Thứ 7, 20/04/2024 02:11:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:31, 22/09/2015 GMT+7

Danh hiệu ở lòng người!

Thứ 3, 22/09/2015 | 07:31:00 97 lượt xem

Tháng 9 năm nay, trong niềm vui của những ngày mừng Quốc khánh, chúng ta có thêm niềm vui bởi sau hàng chục năm chuẩn bị, Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân dân gian. Trong đợt đầu tiên này, có 617 nghệ nhân ở 56 tỉnh, thành được Hội đồng cấp Nhà nước thông qua hồ sơ. Đây thực sự là niềm vui và sự động viên lớn với các nghệ nhân, bởi nhiều người đã chờ đợi gần suốt cuộc đời về một danh hiệu chính thức của Nhà nước. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa trọn vẹn bởi không một ai được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Bởi những quy định nhiêu khê, không thể thực hiện nên nhiều người rất tài năng, có nhiều cống hiến nhưng không được phong tặng nghệ nhân ưu tú. Và từ sự việc này, người ta mới nhận ra sự bất hợp lý về những điều kiện bắt buộc khi phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân.

Đối tượng bị lôi ra mổ xẻ nhiều nhất là Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25-6-2014 của Chính phủ quy định về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Theo nghị định này, muốn trở thành “Nghệ nhân nhân dân” thì buộc phải đạt danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trước đã. Trong khi nghị định này quy định nghệ nhân nhân dân phải “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước”, thì với nghệ nhân ưu tú là phải “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương”. Như vậy, nghệ nhân ưu tú hoạt động cả đời cũng khó có thể đạt danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể mang tính chất địa phương, vùng miền rất rõ ràng. Một quy định bắt buộc đối với nghệ nhân ưu tú là phải có giải thưởng và phải đào tạo được những người kế tục mới đủ điều kiện làm hồ sơ xem xét. Trong khi rất nhiều người cả đời cống hiến cho di sản, được cộng đồng tôn vinh nhưng không tham gia các cuộc thi, các liên hoan, không có điều kiện để mở lớp truyền dạy. Như vậy họ không thể có giải thưởng, huy chương để làm hồ sơ. Chưa kể các thủ tục hành chính thi đua - khen thưởng khá phức tạp, việc mỗi nghệ nhân phải làm “bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu”, cùng với “các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm: Băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ; bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu liên quan”... thực sự là kiểu “đánh đố” đối với các nghệ nhân tuổi cao sức yếu, có người không biết chữ!

Trong văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân vốn là danh xưng được xã hội mặc nhiên công nhận đối với những tài năng hoạt động gìn giữ di sản. Bản thân những người được cộng đồng tôn vinh ấy, họ cũng chỉ miệt mài với công việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản chứ chẳng mấy ai có ý thức lưu giữ các “thủ tục” để được công nhận nghệ nhân. Cho dù Nhà nước có công nhận họ hay không thì trong lòng công chúng, cụ Nguyễn Phú Đẹ ở Huế vẫn là “đệ nhất danh cầm”; cụ Hà Thị Cầu ở Ninh Bình vẫn là “đệ nhất hát xẩm dân gian” của Việt Nam! Thế nên việc tổ chức công nhận danh hiệu nghệ nhân cần thể hiện rõ tính chủ động của Nhà nước trước những cống hiến âm thầm nhưng to lớn của họ đối với các di sản văn hóa của nước nhà chứ không nên áp đặt những điều kiện bất hợp lý như đã nêu trên.

Linh Tâm

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu