Thứ 7, 27/04/2024 06:07:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:40, 30/03/2016 GMT+7

Danh nhân Lê Đại Cang

Thứ 4, 30/03/2016 | 10:40:00 432 lượt xem

BP - Theo sách Lê Đại Cang còn có tên là Lê Đại Cương, tên tự là Thống Thiện, hiệu là Kỳ Phong, quê làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tổ tiên ông gốc ở Nghệ An. Thủy tổ là Lê Công Triều, một người từng làm quan hiển hách ở triều Lê. Chú ruột ông là Lê Công Miễn (1739-1800), là thầy học của hai vua Thái Đức và Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, làm quan đến Thượng thư bộ Hình triều Cảnh Thịnh.

Năm 1787, ông được học thầy Nguyễn Tử Nghiễm, thời Tây Sơn làm quan Thị giảng, cha của Nguyễn Tử Diệu, Thượng thư bộ Hình của triều Nguyễn, rồi thầy Đặng Đức Siêu, sau làm Thượng thư bộ Lễ của triều Nguyễn. Năm 1792, cha mẹ bị bệnh hiểm nghèo rồi lần lượt qua đời, ông phải dừng việc học thầy Đặng Đức Siêu, bắt đầu nghề dạy học để kiếm sống, tiếp tục tự học cả văn và võ tại quê nhà, nổi tiếng là văn võ song toàn.

Chùa Bảo Thọ ngày nay từ Giác am do danh nhân Lê Đại Cang lập lúc về hưu - Ảnh: internet
Chùa Bảo Thọ ngày nay từ Giác am do danh nhân Lê Đại Cang lập lúc về hưu - Ảnh: internet

Năm Gia Long nguyên niên (1802), do Hữu quân Bình Tây tướng quân Quận công Nguyễn Huỳnh Đức và Hình bộ Thượng thư Tham tri Nguyễn Hoài Quỳnh tiến cử với triều vua Gia Long, ông được bổ chức Tri huyện Tuy Viễn, có thời gian bị vu là tham tang, bị mất chức, nhờ hậu quân Lê Chất minh oan mới được phục chức.

Năm 1822, ông được giao giữ chức Hiệp trấn Sơn Tây, năm 1829, làm Cai ở bộ Quảng Nam, Vĩnh Long, rồi làm Tham tri bộ Hình. Năm 1831, Lê Đại Cang được vua Minh Mạng cử làm Phó tổng trấn Bắc Thành (quyền Tổng trấn), sau một thời gian giữ chức Tổng trấn Bắc Thành bị bỏ trống, đồng thời là người được vua giao nhiệm vụ thực thi cải cách hành chính ở miền Bắc: giải thể và chia tổng trấn này thành 13 tỉnh.

Năm 1831, ông được cử làm chủ khảo khoa thi Hương ở trường thi Bắc Thành. Trong số hơn 20 người đỗ cử nhân ở trường thi này có Cao Bá Quát. Tháng 10, ông được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc Thành và thăng làm thự Binh bộ Thượng thư, Đô sát viện Hữu đô ngự sử, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên kiêm Tuần phủ Sơn Tây, nổi tiếng là chính sự giỏi. Tháng 11, do ra lệnh chém đầu một kẻ phóng hỏa đốt nhà người khác, ông bị vua phạt 1 năm bổng. Bị dân hạt Sơn Tây về kinh kiện tội tham nhũng, vua cho tra xét thấy ông không có tội nên triệu về kinh cho yết kiến và dụ rằng: Người làm việc nhanh, giỏi, trẫm đã chọn biết. Việc tiểu dân kiện, xét ra là kiện vu, thì tâm tính của ngươi đã rõ rồi. Đại thần vì nước nên hết sức làm việc nên làm. Tháng 7-1832, kiêm lĩnh Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình.

Tháng 10-1832, ông được triệu về kinh và tháng 11 được giao làm Tổng đốc An Giang - Hà Tiên, kiêm lĩnh ấn Bảo hộ Chân Lạp quốc. Trước khi đi nhậm chức, vua Minh Mạng vời Lê Đại Cang vào ra mắt và dụ rằng: An Giang là tỉnh mới đặt, trong thì trấn thủ, vỗ về nước Phiên, ngoài thì khống chế nước Xiêm, sự thể rất quan trọng. Ngươi nay cai trị đất ấy, phàm những việc quân, dân, trọng đại cùng thành trì và kho tàng đều nên hết sức lo liệu để phu phỉ ý ta mong ngươi làm được thành công.

Năm 1836, khi 65 tuổi, ông xin về hưu nhưng vua Minh Mạng không cho và còn châu phê lão đương ích tráng và dụ gắng sức ở lại làm việc. Ông tiếp tục làm Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần. Năm 1842, ông được giao làm Bố chánh sứ Hà Nội và đến tháng 10 cùng năm, khi tròn 72 tuổi, ông xin về hưu, được vua Thiệu Trị chuẩn y.

Ngoài những công lao kể trên, ông còn có công lao to lớn trong việc khai mở sông đào Vĩnh Điện tại Quảng Nam năm 1824; công lao trong việc giữ đê sông Hồng từ năm 1828-1830; khai mở kênh Vĩnh An nối Tiền Giang, Hậu Giang và An Giang năm 1833... Ông còn là nhà văn nổi tiếng với các bộ sách: Nam hành, Tục Nam hành, Tĩnh ngu thi tập.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên, Lê Đại Cang là danh nhân đã có nhiều đóng góp tích cực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa và những công lao ấy của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm ở cả ba miền đất nước, nhất là ở Hà Nội và miền biên cực Nam đất nước. Trong triều đình nhà Nguyễn thời đó có 6 bộ, ông đều kinh qua và ở lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn, đóng góp to lớn. Ông còn nổi tiếng là một nho sĩ liêm chính, cương trực, một tấm gương sáng về một bề tôi trung, người con có hiếu. Chính vì vậy, ông được các sử gia đương thời cũng như hậu thế ghi nhận là sự kết tinh hào khí linh thiêng và tính chất kiên cường của núi sông và con người Bình Định, vùng đất địa linh nhân kiệt nổi tiếng của đất nước.

Với 76 năm cuộc đời, Lê Đại Cang đã đạt được một sự nghiệp đáng nể trọng, xứng đáng trở thành danh nhân lịch sử của Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Mặc dù hoạn lộ của ông tuy rất gập ghềnh nhưng bình sinh ông hầu như không quan tâm đến chức quyền, tước vị. Khi là đại thần hay là phu khiêng võng, khi là tướng cầm quân hay khi phải làm quân tiền hiệu lực, ông vẫn cứ là Lê Đại Cang, sang giàu không cao ngạo, thụ án chẳng trách hờn và chính cái chất khí khái của kẻ sĩ chân chính trong ông đã khiến ông nhẹ nhàng vượt qua tất cả. Nhờ đó mà thân thế cũng như sự nghiệp của Nho tướng Lê Đại Cang đã để lại cho hậu thế nhiều bài học quý giá.

ND

  • Từ khóa
109775

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu