Thứ 6, 29/03/2024 03:09:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:14, 19/09/2017 GMT+7

Đánh giặc bằng bút

Thứ 3, 19/09/2017 | 08:14:00 630 lượt xem

BP - Theo sách “Việt Nam văn hóa sử cương” của nhà sử học Đào Duy Anh, năm 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều đình mở khoa thi đầu tiên nhằm chọn hiền tài phục vụ đất nước. Tuy nhiên, danh hiệu “Trạng nguyên” chỉ có từ năm 1247, dưới triều Trần. Trong khoa thi năm đó, lần đầu tiên trong lịch sử có 3 sĩ tử đỗ đầu đều là những người trẻ. Trạng nguyên Nguyễn Hiền mới 13 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi và Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi. Vì vậy, Trạng nguyên Nguyễn Hiền được coi là “Khai quốc trạng nguyên” và là trạng nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta.

Hồi mới lên 7 tuổi, trạng Hiền thường hay chơi nặn đất với bọn trẻ con. Một lần trạng nặn con voi đất, rồi lấy 4 con cua để vào 4 chân, lấy đỉa làm vòi, lấy bướm làm tai thành ra voi đất cũng cử động được, khiến bọn trẻ vui thích reo hò ầm ĩ. Chợt một ông quan đi qua đứng lại xem và hỏi chuyện Hiền. Thấy Hiền khéo léo lại láu lỉnh, ông quan liền đọc bỡn một câu: Đồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo! Nghĩa là: Bọn trẻ năm, sáu đứa, không đứa nào khéo bằng mày.

Minh họa: S.H

Trạng thấy vậy, hỏi ông quan rằng: Trước hết xin ông cho biết ông làm chức quan gì? Quan nói: Ta là quan thái thú ăn lương hai ngàn hộc. Thấy quan có ý khoe khoang, Hiền liền đọc rằng: Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công... Nghĩa là: Quan thái thú ăn lương hai ngàn hộc, chẳng ai... bằng ông. Quan cười bảo: Đối còn thiếu một chữ! Hiền nài cho tiền rồi sẽ đối nốt. Quan cho tiền xong, Hiền liền bổ sung rằng: Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công liêm.  Nghĩa là: Thái thú ăn lương hai ngàn hộc, chẳng ai liêm bằng ông. Quan chịu là giỏi, nhưng vui miệng hỏi thêm: Thế nếu ta không cho tiền, thì chú đối chữ gì? Hiền trả lời: Khó gì? Nếu ông không cho tiền thì tôi chỉ việc điền chữ “tham” vào thôi. Quan biết thằng bé láu cá, đành phải bỏ đi không dám trêu chọc gì nữa, kẻo lại mang tiếng “to đầu mà dại”!

Nguyễn Hiền rất thông minh, có trí nhớ tuyệt vời, thuở nhỏ đã được gọi là thần đồng, đọc đâu nhớ đấy, học một biết mười... có tài ứng biến trong mọi tình huống, nhất là đối thoại với các sứ thần nước ngoài. Theo tương truyền, có nhiều câu đố hiểm hóc của các sứ thần Mông Cổ, Trung Quốc, cả triều đình lúng túng, nhưng Nguyễn Hiền đã lập tức giảng giải được hết, làm cho vua quan ngoại bang phải kinh ngạc, kính nể. Chính ông đã góp phần tạo điều kiện kéo dài thời gian hòa hoãn để nhà Trần chuẩn bị kháng chiến. Tiếc rằng ông mất quá sớm. Cho đến nay, trong dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về vị trạng nguyên trẻ tuổi, trong đó có câu chuyện nặn voi đất biết đi, xâu sợi chỉ qua con ốc hay hai lần khiến triều đình phương Bắc nể phục, giúp đất nước tránh được họa chiến tranh.

Có lần, triều đình phương Bắc lại cử sứ giả mang sang nước ta bức thư chỉ có hai chữ “Thanh Thúy”. Nhà vua giao cho trạng Hiền xem và giải nghĩa. Ngay sau khi xem xong, Trạng Hiền liền phê vào thư là “Thập nhị nguyệt xuất tốt” và tâu vua Trần nên đưa quân ra biên giới phòng thủ vì tháng 12 giặc sẽ động binh. Nguyên chữ “thanh” gồm chữ thập, chữ nhị ở trên và chữ nguyệt ở dưới, chữ “thúy” gồm chữ xuất và chữ tốt ghép lại. Quân Mông Cổ đến đầu biên giới thấy ta đã có chuẩn bị nên lại rút quân về.

Ngoài việc đánh giặc bằng bút, những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay phò vua giúp nước. Năm Ất Hợi, nước ta lại bị giặc Chiêm Thành xâm lược, nhà vua rất lo bèn giao cho Trạng nguyên Nguyễn Hiền đánh giặc giữ nước. Chỉ ít lâu sau, quân giặc thất bại, trạng Hiền thu quân về Vũ Minh Sơn mở tiệc khao quân và tâu lên vua. Nhà vua vô cùng vui mừng và phong cho ông trạng chức “Đệ nhất hiển quý quan”. Về nông nghiệp, ông cho đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất mùa màng thắng lợi. Về quân sự, ông cho mở mang võ đường để rèn quân luyện sĩ. Hiện nay, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông, thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định còn giữ được nhiều bài vị, sắc phong, câu đối, đại tự, đặc biệt bảo tồn được cuốn Ngọc phả nói về sự nghiệp của ông.

Lời bàn:

Trong lịch sử văn hóa, lịch sử bang giao của dân tộc ta từng xuất hiện nhiều nhân vật tài hoa, lỗi lạc, họ từ đời thường đi vào huyền thoại rồi sống mãi cùng tâm thức dân gian. Họ đã trở thành những tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, trí thông minh, cách ứng xử kỳ tài và làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Trạng nguyên Nguyễn Hiền là một trong những nhân tài như vậy. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng tài năng, công đức và học vấn uyên thâm của ông đã làm rạng danh thế hệ trẻ Việt Nam, xứng đáng là tấm gương sáng về năng lực tự học thành tài, về đức độ yêu nước thương dân và truyền thống hiếu học của dân tộc ta...

Không chỉ đến bây giờ, mà ngay từ ngày xưa cha ông chúng ta đã có người khẳng định rằng, trong cuộc đời này không có số phận mà chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, cậu bé Nguyễn Hiền mồ côi cha từ sớm, gia đình lại lâm vào cảnh bần hàn và phải cùng mẹ sống trong một túp lều thuộc khuôn viên của ngôi chùa trong làng. Nhưng bằng nghị lực phi thường, cậu bé Nguyễn Hiền đã trở thành trạng nguyên đầu tiên và cũng là trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng của nước nhà thời phong kiến. Phát huy truyền thống của tổ tiên, ngày nay năm nào nước ta cũng có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế.

N.D

  • Từ khóa
109960

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu