Thứ 6, 26/04/2024 03:45:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:05, 19/02/2017 GMT+7

Danh nhân Phạm Công Trứ

Chủ nhật, 19/02/2017 | 08:05:00 1,545 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Phạm Công Trứ là tể tướng nhà Lê trung hưng. Ông người làng Liêu Xuyên, tổng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông là một công thần, một nhà chính trị tài năng thời Lê trung hưng, làm đến chức Quốc lão, Thái bảo Yên Quận công. Sự nghiệp chính trị của Phạm Công Trứ bắt đầu từ khi ông thành công trên đường khoa cử. Khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), Phạm Công Trứ dự kỳ thi Đình, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và được bổ làm Hàn lâm viện Hiệu thảo. Từ đó trở đi, ông lần lượt giữ các chức vụ cao trong triều đình nhà Lê.

Minh họa: S.H

Trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, khi đảm đương trọng trách Lại bộ Thượng thư, năm Ất Tỵ (1665), Phạm Công Trứ giao cho Ngự sử đài khảo khóa các nha môn, đã phát hiện sai phạm của nhiều đại thần và tất nhiên, họ đều bị giáng chức. Những việc làm đó đã làm “pháp lệnh nghiêm minh, sĩ phu danh đua cố gắng, người làm quan lấy phong thái khí tiết mà tự miễn, cho nên được gọi là đời thanh bình”. Trên lĩnh vực kinh tế, Phạm Công Trứ đề xuất thực thi phép bình lệ (kê khai hộ khẩu tại các địa phương để làm cơ sở cho việc bình bổ thuế ngạch), ban hành phép ngũ lượng nhằm thống nhất các đơn vị đo lường, đong đếm trong nhân gian.

Khi giữ chức Tham tụng, ông đã nêu rõ phép khảo khóa (cất nhắc quan lại), ban điều lệ giáo hóa, khen thưởng người có đức hiếu để tốt nghĩa, xét lại sổ đinh điền, định lại ngạch thuế. Những việc sắp đặt của ông được chúa Trịnh Tạc tín nhiệm, thường theo ý ông để ổn định việc trị an. Người đương thời đều khen ông là một Tể tướng tốt. Trên lĩnh vực quân sự, từ khi cuộc chiến Trịnh - Nguyễn nổ ra, trải qua 7 lần đại chiến thì Phạm Công Trứ có đến 5 lần Nam chinh. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn vẫn không phân định thắng thua. Do mâu thuẫn nội bộ họ Trịnh, năm 1645, Trịnh Lịch và Trịnh Sầm đã dấy quân phản loạn. Nhờ mưu lược khôn khéo, quyết đoán, Phạm Công Trứ và Đào Quang Nhiêu đã khuyên phủ Tiết chế (tức phủ chúa Trịnh) nên hành sự trước khi chúng tập hợp lực lượng. Kết quả là nội loạn trong cung đã được dẹp yên, đó là công lớn của Phạm Công Trứ và Đào Quang Nhiêu.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Phạm Công Trứ cũng có những đóng góp quan trọng. Đầu tiên là ban bố bản Lê triều giáo hóa điều luật (47 điều giáo hóa) nhằm chấn chỉnh tôn ti trật tự trong triều đình, khiến các kinh điển của Nho giáo thấm nhuần trong xã hội, làm cho nhân dân trở về với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Là người đứng đầu bộ Lễ, Phạm Công Trứ đã kiến nghị vua Lê, chúa Trịnh sửa sang lễ nghi, triều phục và định thành quy chế rõ ràng cho các quan văn võ đại thần. Ông cũng quy định phụ nữ và nam giới mặc y phục theo đúng tục lệ truyền thống. Ngoài ra, Phạm Công Trứ cũng nhiều lần tấu xin ra lệnh nghiêm cấm hút thuốc, bởi không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn trở thành một vấn nạn trong xã hội lúc bấy giờ.

Đặc biệt, trong chuyến hộ giá vua Lê Thần Tông đi Nam chinh ở Thuận Hóa năm 1661, Phạm Công Trứ cùng Trần Đăng Tuyển và Nguyễn Văn Thiệu làm thơ, xướng họa về những thắng tích, nhân vật nổi tiếng của các địa phương mà đoàn quân đi qua, bao gồm 18 bài. Đây là những cảm nhận tinh tế, sâu sắc về thiên nhiên, đất nước, con người của ông, đồng thời, quan trọng hơn là thể hiện ý chí quyết tâm của đoàn quân trong việc bình ổn và thu phục châu Ô (do nhà Nguyễn ở đàng Trong chiếm đóng). Để mở mang nền nếp Nho học, giáo dục kẻ sĩ, tuyển chọn nhân tài cho đất nước, ông phụng mệnh làm Giám thủ Quốc Tử Giám, vừa coi sóc việc trùng tu, tôn tạo Văn miếu Quốc Tử Giám, đồng thời đôn đốc và rèn luyện việc học tập của học sinh ở Quốc Tử Giám.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại này, trải qua 50 năm làm quan, phò tá 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh, từng giữ nhiều chức vụ và cương vị khác nhau, Phạm Công Trứ đã đạt đến đỉnh cao của công danh và quyền lực. Ông được người đương thời và hậu thế đánh giá là người mưu lược, luôn chăm lo việc nước, tài năng xuất chúng trên mọi lĩnh vực: văn hóa, sử học, ngoại giao, chính trị, quân sự, pháp luật. Chính vì vậy, sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau: Ông là người thâm trầm giản dị, chắc chắn... đặt ra phép tắc, sửa soạn kỷ cương, đè nén những kẻ cậy thế nhũng lạm, yêu chuộng những người có phong cách tiết tháo, được người đời khen có đức tốt, có danh vọng, công lao sự nghiệp là bậc hiền tể thứ nhất sau đời Trung hưng.

Từ trong lịch sử phát triển của nhân loại và thực tế cuộc sống ngày nay, tất cả mọi người đều có khát vọng hướng đến sự hoàn hảo. Tuy nhiên, trong mỗi con người lại tùy vào tính cách, quan điểm sống khác nhau, nên có thể nhìn nhận về các mức độ hoàn hảo của sự việc khác nhau. Và thành công là hoàn hảo, vì nó giúp ta khẳng định bản thân trước cộng đồng, thôi thúc ta phấn đấu; thất bại cũng là hoàn hảo, vì nó cho ta có cơ hội nhìn lại sai lầm và những khiếm khuyết của mình; đợi chờ là hoàn hảo, vì nó sẽ cho ta thấy được giá trị của lòng kiên nhẫn, thời gian; sự khổ đau là hoàn hảo, vì sau khổ đau chúng ta sẽ biết trân trọng hạnh phúc mà mình đang có... Và ở con người của Phạm Công Trứ có đầy đủ sự hoàn hảo ấy, chỉ có điều hậu thế học được gì ở tiền nhân mà thôi.

N.D

  • Từ khóa
109885

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu