Thứ 6, 19/04/2024 15:28:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:24, 23/04/2014 GMT+7

Đằng sau việc “xẻ thịt” rừng phòng hộ không được giải quyết dứt điểm

Thứ 4, 23/04/2014 | 07:24:00 347 lượt xem

Bài 1 Tạo kẽ hở cho kẻ phạm pháp lộng hành?

Diện tích 7,8 ha đất điều nằm tại ấp 7, xã Bom Bo (Bù Đăng) được ông Đinh Văn Thành thu hoạch hơn 10 năm nay. Nhưng cũng nhiều năm qua, cứ vài năm lại xảy ra một trận ẩu đả “tranh chấp chủ quyền” giữa ông Thành và ông Phạm Duy Khải, ngụ khu Tân Hưng, thị trấn Đức Phong (Bù Đăng). Thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết dứt điểm khiến mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng bị khoét sâu. đặc biệt, khu đất của hai ông Khải và Thành tranh chấp lại là… đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Đến khu đất đang tranh chấp, chúng tôi không khỏi đồng cảm với cảm giác xót xa của chính quyền xã, những người tranh chấp khi trái điều có hạt rụng đầy mặt đất mà không người nhặt. Nhiều quả điều đã khô chỉ trơ lại hạt nằm trên đất. Các lối đi vào rẫy cũng thấy điều rụng còn trơ hạt.


CÙNG NHAU “XẺ THỊT” RỪNG PHÒNG HỘ

Trước năm 2000, ông Phạm Ngọc Thức (54 tuổi), ngụ ấp 7, xã Bom Bo (nay ông Thức đã chuyển đến Đắk Nông sinh sống) kết nghĩa anh em với ông Phạm Duy Khải (43 tuổi), ngụ khu Tân Hưng, thị trấn Đức Phong (Bù Đăng). Sau đó, ông Thức giới thiệu cho ông Khải làm quen với ông Đinh Văn Thành (45 tuổi), ngụ cùng ấp 7 và họ đã cùng khai phá 11,7 ha đất rừng phòng hộ (RPH) Bom Bo.

Điều rụng đầy vườn nhưng hai bên canh chừng nhau không được phép lượm (ảnh nhỏ). Ông Phạm Duy Khải đã cử người đến mắc võng ăn ngủ ngay tại rẫy để giữ điều (ảnh lớn)

Sau nhiều năm hợp tác làm ăn, ngày 1-6-2005, ông Khải đưa người vào phần đất mà ông Thành và ông Thức đang canh tác chung rồi đốt căn nhà vách ván lợp tôn mà gia đình ông Thành đang ở. Tất cả tài sản của ông Thành bay theo tàn tro. Lý giải với Công an xã Bom Bo về việc đốt nhà, ông Khải trình bày là do ông Thành dựng nhà trên đất của ông.

Ông Khải còn cho biết: Từ năm 1999 đến 2001, ông đã khai phá và sang nhượng thêm của các hộ dân khoảng 30 ha đất tại các tiểu khu 151 và 154. Ngày 1-12-2001, ông đã cho ông Thành mượn 7,8 ha (trong tổng 30 ha) để trồng mì. Thời hạn 3 năm cho mượn đã hết mà ông Thành không trả đất như thỏa thuận.

Theo Quyết định số 2568/QĐ-UBND, ngày 24-8-2010 của Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng thì phần đất ông Thành và ông Khải đang tranh chấp thuộc quyền quản lý của Ban quản lý RPH Bom Bo (nay là Ban quản lý RPH Bù Đăng) và một phần giao xã quản lý. Quyết định số 2568 nêu rõ: Hủy ba hợp đồng giao khoán đất số 01/2008, số 02/2008, số 01/2009 Ban quản lý RPH Bom Bo đã ký với ba ông Phạm Duy Khải, Phạm Duy Ngộ và Phạm Duy Phúng với tổng diện tích 30 ha. Đồng thời yêu cầu, sau khi giải quyết dứt điểm việc tranh chấp giữa ông Khải (đại diện ba hộ) với ông Đinh Văn Thành thì mới lập thủ tục giao khoán lại cho ông Khải và ông Ngộ (nếu có nhu cầu). Riêng phần đất của ông Phúng đã giao xã quản lý (đất của ông Phúng tại khoảnh 1 Tiểu khu 154). 

Ông Thành thì một mực khẳng định: “Tôi, ông Thức và ông Khải đã thỏa thuận cùng phá rừng rồi chia ba. Khi khai phá, chủ yếu tôi và ông Thức làm trực tiếp, còn ông Khải hỗ trợ 300 ngàn đồng/ha và canh chừng kiểm lâm. Tổng diện tích 3 người phát được là 11,7 ha. Nghe thông tin phần đất khai phá sẽ bị Nhà nước thu hồi giao Công ty cao su Phú Riềng trồng cao su, nếu có sổ xanh (sổ giao khoán) sẽ được đền bù nên ông Khải bảo tôi và ông Thức ký vào giấy tờ ông Khải đã soạn sẵn với nội dung mượn đất của ông Khải thì mới làm được sổ xanh. Tôi nghe theo nên đã ký nhưng ông Thức thì không chịu. Chờ mãi vẫn không thấy ông Khải làm được sổ xanh nên tôi và ông Thức đã chia cho ông Khải 4 ha, còn 8,7 ha chúng tôi làm chung. Đã được chia phần nhưng sau khi sang nhượng cho người khác, ông Khải lại nổi lòng tham muốn chiếm luôn đất này”.

Đây là vụ việc làm đau đầu chính quyền xã Bom Bo suốt 10 năm qua. Ông Lê Đức Đặng, Phó chủ tịch UBND xã Bom Bo khẳng định: “Từ 2005 đến nay, năm nào xã cũng phải hòa giải việc tranh chấp này, nhưng đều không thành”.

Trao đổi về việc tranh chấp đất giữa ông Khải và ông Thành, luật sư Dương Vĩnh Tuyến, Trưởng văn phòng luật sư Dương Chí khẳng định: “Tờ giấy mà ông Thành ký mượn đất với ông Khải không có giá trị pháp lý. Bởi vì thời điểm đó, ông Khải không có đất cho ông Thành mượn. Trên góc độ pháp luật thì hai ông đều là những người lấn chiếm đất RPH do Ban quản lý RPH Bom Bo (nay thuộc Ban quản lý RPH Bù Đăng) quản lý.


“CỦA CHUNG” KHÔNG AI LO

Ông Khải khẳng định mình khai phá và sang nhượng của người dân xung quanh gần 30 ha. Sau khi “lỡ” làm mất rừng và chưa xử lý theo quy định của pháp luật thì khi UBND tỉnh quy hoạch chuyển đổi 3 loại rừng, Ban quản lý RPH Bom Bo lại làm điều khó hiểu là lập hợp đồng giao khoán cho ông Khải và các ông Ngộ, Phúng theo số 01/2008, 02/2008 và 01/2009. Và đây chính là nguồn cơn dẫn tới việc ông Thành quyết tâm theo đuổi khiếu nại tới cùng. Bởi lẽ, ông Khải thường trú tại thị trấn Đức Phong thì được ưu tiên giao khoán, còn ông Đinh Văn Thành là người có hộ khẩu tại ấp 7, xã Bom Bo (nơi có diện tích đất đang tranh chấp) lại không được giao khoán. Đáng nói hơn là gia đình ông Thành phải dựng tạm nhà trên chính khu đất tranh chấp để sinh sống vì không có đất nào khác.

Bà Lê Thị Kim Loan, Trưởng ấp 7, xã Bom Bo cho biết: “Gia đình tôi ở ấp 7 từ trước năm 2000 nên tôi biết số cây điều hiện đang tranh chấp một phần ông Khải trồng và một phần ông Thành trồng, nhưng ai cũng giành mình là người khai phá. Vụ việc được kiến nghị rất nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nếu tình trạng này kéo dài e rằng sẽ có kẻ xấu lợi dụng lộng hành”.
 
Nói về việc nhóm người vào phần đất đang tranh chấp ăn ngủ để canh điều, bà Loan cho rằng, vì ông Khải có đất trong ấp 7 và đăng ký tạm trú rồi bảo lãnh cho 12 người khác cùng tạm trú hết mùa thu hoạch điều nên chúng tôi phải tạo điều kiện theo Luật Cư trú.

Ngày 24-3-2011, UBND tỉnh ra Quyết định số 610/QĐ-UBND nêu rõ: Công nhận Quyết định số 2568, ngày 24-8-2010 của Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng về giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Phạm Duy Khải (đại diện ba hộ trên) với ông Đinh Văn Thành là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Khải không căn cứ vào nội dung Quyết định số 610 mà chỉ căn cứ vào một nội dung nhỏ trong phần kết luận điều tra khẳng định ông Khải đã được Ban quản lý RPH Bom Bo ký hợp đồng giao khoán để đòi quyền lợi.

Thửa đất 7,8 ha trong thực tế không được cơ quan có thẩm quyền quản lý nên cả ông Khải và ông Thành ra sức giành giật về mình. Từ đó dẫn tới nhiều lần xô xát. Gần đây nhất là sáng 6-3-2014, ông Khải đưa trên 10 người tới nhặt điều trên phần đất tranh chấp. Khi ông Khải và nhóm người nhặt được khoảng 1 tạ hạt thì Công an xã Bom Bo cùng đại diện thôn 7 đến lập biên bản đưa về xã. Kể từ ngày 6-3 đến nay, ông Khải đã đưa một nhóm người vào mắc võng, ăn ngủ ngay tại vườn điều để canh giữ không cho ông Thành nhặt điều.

Ngọc Tú
Bài 2: Chính quyền bất lực?

  • Từ khóa
92429

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu