Thứ 5, 28/03/2024 19:43:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:04, 31/08/2017 GMT+7

Danh hiệu “văn hóa”phải thực chất hơn

Thứ 5, 31/08/2017 | 09:04:00 165 lượt xem

BP - Theo Kế hoạch số 189/KH-UBND về triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 vừa được ban hành, mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 80% trở lên số hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 60% trở lên số thôn, ấp, khu phố đương được công nhận, giữ vững danh hiệu “khu dân cư văn hóa”... Đây là những mục tiêu đặt ra, song để đạt được mục tiêu này dễ hay khó?

Theo số liệu của cơ quan chức năng: Năm 2016, toàn tỉnh có 866 khu dân cư đăng ký (đạt 100%) và cuối năm qua bình xét, toàn tỉnh có 608 khu dân cư được công nhận “khu dân cư văn hóa”, tương đương 70,2%. Còn đối với tỷ lệ đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, hiếm có khu dân cư, thôn, xã nào đạt dưới 90%. Vậy chỉ tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2020 thật dễ đạt được. Nhưng thực tế có như thế?

Có thể thấy các con số về tỷ lệ được công nhận “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”, “cơ quan văn hóa”... thật khó tin khi nhìn vào thực tế hiện nay. Vì theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2017 của HĐND tỉnh nêu 6 tháng đầu năm “tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số vụ án, bị can bị khởi tố tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tính chất hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các cơ quan chức năng khởi tố 456 vụ với 744 bị can”... Về tội phạm ma túy, trong 6 tháng toàn tỉnh đã khởi tố 60 vụ, với 76 bị can, tăng 4 vụ và 9 bị can (tăng 7,14% số vụ, 13,43% số bị can), chủ yếu là các hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy mang tính nhỏ lẻ, các đối tượng phạm tội là người nghiện ma túy mua về để sử dụng, rồi chia nhỏ ra để bán cho những người nghiện khác. Điều đáng lo ngại là hiện nay toàn tỉnh có tới 109/111 xã, phường thị trấn có người nghiệm ma túy.

Từ tình hình tội phạm về trật tự xã hội và ma túy - liên quan đến tiêu chí an ninh trật tự có thể cho thấy chất lượng thật sự “xã văn hóa” hay “khu dân cư văn hóa” như thế nào. Đó là chưa kể hàng loạt những vấn đề, tiêu chí khác ảnh hưởng, thậm chí quyết định đối với việc có được xem xét, công nhận là “văn hóa” hay không.

Theo Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10-10-2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và hướng dẫn của tỉnh, các xã, phường, thị trấn chỉ xét chấm điểm gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ở 2 mức “đạt” hoặc “không đạt”. Gia đình trong năm không vi phạm chủ trương của Đảng, không vi phạm pháp luật của Nhà nước, không sinh con thứ ba, không vi phạm hương ước, quy ước... thì được xét công nhận đạt gia đình văn hóa, nếu có vi phạm thì không. Tiêu chí đơn giản như thế, “bệnh thành tích” còn rất nặng ở các khu dân cư, thậm chí ở các cơ quan chức năng cao hơn nên “nhà nhà văn hóa” cũng không khó hiểu.

Xây dựng gia đình văn hóa là chủ trương lớn và mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng cho phát triển văn hóa của một đất nước, từ đó góp phần tích cực cho phát triển kinh tế, ổn định chính trị... Tuy nhiên, khác với làm một căn nhà, dựng một trụ sở hay đóng một con tàu, để xây dựng được gia đình văn hóa đúng nghĩa, không phải trong ngày một ngày hai mà phải qua quá trình lâu dài, dựa trên những nền tảng nhất định, có bề dày truyền thống, có tính kế thừa... Nếu danh hiệu “văn hóa” được công nhận “tràn lan”, hệ quả nhãn tiền chính những gia đình, khu dân cư ấy sẽ không rõ “văn hóa là như thế nào” hoặc “nhà nào cũng có” sẽ dẫn tới thậm chí danh hiệu trở nên phản tác dụng.

Để danh hiệu “văn hóa” mang đúng nghĩa và thực chất hơn, chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm, từ mỗi người dân đến cơ quan chức năng tất cả các cấp.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu