát vô cùng to lớn đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp “năm châu bốn bể”.

Chiến công vang lừng bốn bể


Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khi được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (1944) khi ông mới tròn 33 tuổi. Lúc này, sứ mạng lịch sử của dân tộc, của quân đội ta đã đặt trọn trên vai ông. Với hai trận đầu (Phay Khắt và Nà Ngần) ra quân, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã tạo ra những móc son chói lọi trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu hay giải phóng miền Nam… đều thể hiện tài năng thao lược quân sự của đại tướng dù ông chưa qua một trường, lớp đào tạo về quân đội.  

Ông trở thành vị tướng huyền thoại của dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm thu non sông về một mối. Cuộc đời của ông là một cuộc trường chinh đánh bại 10 vị đại tướng (có 7 vị đại tướng của thực dân Pháp và 3 vị đại tướng của đế quốc Mỹ) và tên tuổi của Đại tướng đã gắn liền với những chiến công hiển hách trong các cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Sự thành công của cách mạng Việt Nam đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do đối với các dân tộc đang còn bị áp bức ở Á, Phi và châu Mỹ La tinh đứng lên giành độc lập.

Nhân ái trùm năm châu

Một điều dễ nhận thấy rằng, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, nhiều đối thủ trên chiến trường đã hoàn toàn “bị chinh phục” bởi nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ coi Đại tướng “là vị tướng huyền thoại”, “một vị tướng vĩ đại”, “một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX”, “một trong những thống soái lớn nhất của mọi thời đại” và luôn mong mỏi được gặp, bắt tay với đại tướng sau chiến tranh để tỏ lòng tôn kính.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kế thừa truyền thống đánh giặc của cha ông, phát triển tinh thần chống ngoại bằng chiến tranh nhân dân. Luôn dựa chắc vào nhân dân, vào sức mạnh đoàn kết quân dân, vào sức mạnh của 3 thứ quân, lấy quân chủ lực làm nòng cốt. Đánh giặc với tinh thần tiến công quyết chiến, quyết thắng, kết hợp với trí thông minh sáng tạo, dũng cảm và mưu trí.

Trên chiến trường, đại tướng luôn tiếc xương máu của chiến sĩ ta. Mỗi mệnh lệnh, mỗi câu nói, mỗi hành động của đại tướng đều xuất phát từ con tim yêu chuộng hòa bình. Vì vậy, mệnh lệnh hoãn tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ vì chưa chắc thắng, hay đòn trúng huyệt ở Buôn Ma Thuột làm sụp đổ cả Tây Nguyên. Hoặc chiến dịch giải phóng Quảng Đà làm rung chuyển nam Trung bộ và cuối cùng là mệnh lệnh thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… đã minh chứng ngoài tài thao lược còn sự hạn chế thấp nhất sự hy sinh xương máu.

Sau ngày đất nước thống nhất, đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng trao cho nhiều trọng trách của đất nước. Từ Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó thủ tướng thường trực; Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng chính phủ) đến các chức vụ kiêm nhiệm khác, đại tướng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Sau khi nghỉ hưu (1991) ở tuổi 80, đại tướng vẫn tiếp tục cống hiến công sức và trí tuệ nhiều cho trong Tổ quốc trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu

Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng theo sắc lệnh số 110/SL ngày 20-1-1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đợt với nhiều vị tướng lĩnh khác. Trong đó có Nguyễn Bình được phong Trung tướng. Các đồng chí Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình đều được phong Thiếu tướng.

Dù lúc còn công tác, hay lúc đã nghỉ hưu, đại tướng luôn dành thời gian để về thăm quê nhà. Những năm khói lửa chiến tranh, Lệ Thủy, Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh, Quảng Trị là vùng tuyến lửa. Hàng tấn bom đạn từ máy bay, tàu chiến ném xuống hủy diệt vùng đất này. Khi nghe tin đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy bắn cháy tàu chiến Mỹ, đại tướng phấn khởi khen ngợi “đất Quảng Bình ra ngõ gặp anh hùng”. Người Quảng Bình trong những năm khói lửa luôn dồn sức người sức của cho tiền tuyến với khẩu hiệu “xe chưa qua nhà không tiếc” sẵn sàng dỡ nhà lót đường lấp hố bom cho xe qua.

Anh Lê Văn Hợp quê Quảng Bình (Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) kể, tôi còn nhớ in những lúc bác Giáp về thăm. Năm 1986, khi nói chuyện với nhân dân huyện Lệ Thủy, đại tướng mong bà con tiến lên khai phá miền Tây (vùng rừng hoang, núi trọc). Vài năm sau, vùng Kim Thủy, Ngân Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy của huyện Lệ Thủy đất trống đã phủ xanh cây sắn (mì) khoai lang, bạch đàn, keo lai. Đại tướng khuyến khích người dân tăng cường phát triển đàn gia súc lớn ở vùng đồi, trung du. Nói chuyện với người dân vùng biển, đại tướng cho rằng, biển bạc đầy tôm cá, nhưng muốn làm giàu từ biển người dân phải chung lòng, thuyền ra khơi phải lớn chứ không đánh mãi ven bờ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng những chiến công, di sản và nhân cách của đại tướng luôn sống mãi trong trái tim người dân đất Việt cũng như trong lòng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Tấn Phong

  • Từ khóa
101274

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu