Thứ 6, 26/04/2024 17:24:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 07:22, 29/04/2019 GMT+7

Danh tướng lẫy lừng

Thứ 2, 29/04/2019 | 07:22:00 1,079 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, danh tướng Hoàng Đình Ái sinh ngày 23 tháng chạp năm Đinh Hợi (1527), là người Biện Thượng, huyện Vĩnh Phúc (nay là thôn Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ông là con nhà cậu của Lượng Quốc công Trịnh Kiểm; là danh tướng nhà hậu Lê, có công giúp nhà Lê trung hưng. Hoàng Đình Ái ra đời khi nước Đại Việt bị chia cắt trong thời chiến tranh Lê - Mạc. Khi lớn lên, đất Thanh Hóa quê ông đã thuộc về nhà Lê. Hoàng Đình Ái đầu quân theo giúp nhà Lê trung hưng và trở thành danh tướng trong cuộc chiến tranh này.

Năm 1557, ông cùng Phạm Đốc phục binh phía Bắc sông Mã chặn đánh quân Mạc tiến từ vùng Hòa Bình vào căn cứ của quân Lê - Trịnh. Trận này quân Lê thắng lớn. Năm 1561, sau khi mất vùng Sơn Nam, phụ chính nhà Mạc là Mạc Kính Điển vượt biển đánh vào vùng duyên hải Thanh Hóa. Trước sức mạnh của quân Mạc, Tây Đô có nguy cơ bị thất thủ. Thái sư Trịnh Kiểm điều ông về chặn đánh cuộc tiến công của quân Mạc, giữ vững được thành đô, đuổi quân Mạc ra khỏi đất Thanh Hóa.

Năm 1570, Trịnh Kiểm vừa mất, anh em Trịnh Cối, Trịnh Tùng đánh nhau tranh quyền, tướng sĩ không hòa thuận, nhân dân hoang mang. Nhân cơ hội đó Mạc Kính Điển đem 10 vạn quân chia làm 5 đạo với 700 chiến thuyền vào đánh Thanh Hóa quyết diệt quân Lê - Trịnh. Thế quân Mạc khi đó rất mạnh. Trịnh Cối không thể đương nổi nên đã dẫn bộ tướng đem quân hàng Mạc. Hoàng Đình Ái liền gọi các tướng Lê Khắc Thận, Nguyễn Hữu Liêu, Phạm Văn Khoái... vào yết kiến vua Lê Anh Tông và tôn Trịnh Tùng làm đô tướng để chống quân Mạc.

Dưới thời Mạc Kính Điển làm thống lĩnh, quân Mạc rất mạnh và thường chiếm ưu thế trước quân của nhà Lê. Mạc Kính Điển cùng tướng Nguyễn Quyện nhiều lần cầm quân vào đánh Thanh Hóa, Nghệ An. Năm 1575, Kính Điển đem quân đánh Thanh Hóa. Quân Mạc mạnh, tiến đến đâu quân Lê đều không dám chống lại mà chạy vào trong núi rừng để trốn tránh. Kính Điển tự đem đại binh tiến đánh các sông ở Yên Định và Thụy Nguyên, lại chia quân cho Mạc Ngọc Liễn tiến đánh các huyện Lôi Dương và Đông Sơn. Tháng 8 năm đó, Hoàng Đình Ái nhận lệnh của Trịnh Tùng thống suất các tướng Đỗ Diễn, Phan Văn Khoái đem quân đi cứu các huyện Lôi Dương, Nông Cống, Đông Sơn, đóng quân ở núi Tiên Mộc. Ông phối hợp với Trịnh Tùng và Thái phó Vũ Sư Thước đuổi được quân Mạc rút về.

Tháng 8-1577, Mạc Kính Điển đánh sông Đồng Cổ. Hoàng Đình Ái lại nhận lệnh cùng Nguyễn Hữu Liêu đem quân chặn phá quân địch, đánh nhau với quân Mạc ở Hà Đô. Quân Mạc lại phải rút lui. Năm 1581, quân Mạc đánh vào Thanh Hóa. Hoàng Đình Ái thống lĩnh quân tướng chia làm 3 đạo, Nguyễn Hữu Liêu làm tiên phong, tự mình đốc đại binh làm chính đội, Trịnh Thái làm hữu đốc, Trịnh Đồng làm hậu đốc đánh quân Mạc suốt dọc sông Mã. Trận này diệt hơn 600 quân, bắt sống 1 tướng Mạc, quân Mạc phải tháo chạy ra Bắc.

Sau khi Mạc Kính Điển chết (1580), nhà Mạc ngày một suy yếu, quân Nam triều ngày càng thắng thế. Tháng 12-1591, Trịnh Tùng dẫn đại quân tổng tiến công vào Thăng Long, chia quân làm 5 đạo. Hoàng Đình Ái cùng Trịnh Đồng lĩnh đội thứ 2. Cuối tháng 12 năm đó, quân 2 bên đánh nhau một trận lớn, quân Lê đại phá quân Mạc. Sang năm 1592, Hoàng Đình Ái theo Trịnh Tùng đánh bại quân Mạc nhiều trận lớn nữa, chiếm được kinh thành Thăng Long. Vua Mạc là Mậu Hợp bỏ trốn không lâu thì bị bắt và bị giết. Thân tộc họ Mạc chạy lên phía Bắc tiếp tục cầm cự. Hoàng Đình Ái trở thành một trong các công thần có công lớn nhất trong việc giúp nhà Lê trung hưng, khi đó ông đã 66 tuổi.

Ngày 15-12-1608, lão tướng Hoàng Đình Ái mất ở kinh sư, thọ 81 tuổi. Khi ông sắp ra đi, chúa Trịnh Tùng tới thăm hỏi và đã nói: “Hữu tướng quốc một đời công lao dồn lại, to hơn núi Thái...”. Sau khi ông mất, nhà vua ra chiếu chỉ cả nước để tang ông 5 ngày, triều đình bãi triều 5 ngày, gia quyến được cấp tiền ngàn quan và lấy dân trong 10 xã làm lính hầu giữ mộ, vua ban 4 chữ đại tự để thờ “Kiều Mộc Thế Thần” (tức là cây lớn trên núi Thái) trụ cột vững chắc của triều đình.

Lời bàn:

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, sau khi ông mất, vua Lê đã sai Hữu thị lang bộ Lễ là Nguyễn Lễ soạn văn bia “Thần đạo” để ghi công ông. Trong bia này có đoạn viết: Tướng công Hoàng Đình Ái là người có phong cách sống trong sáng, hòa nhã, bền bỉ, đúng chức phận, trong công việc giữ điều tín nghĩa, đem hết năng lực ra làm việc nước, đức độ của tướng công thu phục lòng người. Khoan hậu của tướng công góp phần làm cho mạch nước mạnh thêm trường thọ, phong thái và thể chất của tướng công ngưng tụ thành biểu tượng cao lớn. Trong triều đình, Thái sư uy nghi như Thái Sơn - Kiều Mộc...

Một con người nếu được sử sách lưu truyền như vậy cũng đã là quá đủ. Song, với danh tướng Hoàng Đình Ái thì cuộc đời và sự nghiệp của ông không chỉ có vậy, mà còn được hậu thế muôn đời lưu danh là vị tướng văn võ song toàn. Tài chỉ huy quân đội và đức độ, nhân phẩm của ông - một vị tướng tài ba, mãi mãi là bài học quý cho các thế hệ mai sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

N.D

  • Từ khóa
110176

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu