Thứ 6, 19/04/2024 18:16:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:49, 01/11/2018 GMT+7

Đảo Đầu Gỗ - Những truyền thuyết và chuyện tình cảm động

Thứ 5, 01/11/2018 | 13:49:00 1,272 lượt xem
BP - Tới Vịnh Hạ Long, du khách có rất nhiều sự lựa chọn tuyến để thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đến với đảo Đầu Gỗ - hòn đảo nổi tiếng có động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ, du khách sẽ bị mê đắm bởi cảnh sắc trong hang lộng lẫy với các trụ nhũ đá được hình thành từ hàng triệu năm. Câu chuyện tình cảm động của chàng trai làng chài vịnh Hạ Long với nàng tiên của thiên giới đầy ly kỳ sẽ đưa du khách từ bất ngờ đến thuyết phục khi theo hành trình tham quan hòn đảo tuyệt đẹp này.

Nhìn từ xa, đảo Đầu Gỗ có hình dáng như thanh gỗ khổng lồ nằm giữa vịnh, những khối đá liền nhau lởm chởm giống như những vết dao chặt, do vậy người ta gọi là đảo Đầu Gỗ. Chúng tôi ra đảo, thăm động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ vào cuối giờ chiều. Vì thời gian hơi muộn nên khách du lịch đã vãn, cả chuyến tàu có khoảng 15 người. Con tàu Bài Thơ 15, có công suất 135 mã lực chở khách từ cảng tới đảo hết 30 phút. Gió nhẹ, tiết trời dịu mát, ngồi trên mạn tàu phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ thấy rất rõ cầu Bãi Cháy nối liền khu trung tâm hành chính của Quảng Ninh và khu du lịch Tuần Châu soi mình xuống vịnh, đẹp như một bức tranh giữa bao la biển trời xanh thẳm.

Khách du lịch tham quan động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ

Năm 1918, vua Khải Định (1916-1925) triều Nguyễn đã đến tham quan hang Đầu Gỗ. Sau chuyến đi này, nhà vua đã sai quan tỉnh thần Quảng Yên khắc dựng tấm bia đá đặt tại cửa hang. Trong văn bia có khắc ghi lời tựa và bài thơ của vua Khải Định; kể về vẻ đẹp của hang động và đặt tên là Ngũ Sắc Tường Vân; làm bài thơ ngũ ngôn có 12 vần và cả bài tựa dẫn. Vua sai quan tỉnh thần Quảng Yên cho thợ khắc bia đá, đặt ở cửa động: “Một là để ghi lại sự khéo léo của tạo hóa, hai là để ghi lại tình cảm giao hiếu mặn mà. Còn như bảo rằng vẽ thêm hoa trên gấm vóc, thì hãy đợi các tao nhân mặc khách đời sau” (vua Khải Định).

Động Thiên Cung là một trong hai hang động được phát hiện tại đảo Đầu Gỗ từ năm 1901 do đoàn thám hiểm người Pháp, sau đó bị lãng quên. Đến năm 1993, một người dân làng chài phát hiện lại và từ năm 1996 tới nay, Ban quản lý vịnh Hạ Long mới tu bổ, tôn tạo xây dựng đường đi, hệ thống ánh sáng và mở cửa đón khách du lịch. Từ tàu lên đảo, du khách cảm nhận rất rõ vẻ đẹp còn hoang sơ bởi những vách đá cheo leo và cây cối rậm rạp. Động Thiên Cung nằm trên cao và sâu trong núi. Với độ cao vài trăm bậc đá dựng đứng theo hình xoắn ốc, nhiều du khách phải dùng cây chống mới có thể lên tới được. Bước vào động, mọi du khách đều choáng ngợp bởi diện tích động rộng khoảng 3.000m2, chia thành 3 ngăn, ánh nắng soi rọi từ các phía khiến hang động bừng sáng lấp lánh với nhiều hình thù kỳ bí. Ngay cửa động là một khối đá lớn hình chim, gọi là chim phượng, sát cạnh là khối nhũ đá hình đầu rồng, khiến người ta liên tưởng tới cặp đôi rồng phượng luôn hiện hữu bên nhau. Đi sâu vào phía trong du khách sẽ thấy rõ động có 4 cửa hang, do vậy không khí được điều hòa thoáng mát, không bị ngợp. Cửa hang thứ nhất có 2 trụ đá sừng sững, được hình thành bởi các nhũ đá với niên đại khoảng 2 triệu năm. Đứng từ trong hang có thể nhìn thẳng lên trời nên được gọi là cổng trời. Vào phía trung tâm động, các nhũ đá qua quá trình biến đổi hàng triệu năm đã tạo ra nhiều hình thù rất rõ như: đầu lân, đầu sư tử, các trụ đá hình rắn, voi, rùa, thảo mộc... Giữa động hiện rõ một cung vua, có lọng vua, voi chầu, hổ phục, phía đối diện cung vua là hình con rồng lớn với thân hình uốn lượn mềm mại trên các vách đá tựa như trong mây. Tiến sâu vào trong hang, du khách dễ dàng quan sát thấy bãi tắm tiên với phong cảnh tuyệt đẹp. Và câu chuyện tình cảm động được xây dựng trên hình ảnh hiện rõ như tạc tượng cũng bắt đầu từ đây. Chuyện kể rằng: Xưa kia, Ngọc Hoàng có 7 nàng tiên hằng ngày thường rủ nhau xuống vịnh Hạ Long tắm. Một lần, nàng tiên thứ 7 vô cùng xinh đẹp bị mất xiêm y, vì xấu hổ nên đã nép mình vào vách núi rồi bị hóa đá. Người đánh cắp xiêm y là một chàng trai dân làng chài vịnh Hạ Long vì quá yêu và muốn lấy nàng làm vợ nên chàng trai đã nghĩ ra cách giấu xiêm y để nàng không về được. Hiện trên vách đá còn nguyên hình một nàng tiên bị hóa đá, phía dưới là hình chàng trai đang nhìn về phía nàng, trong áo phồng lên như thể giấu xiêm y trong đó.

Hang Đầu Gỗ nằm sát động Thiên Cung, tuy nhiên do có cửa rộng nên dễ phát hiện hơn. Vào những năm đầu thế kỷ XX, ngư dân của các làng chài vịnh Hạ Long thường vào đây tránh bão và sửa chữa tàu thuyền đã để lại nhiều đầu gỗ, thanh gỗ, do vậy gọi là hang Đầu Gỗ. Hang cũng có 3 ngăn, có 1 sân khấu cố định làm bằng gỗ. Hằng năm, vào các dịp tuần lễ du lịch Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh thường mời các dàn nhạc giao hưởng về đây biểu diễn để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Quang Minh

  • Từ khóa
90301

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu